LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
“Làng ngữ” giữa Thủ đô .
(Ngày đăng: 23/01/2016   Lượt xem: 390)
Về lý thuyết, ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống, do đó có sự khác biệt đáng kể giữa các địa phương.

Cùng là tiếng Việt, nhưng trên dải đất hình chữ S cũng có tới ba vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ, phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ; khác nhau chủ yếu ở ngữ âm, rồi đến từ vựng và - tuy rất ít, song ngữ pháp cũng có một số khác biệt. Trong đó, sự khác biệt về từ vựng tuy không nhiều bằng ngữ âm, nhưng lại dễ gây ra hiểu lầm hơn cả.

Chẳng thế mà nhiều người vẫn truyền khẩu bài thơ vui về phương ngữ: “Bắc than gầy, thì Nam bảo ốm/ Bắc cáo ốm, Nam khai bịnh hay đau/ Bắc cuốc nhanh, Nam đi bộ mau mau/ Bắc bảo muộn, Nam cho là trễ/ Nam “mần sơ sơ”, Bắc “làm lấy lệ”/ Bắc nói khoác lác, Nam bảo xạo ke/ Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn/ Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay/ Bắc nấu thịt cầy, Nam chê thịt chó”…

Bên cạnh đó, người dân một số vùng còn chủ ý tạo ra một thứ “ngôn ngữ” riêng để giao tiếp trong một cộng đồng của họ.

Ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, nhưng người dân thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên – một làng nghề từng nổi danh với nghề đóng cối xay, có thể nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ mà người ngoài làng không hiểu. Tương truyền, chính cánh thợ cối đã sáng tạo ra ngôn ngữ riêng để nói chuyện với nhau mà người ngoài nghe không hiểu, nhờ đó không ai học lỏm được nghề.

Người làng vẫn kể lại câu chuyện một cự phú Nam Định mời hai người thợ giỏi nhất làng Đa Chất đến nhà mình ăn ở cả tháng trời, đặt làm hết cối này sang cối khác với dụng ý học lỏm nghề. Nhưng khi làm, các ông thợ nói chuyện với nhau bằng những “biệt ngữ”, kiểu như "xảo ỏn xấn nhẹn" (phó hai làm nhanh tay lên), "xấn rỉa cho choáng" (chẻ dăm nhỏ ra cho đều mới đẹp), "tớp năn nụi" (lấy lại dăm cũ)... Rút cuộc, người Nam Định tinh ranh nọ đành bỏ cuộc.

Theo các bậc cao niên trong làng, số lượng từ vựng riêng có của Đa Chất lên tới hơn 200 từ. Mỗi từ đều có nghĩa độc lập, có thể ghép lại với nhau tạo ra lớp nghĩa mới. "Thít" có nghĩa là "ăn", "bâng lâng" có nghĩa là "các loại quả"; "thít bâng lâng" nghĩa là "ăn hoa quả"…

Lại cũng có chuyện, người Đa Chất đi ô tô khách thông báo với bạn đồng hành (dĩ nhiên cũng là người đồng hương): "sảo tớp hách/ nhát tớp hách". Người bạn lập tức hiểu được "mật mã" này có nghĩa là người con trai/ người con gái (đó) ăn cắp (kìa), nhờ đó mà bảo quản được tư trang, còn người báo tin cũng không bị phiền hà gì với kẻ xấu.

Quả thực đây là một nét văn hóa rất thú vị. Nhưng giờ đây, khi máy xay xát ra đời, nghề đóng cối bị thu hẹp, biệt ngữ làng nghề cũng đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Kể cũng đáng tiếc lắm thay!

                                                                               Theo baohaiquan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.520.680
Tổng truy cập: