LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Tò he – Qua 4 thế kỷ vẫn giữ được “hồn”
(Ngày đăng: 23/12/2015   Lượt xem: 2385)
Tò he từ trước tới nay vẫn là một hình ảnh rất đẹp trong ký ức tuổi thơ của mỗi người. Nhưng ít ai biết được rằng, những “chú”, những “bác” nặn tò hè ngày ấy vẫn còn giữ nghề ở ngôi làng truyền thống Xuân La, Hà Nội - nơi những người thợ vẫn miệt mài sáng tạo thức quà – đồ chơi cho lũ trẻ ngày nào.
Xuân La trước đây lại là một ngôi làng chiêm trũng, bốn mùa nước nổi, đi lại khó khăn và chủ yếu là di chuyển bằng thuyền để sang được những làng khác. Chính vì thế mà trò chơi của trẻ nhỏ trong làng bị hạn chế. Cái khó ló cái khôn, chính vì thiếu thốn trò chơi nên trẻ con bắt đầu nghĩ ra trò nặn đắt sét thành hình thù các con thú, đồ vật.
 
Đó là câu chuyện 300, 400 năm trước về sự khởi đầu của nghề nặn tò he của người dân làng Xuân La, Hà Nội. Từ một trò chơi dân dã của trẻ con, người dân dần mày mò, tìm hiểu. Từ những con thú, đồ vật đơn giản bằng đất sét, các thợ tò he sáng tạo thêm nhiều hình thù khác lấy nguyên mẫu từ phim truyện, hoạt hình ngày nay để luôn cập nhật thị hiếu và thêm tính sinh động cho các sản phẩm của mình. Thế là, chả biết tự bao giờ, nghề tò he trở thành một nghề kiếm cơm của người dân trong làng và bọn trẻ con khắp nơi bắt đầu quen dần với những bác nặn tò hè cùng thùng đồ nghề cắm đầy những chiếc tò he Ngộ Không, Trư Bát Giới, Thủy Thủ Mặt Trăng,…
 
Đồ nghề của các nghệ nhân tò he rất đơn giản: một chiếc tráp bằng gỗ và hũ bột gạo dẻo luộc chín trộn sẵn phẩm màu, ít que tre và chiếc ghế nhựa. Tất cả được chằng buộc cẩn thận trên một chiếc xe đạp. Cứ thế, nghệ nhân trong làng lang thang qua các góc phố, công viên để thổi hồn mình vào những con tò he.
 
Nghề nặn tò he phải xuôi ngược nhiều nơi, bị xua đuổi cũng là chuyện thường
 
Vốn mang đặc thù là một nghề gắn bó với những ngày hội hè nên nghề nặn tò he không phải lúc nào cũng có thể mang lại thu nhập ổn định. Người dân làng Xuân La trước còn sống bằng nghề nặn tò he nhưng càng về sau, nhiều ngành nghề phát triển hơn, cả làng cũng chỉ còn khoảng ngót nghét 200 hộ là còn bám trụ với nghề. Trước đây, một con tò he bán với giá 2-5 nghìn đồng thì cuộc sống của người dân cũng chỉ gọi là đủ chứ chẳng mấy ai giàu được bằng nghề này.
 
Những người thợ nặn tò he gắn liền với tuổi thơ của mọi đứa trẻ (ảnh – sưu tầm)
 
Giờ đây, người dân làng còn theo nghề nặn tò he phải bạt đi tứ xứ, từ Bắc vào Nam, sang cả Lào, Campuchia mang thứ đồ chơi dân dã ấy đến với mọi nơi. Theo lời Nghệ nhân Chu Văn Hải, nghệ nhân Ưu tú duy nhất trong làng, trước năm 1975, ông đã rong ruổi khắp 36 phố phường Hà Nội để nặn tò he. Thời đó trẻ con thích nhất là tò he hình bộ đội, xe tăng, dân quân du kích. Khi ấy, do hòa bình chưa lập lại, ông chỉ dám nặn tò he lén lút trong những con ngõ nhỏ. Khi chiến tranh kết thúc, người bỏ nghề nhiều lên nhưng ông vẫn quyết tâm giữ nghề. Cuộc đời ông đã trải qua bao gian nan. Nghề tò he ấy, phải đi nhiều nơi. Những ngày lễ hội hay ở nơi chợ đông người, kiếm sống xứ người bị người ta trấn lột xua đuổi là chuyện thường. Rồi gặp trời mưa đột ngột, đồ nghề không cất kịp, nước mưa làm bột nặn hỏng hết thế là công cốc một ngày.
 
Những người nghệ nhân quyết giữ “hồn” của tò he
 
Làng Xuân La trước đây có hai nghệ nhân tiêu biểu là Đặng Văn Tố và Chu Văn Hải, hai nghệ nhân không ngừng tìm kiếm hướng đi cho làng nghề. Đến nay, cả làng có khoảng 12 Thợ Giỏi và chỉ còn lại một Nghệ nhân ưu tú là ông Chu Văn Hải.
 
Nghề tò he là thế, người ta không sống vì tiền mà sống vì đam mê mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, dù thù lao nghề chả được là bao nhưng gần 4 thế kỷ qua, làng nghề Xuân La vẫn tồn tại và trong ngôi làng ấy, các nghệ nhân vẫn miệt mài sáng tạo và không ngừng tìm những hướng đi bền vững cho làng nghề truyền thống của mình.
Nghệ nhân ưu tú Chu Văn Hải bên chiếc Cúp “Bàn tay vàng” của mình
 
Thợ Giỏi Chu Văn Chiến và tác phẩm tranh sắp đặt bằng bột nặn tò he của mình. Anh đã bỏ ra 1 tháng trời để hoàn thiện tác phẩm này.
 
 
Các bức tranh bột nặn tò he đòi hỏi các thợ nặn phải dành rất nhiều thời gian và công sức để sáng tạo.
 
Những con tò he kiểu mới như thế này đang được thử nghiệm để phát triển thành một loại đồ lưu niệm mới.
 
Hiện nay, các thợ trong làng bắt đầu sử dụng một loại bột nặn cao cấp của Nhật, đắt hơn bột nếp bình thường nhưng thời gian để được lâu hơn rất nhiều. Thậm chí, những con tò he trong hộp nhựa như trên, độ bền của bột và màu là vĩnh viễn.
 
Ngày nay, đồ chơi cho trẻ em phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Chính vì thế mà các cô bé, cậu bé không còn nhiều cơ hội tiếp xúc với những con tò he nhiều màu sắc nữa. Nghệ nhân Chu Văn Hải chia sẻ, hiện nay, làng nghề vẫn thường phối hợp với các trường, tổ chức những buổi giao lưu tìm hiểu về cách nặn tò he cho các em học sinh. Ông và các thợ khác trong làng cũng thường có những chuyến đi đến các làng trẻ hay các hội chợ để quảng bá các sản phẩm tò he của quê hương mình. Chính những đóng góp không ngừng nghỉ của những người thợ tại làng nghề Xuân La đã và đang giữ “hồn” cho nghề nặn tò he, bảo tồn một loại hình văn hóa truyền thống.
 
 
*Ngày 30/12 và 1,2/1, Nghệ nhân Chu Văn Hải và các thợ nặn sẽ có mặt tại Hoàng Thành Thăng Long trong sự kiện Ký ức Hà Nội để giới thiệu các sản phẩm từ đất nặn tò he và trình diễn cách nặn tò he cho khách tham dự.*
 
                                                                                                  Theo: songmoi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.490.981
Tổng truy cập: