Con diều Huế vốn gốc gác từ con những diều
đơn sơ của đám con nít nơi thôn quê; về sau được người lớn phát triển
thành con diều có hình dáng phức tạp hơn; cuối cùng, nó được lớp người
thượng kinh biến thành những nhân vật của bộ môn “múa rối trên không”,
dựa theo nhân vật trong các tích tuồng xưa, với kỹ thuật tinh xảo và
lộng lẫy sắc màu.
Thả diều là một
trong những trò giải trí có sức sống lâu đời ở Huế. Cũng như ở miền Bắc,
chơi diều lúc đầu chỉ là một trò chơi của trẻ em. Bọn trẻ đã tạo ra
những con diều cung, diều phên hay diều dơi rất đơn giản. Chúng dùng
giấy vàng mã hay giấy dó dán lên những khung tre hình cánh cung, đính
vào đấy hai dãi giấy để làm đuôi. Vậy là đã có một con diều để tung lên
trời cao với bao niềm mơ ước và đam mê thơ dại của chúng. Người ta không
biết được những người lớn ở Huế đã tham gia vào trò chơi này từ khi
nào, cũng như vì sao từ những con diều đơn giản về cả tạo hình lẫn màu
sắc, bỗng nhiên ở Huế, dưới thời Nguyễn, lại xuất hiện những con diều
công, diều phụng rực rỡ, được chế tác bằng các chất liệu khác trước với
một trình độ cao về nghệ thuật tạo hình cũng như kỹ thuật thả diều.
Ông Cottenceau Philippe, một người Pháp chuyên nghiên cứu về diều và là
hội viên Câu lạc bộ diều Au fil de Vents, sau nhiều năm đi tìm tòi,
khảo cứu và học kỹ thuật làm diều ở Pháp, Trung Quốc, Malaysia,
Singapore, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam, đã cho rằng nghệ thuật diều
Huế bắt nguồn từ Trung Hoa. Có thể những viên quan nhà Nguyễn trong các
chuyến đi sứ sang Trung Quốc đã tiếp thu kỹ thuật chế tác và cách thức
trang trí các con diều của Trung Quốc rồi truyền dạy cho những người
chơi diều ở Huế. Tuy chưa tìm được những tư liệu lịch sử nói về vấn đề
này nhưng khi so sánh các con diều thời Thanh còn lưu lại ở Trung Hoa
với các con diều Huế, người ta thấy có sự tương đồng về kỹ thuật, chất
liệu và hình thức trang trí. Chỉ riêng những con diều làm theo đề tài
hiện đại như diều máy bay, diều tên lửa... thì mới có sự khác biệt.
Trong khi đó, con diều Huế lại khác xa với con diều ở đồng bằng Bắc Bộ ở
tất cả các phương diện: tạo hình, trang trí, chất liệu... Ðiều này góp
phần làm sáng tỏ câu hỏi: tại sao trong suốt mấy trăm năm tồn tại, con
diều Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, dù của trẻ con hay của người lớn, cũng gói
gọn trong vài kiểu dáng đơn giản và dường như không được tô màu, trong
khi chỉ trong mấy chục năm cuối thời Nguyễn, con diều Huế đã có những
bước phát triển nhảy vọt về tạo hình, màu sắc và đề tài trang trí.
Ảnh sưu tầm
Dưới thời Bảo Ðại (1926 - 1945), Phủ Doãn Thừa Thiên thường tổ chức
những cuộc thi diều trong các dịp lễ hàng năm. Bấy giờ trong làng diều
Huế đã xuất hiện những tên tuổi nổi tiếng như: Nguyễn Văn Bân, Ðoàn
Chước, Trần Văn Ðông, Ưng Sừng, Ưng Hạng... Những người này đã dùng các
loại chất liệu mới để cải tiến con diều và nâng cao nghệ thuật thả diều:
dùng vải thay cho giấy để phủ cánh diều; dùng vải bện dây thả diều thay
cho dây bện bằng cật tre trước đây. Ngoài ra họ còn tham khảo các loại
sáo diều từ miền Bắc để chế nên các bộ sáo cho con diều Huế. Vào thời
điểm này, con diều Huế đã được vẽ màu, chủ yếu là hai cặp màu: xanh
trắng hoặc đỏ vàng. Vào những năm 1935 - 1940, nghệ nhân Ưng Sừng là
người đầu tiên tạo ra những con diều bướm nhiều màu sắc, hiện vẫn còn
phổ biến ở Huế. Những người chơi diều ở Huế đã tập hợp nhau lại trong
một tổ chức có tên là Hội Cầu Phong. Năm 1973, hội này được đổi tên
thành Hội Thừa Phong. Sau ngày đất nước thống nhất, Hội Thừa Phong chấm
dứt hoạt động nhưng những thành viên trong hội vẫn tiếp tục chơi diều
riêng lẻ. Ðến năm 1983, Câu lạc bộ diều Huế ra đời, thành phần chủ yếu
là những hội viên của Hội Thừa Phong trước đây, tiếp nối nghệ thuật chế
tác và kỹ thuật thả diều của các lớp nghệ nhân tiền bối.
Diều Huế phong phú về màu sắc và hình dáng: diều bướm, diều công, diều
phụng, diều rồng, diều rít (rết), máy bay, tên lửa... Có cả những con
diều được làm ra dựa theo các điển tích xưa như: đại bàng cắp công chúa
(truyện Thạch Sanh), các nhân vật trong truyện Tấm Cám, gà chọi, chèo
bẻo đánh quạ, phượng hoàng sinh con... Những con diều này do một người
hoặc một nhóm người phối hợp thả lên không trung rồi dùng dây điều khiển
để chúng diển tả các tích tuồng như những nhân vật trong một vở múa
rối. Các nghệ nhân đã biến thả diều từ một trò giải trí bình thường
thành bộ môn nghệ thuật độc đáo, được nhiều người tôn vinh là “nghệ
thuật múa rối trên không”.
Chơi diều ở Huế là một thú vui được
nhiều người hưởng ứng. Trẻ em thì chơi những con diều đơn giản do chúng
tự làm nên; còn người lớn, đặc biệt là lớp người quyền quý thường bỏ
tiền thuê các nghệ nhân làm những con diều đẹp, cầu kỳ để chơi hoặc để
biểu diễn trong các dịp lễ lượt hội hè. Thú vui ấy nay vẫn được tiếp tục
và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế.
Sưu tầm: Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế