LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề làm hương đen làng Chóa.
(Ngày đăng: 23/01/2016   Lượt xem: 606)
Cách trung tâm thành phố Bắc Ninh khoảng 20 km, làng Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) vẫn duy trì nghề làm hương đen hơn 300 năm nay.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Những thanh nứa được ngâm 3 tháng, rồi vót đều tăm tắp, sau đó phơi khô. Đây là một trong các nguyên liệu chính để làm hương.

Hương đen làng Chóa có từ khoảng thế kỷ 18 và được lưu truyền từ đời này sang đời khác đến ngày nay. Những ngày giáp Tết, cả làng tất bật vào vụ mùa lớn nhất trong năm, nhiều khách bán buôn, mua lẻ xa gần tìm về nơi đây. Nhu cầu sử dụng hương tăng lên nên hương được làm quanh năm thay vì chỉ làm theo mùa như trước đây để phục vụ Tết nguyên đán và các đình, chùa.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Hương đen xếp trong nhà khoảng 7-10 ngày thì có thể sử dụng được. Điều đặc biệt là hương đen dù có bị thấm nước cũng vẫn cháy được.

Hương thơm thoang thoảng tự nhiên nhưng rất đặc biệt bởi nguyên liệu chính để làm nên những cây hương đen là nhựa trám, than hoa, nứa. Để tạo nên những cây hương đạt chuẩn thì bước đầu tiên chọn lựa nguyên liệu phải cẩn thận, kĩ càng. Nhựa trám, than hoa không được bị bẩn hay lẫn tạp chất. Nứa được ngâm khoảng 3 tháng rồi được vót thành que hương và đem phơi khô.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Gia đình bà Ngô Thị Bảy hiện nay đang cung cấp nứa cho các gia đình khác trong làng vì bà đã đầu tư máy móc giúp giảm bớt sức người phải bỏ ra.

Hỗn hợp từ nhựa trám đun sôi và than hoa được cho vào máy nghiền để tạo độ mịn dẻo, rồi được cắt thành miếng nhỏ để cho vào nồi hấp cách thủy. Công đoạn cuối cùng là xe hương. Ngày xưa tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay nên khá vất vả, còn hiện nay, nhờ có máy móc nên công việc đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên nhiều người dân vẫn dùng cách xe hương bằng tay. Theo như bà Ngô Thị Khanh chia sẻ: “hương được xe bằng tay đều, bám chắc vào thanh hơn là được làm bằng máy móc”.

Nghề làm hương đen làng Chóa

       Bà Ngô Thị Khanh đã có hơn 40 năm làm hương đen nhờ học nghề từ bố đẻ từ lúc còn nhỏ.

Hương đen làng Chóa có 5 loại theo kích cỡ khác nhau: loại dài 1m2, 1m; loại vừa 80cm và loại nhỏ 50cm, 30cm. Giá loại đắt nhất khoảng 300.000 đồng/100 cây còn loại rẻ nhất khoảng 30.000 đồng/100 cây. Nơi tiêu thụ loại hương này nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang…

Hiện nay cả làng còn khoảng 40/600 hộ vẫn làm nghề. Người dân kể rằng, ngày xưa nhà nào cũng làm hương nên chỉ mới đến đầu làng là thấy mùi hương thơm phảng phất… nhưng những năm gần đây chỉ còn lại số ít hộ theo nghề.

Bà Khanh cho biết mỗi năm gia đình bà làm được khoảng 10 vạn hương nhưng lợi nhuận thu lại cũng chẳng bao nhiêu vì số tiền mua nguyên vật liệu và công sức bỏ ra khá nhiều. Tuy nhiên bà vẫn tiếp tục giữ nghề vì muốn giữ truyền thống của tổ tiên và làm hương hoàn toàn bằng nguyên liệu thiên nhiên nên cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Dùng tay để nhào than và nhựa trám sẽ tạo nên hỗn hợp có độ mịn, quyện đều để xe hương. Các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn phương pháp thủ công này.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Nguyên liệu không thể thiếu để làm hương đen là than nên tại mỗi cơ sở sản xuất, khu vực trộn than và nhựa trám luôn ám một màu đen.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Việc xe hương đòi hỏi sự khéo léo và quen nghề thì mới có thể cho ra được những cây hương đều, hỗn hợp than và nhựa trám bám chắc vào thanh nứa.

Mặc dù là nghề lâu đời và có tiếng nhưng ngày nay dân làng vẫn chỉ coi đây là nghề phụ để thêm thu nhập chứ không phải nghề chính. Một phần vì thiếu nhân công khi người trẻ đi làm hết ở khu công nghiệp Yên Phong chỉ cách đó khoảng 3km, phần vì cho rằng làm hương vất vả, lợi nhuận kiếm được không ổn định.

Nghề làm hương đen làng Chóa

Thanh niên trẻ tuổi hiện nay chủ yếu tập trung đi làm tại khu công nghiệp nên ở nhà chỉ có trẻ nhỏ và người lớn tuổi tiếp tục duy trì việc làm hương truyền thống.

Dù trên thị trường hiện nay ngày càng xuất hiện nhiều loại hương công nghiệp, song hương đen làng Chóa vẫn giữ được nét độc đáo của riêng mình. Dù còn khó khăn nhưng người trong làng vẫn mong muốn lưu giữ nghề. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên có định hướng kịp thời để hỗ trợ, động viên người dân tiếp tục duy trì làng nghề độc đáo này.

                                                                           Theo baoxaydung.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.520.653
Tổng truy cập: