LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Hướng đi mới của làng nghề đan tre Tam Vinh
(Ngày đăng: 16/11/2015   Lượt xem: 612)

Từ trung tâm hành chính H. Phú Ninh, đường về làng nghề đan tre Tam Vinh (nay là khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, H. Phú Ninh) mát rượi bởi hai bên đường là những lũy tre làng xanh um...

Khi biết chúng tôi đến để tìm hiểu về làng nghề, ông Nguyễn Thạnh vui lắm. Tay thoăn thoắt chẻ tre chuẩn bị đan mủng, ông cho biết: Nghề đan lát Tam Vinh hình thành đã hơn 300 năm. Từ thời “cha sinh mẹ đẻ”, ông sinh ra đã thấy hàng tre xanh trước nhà, lớn lên một chút đã biết cầm rựa chẻ tre rồi vót nan, đan cái rổ cái sàng... Ở làng đan tre Tam Vinh, ngay từ nhỏ đã theo cha mẹ, ông bà học chẻ tre, đan lát. Cứ thế, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, nghề mây tre đan như đã thấm vào nếp sống, nếp nghĩ trong sinh hoạt thường ngày ở đây. Quanh năm, ngoài những ngày bận bịu với đồng áng vào mùa gặt, mùa cấy, sau đó người dân làng trở về với nghề đan tre. 75 tuổi là chừng ấy năm ông Thạnh gắn bó với nghề này.

Ông Thạnh bảo, có lẽ thời trước ông bà mình đã tinh tế nhận thấy đây là vùng đất khô cằn, trồng cây lúa, cây khoai, cây sắn khó mà trụ nổi qua ngày, nên nghĩ ra nghề đan lát, từ cái nong phơi lúa, cái rổ đi chợ, cái mủng đựng lúa, gánh phân, đựng con tôm, con cá... Từ những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống thường ngày, người dân làng Tam Vinh nghĩ ra việc sản xuất thêm nhiều mặt hàng khác từ cây tre để trao đổi buôn bán với các vùng lân cận, kiếm thêm nguồn thu nhập. Vì vậy, làng nghề phát triển mang tính tự phát, các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và trong sinh hoạt thường nhật.

Ở Tam Vinh, nhà nào cũng đan tre.

Trước đây, thời Pháp thuộc, làng đan tre Tam Vinh là thôn Thạnh Đức có 5 phái Nam - Hương - Long - Bà Rít - Đức và gồm 4 xóm Cót - Bồ - Thúng - Mủng vì mỗi xóm ban đầu chuyên đan mỗi loại cót - bồ - thúng - mủng, sau đó mới ngó bắt chước theo, phát triển đan nhiều thứ. Hầu hết con cháu của các họ tộc như Đặng Tánh, Dương Tánh, Nguyễn Lê, Phạm đến lập nghiệp, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và đan lát là nghề phụ do các bậc cao niên để lại.  Để làm được nghề đan tre này thì thời gian học việc không lâu, dụng cụ rất đơn giản, chỉ cái rựa, cái cưa là có thể theo nghề. Nhưng quan trọng hơn hết đòi hỏi người đan tre phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và sự kiên trì, chịu khó.

Muốn đan được một sản phẩm không đơn giản. Bắt đầu là chọn tre, rồi chặt, cưa, che nan... Thường chọn phần gần gốc nhất để làm vành tròn lót trong, lót ngoài, đoạn giữa chẻ nan và đoạn gần ngọn chẻ nan mảnh hơn để đan phần miệng, như vậy để dễ lận vành và đây là công đoạn khó nhất, quen tay mới làm được. Trước đây, mỗi nhà hoặc mỗi người tự thực hiện tất cả các khâu trên để có một sản phẩm hoàn chỉnh mang đi bán ở phiên chợ. Giờ đây, cách làm việc đã được “chuyên môn hóa” từ mỗi công đoạn. Nghĩa là mỗi người chuyên mỗi việc như cưa, chẻ nan, đan mê, lận vành nên năng suất vừa cao lại chất lượng hơn. Gắn bó với nghề, ông Thạnh bây giờ đã là một “tay đan” lão luyện của làng đã vui vẻ chia sẻ “bí quyết” nghề nghiệp.

Đi vòng quanh làng Tam Vinh thấy nhà nào cũng bày la liệt trong nhà ngoài sân những đoạn tre đã được cưa sẵn, những nan tre được xếp ngay ngắn đang bày ra phơi. Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng thôn cho biết: Cái nghề được coi là phụ nhưng đã giúp nhân dân địa phương thoát cảnh thiếu đói, ăn đong trong những ngày giáp hạt. Song, có lúc cũng bộn bề những lo toan trăn trở bởi chuyện nghề, cái nghiệp, hướng đi cho sản phẩm.

Bởi càng ngày, nhu cầu đời sống càng cao, các sản phẩm làm bằng nhựa đang thay thế dần những sản phẩm tre. Nhưng rồi, họ vẫn thiết tha, gắn bó với nghề và tìm hướng đi thích hợp. “Nếu người dân chỉ gắn bó với cây lúa, cây khoai thì chỉ có đủ ăn qua ngày, tôi nghĩ thế. Răng có nhà cửa khang trang, rồi xe máy, ti vi, nuôi con ăn học, đủ thứ nữa...”, ông Bình khẳng định. Ngày trước, nhà nào cũng đan lát nhưng chỉ làm ra chiếc rổ, chiếc rá hay cái quạt nan... mang đi bán mỗi phiên chợ huyện “kiếm đồng ra, đồng vào” lúc nhàn rỗi thì nay, họ đã có cách làm ăn bài bản hơn, nghĩa là tìm đầu ra cho sản phẩm của mình có nơi tiêu thụ nhiều như các cơ sở đánh bắt, chế biến cá biển ở trong tỉnh như Núi Thành, Duy Xuyên, Hội An hay tận thành phố Đà Nẵng.

Qua bàn tay khéo léo của người dân Tam Vinh, từ những cây tre gắn bó với dân làng đã trở thành những loại vật dụng rất gần gũi và cần thiết với cuộc sống của người nông dân... Anh Đặng Văn Cờ, một nông dân sản xuất giỏi của làng nghề phấn khởi cho biết: “Tôi vừa nhận hợp đồng đan loại thúng to cho những chủ hộ đánh cá biển ở Núi Thành, Thăng Bình và Hội An. Có hàng làm quanh năm đấy chứ!”. Hiện nay, có khoảng 200 hộ với hơn 500 lao động làm nghề đan lát mây tre phục vụ nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh, hằng năm bán ra thị trường hơn 2 triệu sản phẩm các loại, tạo thu nhập tăng thêm vào cho đời sống người dân cùng với các ngành nghề khác, đồng thời góp phần giải quyết lao động nông nhàn của địa phương.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề Tam Vinh từng bước được khôi phục và phát triển. Ban đầu nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, những con đường liên thôn, liên xóm đã được bê tông hóa và mở lớp tập huấn đào tạo nghề. Số hộ làm nghề đan lát ngày càng nhiều và thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Ông Bình cho biết, sau khi tìm hiểu thị trường đã quyết định bỏ vốn ra mua sản phẩm của bà con, có hộ được ông cho ứng tiền trước mua tre về đan, sau đó bán lại sản phẩm cho ông. Như vậy, bà con an tâm có “vốn” và cả đầu ra. Đến nay, toàn khối phố Cẩm Thịnh chỉ còn dưới 8% hộ nghèo (chủ yếu là người già đơn thân).

Đặc biệt, khi H. Phú Ninh thành lập trung tâm hành chính huyện tại đây, làng nghề Tam Vinh thuộc khối phố Tam Cẩm của thị trấn Phú Thịnh đã mở ra cho làng nghề này một hướng phát triển mới. Trong tiến trình xây dựng huyện nông thôn mới, H. Phú Ninh xác định phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch nông thôn mới sẽ đảm bảo sự bền vững, đồng thời qua đó cũng khai thác hết tiềm năng, lợi thế của địa phương, mà đảm bảo được môi trường. Làng nghề đan tre Tam Vinh đã được công nhận là một trong 19 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. UBND thị trấn Phú Thịnh đã lập đề án phát triển làng nghề Tam Vinh.

Theo kế hoạch, sẽ quy hoạch phát triển làng nghề, chú trọng đào tạo nghề, nhất là nghề thủ công mỹ nghệ để cho ra các sản phẩm có mẫu mã phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng. Hy vọng rằng, với sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, làng sẽ được khởi sắc hơn nữa. Để rồi quanh năm, trong sân ngoài ngõ mọi nhà nơi đây, dưới bóng mát của hàng tre quê nhà, những đôi tay tài hoa thoăn thoắt đan tre và sản phẩm ấy tỏa đi muôn nơi...

                                                                                                             Theo: cadn.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.500.046
Tổng truy cập: