LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Bánh chưng làng Tranh.
(Ngày đăng: 23/01/2016   Lượt xem: 367)
Nếu muốn cảm nhận không khí náo nhiệt, tất bật chuẩn bị Tết cổ truyền thì bạn hãy tìm về Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), làng nghề làm bánh chưng nổi tiếng lâu đời nhất Hà Nội từ bao đời này.

Bánh chưng làng Tranh

Dự kiến, trong tết Nguyên đán Bính Thân 2016, thôn Tranh Khúc sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu chiếc bánh chưng.

Nửa làng sống bằng nghề gói bánh chưng

Tìm về làng nghề bánh chưng Tranh Khúc vào những ngày này, tuy chưa phải thời gian bận rộn nhất, nhưng không khí chuẩn bị cho “vụ mùa” lớn nhất của năm đã bắt đầu náo nhiệt. Khắp đầu làng cuối xóm, từng chồng lá dong được bày la liệt để chuẩn bị cắt ngọn, tỉa lá, rửa và phơi cho ráo nước. Lâu lâu lại có một chuyến xe đầy ắp lá dong từ khắp nơi đổ về làng. Tiếng nổ bình bịch của chiếc xe công nông, tiếng nói cười rộn rã của những người tập trung gói bánh, tiếng nô đùa của lũ trẻ con xung quanh bếp lửa phập phùng, làn hơi nghi ngút bốc lên từ nồi bánh chưng to tổ chảng hòa quyện trong không khí… Tất cả tạo nên một nét đặc trưng rất riêng mà có lẽ chỉ tìm thấy được ở cái làng Tranh Khúc này.

Bánh chưng làng Tranh

                                          Nhà nhà ở Tranh Khúc tất bật rửa lá dong gói bánh

Theo lời bà trưởng thôn Nguyễn Thị Thiệp, Tranh Khúc bắt đầu làm bánh chưng từ bao giờ chẳng ai nhớ nổi, chỉ biết ở làng này ai cũng biết gói bánh chưng. Trẻ con 7, 8 tuổi bắt đầu biết việc đã phụ giúp gia đình, từ những việc nhỏ như cắt, rửa, xếp lá. Lớn hơn chút nữa thì đồ đỗ, gói bánh. “Làng này có hơn 300 hộ thì quá nửa sống bằng nghề gói bánh. Kinh tế cũng đi lên từ những chiếc bánh chưng xanh”.

Không phải ngẫu nhiên mà bánh chưng Tranh Khúc lại nổi tiếng đến vậy. Ông Nguyễn Văn Hưng (chủ một gia đình có truyền thống làm bánh chưng hơn 40 năm) chia sẻ: “Bí quyết làm bánh chưng của làng không có gì đặc biệt, cũng từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Tuy nhiên, để làm bánh chưng ngon phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, chọn gạo, chọn đậu. Người làng Tranh Khúc thường chọn gạo nếp cái hoa vàng của vùng Hải Hậu (Nam Định), còn đậu xanh, trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu thơm và ngậy. Đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc là gói bánh 8 góc, bánh vuông vức, đều và đẹp nhưng tất cả hoàn toàn đều được gói bằng tay. Sau khi gói xong, luộc, vớt ra rửa sạch rồi nén chặt bánh mới rền và để được lâu”. Bánh chưng Tranh Khúc thường được luộc theo phương thức truyền thống bằng bếp củi và bếp than. Bánh được luộc 8-10 tiếng. Cứ cuối buổi chiều các hộ bắc bếp nổi lửa, gần sáng bánh được vớt ráo nước, ép, rồi mang đi khắp nơi. Giao bánh xong lại quay về khâu chuẩn bị rửa lá, đồ đỗ, ngâm gạo, gói bánh… Công việc cứ quay vòng, ngày này qua tháng khác nhưng không hề nhàm chán bởi thành phẩm làm ra là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Bánh chưng làng Tranh

            Khâu chuẩn bị nguyên liệu gói bánh luôn được bà Nguyễn Ngọc Hậu chăm chút tỉ mỉ

Bánh chưng làng Tranh

               Gia đình ông Nguyễn Văn Hưng có truyền thống gói bánh chưng hơn 40 năm nay

“Bánh chưng làng Tranh, không ăn nhanh thì thiu”, đây là câu cửa miệng của người dân khi được hỏi về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh của bánh chưng Tranh Khúc. Quả thật nhìn sự cầu kì, cẩn thận của những người dân nơi đây từ việc lựa chọn nguyên liệu, rửa những tấm lá dong cho đến gói ghém, giằng lạt từng chiếc bánh có thể thấy họ cẩn thận và trân trọng như thế nào sản phẩm mà mình làm ra. “Ngày thường gia đình tôi làm từ 200-400 chiếc bánh tùy lượng khách đặt. Lễ Tết từ 1.000-2.000 cái. Bánh gói giao đi các đại lý, siêu thị ngay trong ngày chứ không ế thừa bao giờ”.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân làng “kêu ca” rằng gói bánh chưng cực lắm. Tuy không “chân lấm tay bùn” như những vùng quê khác nhưng lại “đầu tắt mặt tối” từ nửa đêm gà gáy cho đến hết chiều hôm sau. “Chính vì thế mà lớp trẻ bây giờ thường chọn nghề khác chứ không sống bằng nghề này. Lâu nay thường mỗi nhà chỉ có lớp trung niên, cao tuổi ngồi nhà gói bánh. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến Xuân về, lớp trẻ lại tranh thủ những thời gian rảnh rỗi để phụ giúp cha mẹ, ông bà. Cho dù có đi đâu làm gì nhưng truyền thống của gia đình, của làng nước đã ăn sâu vào máu thịt từng người, không ai quên được và cho phép mình chối bỏ. Khi lớp già nghỉ ngơi, lớp trẻ sẽ lại về tiếp tục gìn giữ và làm ra những chiếc bánh chưng nức tiếng một vùng”, bà Nguyễn Thị Thiệp cười nói với chúng tôi.

Bánh chưng xuất ngoại

Hiện nay, thị trường cho sản phẩm làng nghề Tranh Khúc vẫn chủ yếu là thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Những năm gần đây, bánh chưng Tranh Khúc còn được xuất ngoại, lên máy bay đi ra nhiều nước phương Tây. Theo ước tính, với số đơn hàng đã đặt, từ nay đến Tết, mỗi ngày làng bánh chưng Tranh Khúc sẽ xuất khẩu trung bình được khoảng trên dưới 10.000 chiếc mỗi ngày. Thị trường xuất khẩu bánh chưng của Tranh Khúc chủ yếu là ở các nước có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống, nhất là các nước Đông Âu như Czech, Ba Lan, Nga, Đức. Ngoài ra, một số nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Dự kiến, trong tết Nguyên đán Bính Thân 2016, thôn Tranh Khúc sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1 triệu chiếc bánh chưng.

Bà Nguyễn Ngọc Hậu (dân làng Tranh Khúc) cho biết, ban đầu bánh chưng Tranh Khúc chủ yếu được người thân, họ hàng của dân làng mang ra nước ngoài mỗi khi có dịp về thăm. Từ đó, nhờ vào chất lượng, người nọ giới thiệu người kia, thương hiệu bánh chưng làng Tranh mới được cộng đồng người Việt ở nước ngoài biết đến. Các đơn đặt hàng cũng tăng dần lên từ Tết này qua Tết kia. Đặc biệt, theo lời bà Hậu, bánh chưng Tranh Khúc có tiếng và uy tín hơn hẳn bánh chưng nơi khác bởi chất lượng về sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2009, được sự đầu tư của huyện và địa phương, làng Tranh Khúc đã trang bị được máy hút chân không để đóng, ép bánh. Nhờ đó mà dù không có chất bảo quản bánh vẫn giữ được lâu hơn bánh thông thường. Hơn nữa bánh còn được cho vào túi nilon có in mẫu mã, tên người sản xuất, địa chỉ, số điện thoại giúp người tiêu dùng yên tâm về nguồn gốc chất lượng.

Tuy nhiên, theo người dân nơi đây, vẫn phải thừa nhận rằng việc xuất hàng đi nước ngoài còn nhỏ lẻ và chủ yếu qua trung gian chấp nhận hình thức ký gửi chứ chưa qua một kênh bán hàng chính thức nào, phần nhiều theo dịp lễ Tết, quà tặng. Đây cũng là một điều mà bà Nguyễn Thị Thiệp vẫn còn băn khoăn và trăn trở. Bà Thiệp hy vọng rằng, không bao lâu nữa, làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà sẽ tạo ra được một “con đường” xuất ngoại chính thống, để thương hiệu bánh chưng làng Tranh không ngừng phát triển và vươn xa ra năm châu bốn bể.

                                                                                   Theo baohaiquan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.520.723
Tổng truy cập: