LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Trăn trở làng nghề Non Nước
(Ngày đăng: 27/10/2015   Lượt xem: 770)
Các công nhân cơ sở đá mỹ nghệ Phạm Trông tại làng đá Non Nước đang chế tác tác phẩm Rồng Việt.
Các công nhân cơ sở đá mỹ nghệ Phạm Trông tại làng đá Non Nước đang chế tác tác phẩm Rồng Việt.

Cách đây hơn một năm, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL) công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Niềm vui đến với làng nghề chưa được bao lâu thì nỗi lo đã ập đến bởi hiện tại các cơ sở sản xuất nơi đây đang phải di dời theo quy hoạch, khách hàng thưa vắng và làng nghề vẫn loay hoay chuyển đổi sản xuất linh vật “ngoại lai” trước đây bằng các sản phẩm thuần Việt.

Thưa vắng thanh âm “đục đẽo”

Theo nhiều nghệ nhân lớn tuổi, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hình thành từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18 và hiện tại có gần 500 cơ sở sản xuất tập trung chung quanh danh thắng Ngũ Hành Sơn, với gần bốn nghìn lao động, chiếm gần 80% hộ dân cư trên các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Huyền Trân Công Chúa, Non Nước (khu vực Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Làng nghề hiện sản xuất các sản phẩm đa dạng, đủ kích cỡ tùy theo yêu cầu của khách hàng. Trong đó mang thương hiệu “Đá Non Nước” chủ yếu là các sản phẩm điêu khắc liên quan đến tín ngưỡng; các tượng danh nhân, chân dung; các tác phẩm nghệ thuật cách điệu; bàn ghế, bồn tắm, tượng thú, đèn vườn, bình hoa và cả... bia mộ. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển, hiện các cơ sở sản xuất đã được quy hoạch vào Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước tại tổ 52 và 53 (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), cách địa điểm cũ khoảng 2 km. Làng nghề mới được xây dựng trên diện tích 35 ha với kinh phí đầu tư khoảng 154 tỷ đồng.

Giữa cơn mưa đầu mùa, chúng tôi có mặt tại khu vực mới tập trung các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của làng tại khu vực đường Mai Đăng Chơn dẫn vào các con đường nhỏ thuộc phường Hòa Hải. Khác với khung cảnh nhộn nhịp như xưa với tiếng máy xẻ đá, tiếng đục đá vang rền, lách cách vui tai, làng nghề hôm nay không còn sự hối hả và những thanh âm cũng không còn rộn ràng. Con đường dẫn vào các cơ sở sản xuất tập trung tại khu mới phải đi qua những đoạn ngập bùn, đọng nước chưa được đổ đá dăm, trong khi các lô đất mà các cơ sở di dời về chất đầy đá. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều hộ chưa chịu chuyển về đây vì “khó làm ăn, sản xuất”.

Chúng tôi ghé vào cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của ông Phạm Trông, người vừa nhận giải nhì với tác phẩm Lântrong cuộc vận động sáng tác mẫu lân, nghê mang bản sắc Việt được TP Đà Nẵng phát động vừa kết thúc ngày 13-10. Trong khu vực này, có lẽ đây là cơ sở sản xuất có "khí thế" nhất, bởi rất đông công nhân đang hoàn thiện tác phẩm Rồng dài 15 m. Bà Trương Thị Vui, vợ ông Trông cho biết, cơ sở gia đình bà tham gia cuộc vận động sáng tác mẫu linh vật mang bản sắc Việt, với hai cặp lân, đạt giải nhì. Đây là niềm vui và động lực rất lớn đối với công nhân và gia đình. Nhưng, bà Vui chùng giọng: “Đã có mẫu nhưng bây giờ phải đợi xem có khách đặt hàng không mới làm chứ! Đối với các mẫu sư tử, lân cũ mà cơ sở sản xuất trước đây để tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc, Thái-lan và một số nước khác thì nay ứ đầy kho, bãi với hơn 40 cặp tổng trị giá hơn một tỷ đồng. Từ khi có chủ trương quy hoạch làng nghề và việc khách hàng ít mua các mẫu lân, sư tử ngoại lai thì chúng tôi “chết chùm”. Hàng ế, đơn đặt hàng ít dần kéo theo tiền lương công nhân giảm hơn 30%. Nay vẫn phải làm đủ các mặt hàng để duy trì sản xuất và chờ”.

Để tự khắc phục khó khăn, cơ sở ông Phạm Trông đã phải nhận thêm nhiều công trình ở ngoài để duy trì cuộc sống cho 20 công nhân, số đông đến từ Thanh Hóa, Nghệ An. Biết chúng tôi tìm hiểu về công việc hiện tại của mình, nhiều nữ công nhân đang mài đá ở cơ sở kế bên dừng tay tiếp chuyện. “Làng nghề mà còn hơi thở thì vẫn phải bám trụ để nuôi con thôi em à, biết làm gì khác bây giờ? Dạo này công việc ít hơn trước, nhưng kệ, còn việc là còn có cái để làm” - Một nữ công nhân chia sẻ.

Nhiều cơ sở chưa có bảng hiệu, nhiều cơ sở chỉ mới mua đá lớn về mà chưa tổ chức sản xuất. Quang cảnh vắng hoe khiến chúng tôi ngỡ ngàng về một làng nghề điêu khắc đá nổi danh cả nước. Vào thăm một cơ sở chưa có tên, được nghe ông chủ Huỳnh Phước Dũng giải thích: “Tôi chưa đặt tên khi vào đây vì anh em cũng chỉ có công việc làm lai rai qua ngày. Hiện ở đây có sáu công nhân, hồi trước đông hơn nhưng giờ ít việc nên giảm bớt”. Với những sản phẩm đang chế tác hoàn thiện theo tín ngưỡng của người Việt, công nhân cơ sở này vẫn đang đục đẽo những khối đá lớn để làm sư tử “ngoại lai”. Trả lời câu hỏi “Liệu có bỏ sản xuất sư tử mang yếu tố ngoại lai không?", ông Dũng thẳng thắn trả lời: “Bỏ thì không thể bỏ được, vì phải sản xuất song song mới tồn tại được”.

Một nam công nhân có thâm niên làm nghề 16 năm, mặt bám đầy bụi đá, chia sẻ, từ khi hạn chế, không sản xuất các sản phẩm sư tử, lân “ngoại lai”, anh em công nhân nghỉ làm gần hết, chỉ còn những người làm lâu năm bám trụ lại. Khi có đơn đặt hàng là sư tử ngoại lai họ vẫn sản xuất để bán, vì “Không làm thì lấy gì mà sống?".

Các nghệ nhân làng đá Non Nước đang chế tác một sản phẩm.

Giải pháp “thuần Việt” cho làng nghề?

Sau một thời gian phát động sáng tác mẫu lân, nghê mang bản sắc Việt, Sở VHTT và DL Đà Nẵng đã chọn lựa 14 trong số 17 tác phẩm của 12 cơ sở sản xuất, điêu khắc đá ở làng nghề truyền thống đá Non Nước tham gia. Hội đồng nghệ thuật đã chọn trao hai giải nhì, hai giải ba và hai giải khuyến khích những mẫu lân, nghê, mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Những tác phẩm đoạt giải và những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lân, nghê, mang bản sắc Việt sẽ được đưa về cho các cơ sở sản xuất trong thời gian tới. Theo Phó Giám đốc Sở VHTT và DL Đà Nẵng Nguyễn Hữu Chiến, tất cả các mẫu lân, nghê trong triển lãm lần này đều đạt yêu cầu thẩm mỹ, mang nét đặc trưng của điêu khắc và bản sắc truyền thống Việt Nam.

Bên cạnh mục đích giúp nhân dân làng đá Non Nước và người dân phân biệt được những sản phẩm, hình tượng lân, nghê phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, triển lãm còn cung cấp hình mẫu giúp các doanh nghiệp, cơ sở đưa vào sản xuất kinh doanh, dần thay thế và loại bỏ những hình tượng “ngoại lai”. Sở VHTT và DL Đà Nẵng sẽ rà soát, thay thế tất cả các linh vật có yếu tố ngoại lai tại các đình, miếu, chùa bằng các sản phẩm thuần Việt. Phó Giám đốc Nguyễn Hữu Chiến cũng đánh giá: “Hiện tại, số nghệ nhân có tay nghề chế tác các sản phẩm nghê, sư tử truyền thống tại làng đá Non Nước rất ít, chỉ có vài người, còn lại nếu có làm thì chủ yếu là sao chép lại sản phẩm. Các sản phẩm thuần Việt chế tác khó, lại mới, nên dân có tâm lý ngại sản xuất vì sợ ế hàng”.

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ, những mẫu sư tử, nghê, lân được chọn trao giải cũng như triển lãm, kết hợp được hai yếu tố quan trọng, đó là nghệ thuật thuần Việt và những sáng tạo, mang tính thương mại. Điều quan trọng nhất là giữ lửa truyền thống cho làng nghề từ những mẫu sản phẩm này, khi người dân đưa vào sản xuất họ bán được hàng, như vậy mới phát huy được kết quả mong muốn. Các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ, khi đưa các mẫu nghê, lân thuần Việt này vào sản xuất, cần phải đầu tư hơn, mềm mại hơn nữa trong việc sử dụng và thể hiện các họa tiết như hoa mai, sừng nghê, bục đế chân, đôi mắt lân... Làm sao tạo khối uyển chuyển để bắt mắt người xem, thu hút người mua.

Còn nhớ, cuối năm 2014, sau khi xem các tác phẩm tại triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức, nghệ nhân làng đá Non Nước Nguyễn Việt Minh từng cho rằng: Sự kiện triển lãm là “cú lội ngược dòng” của làng nghề để nắm bắt sản phẩm nếu muốn tồn tại và thịnh vượng. Nhưng khi chúng ta sáng tác, tạo ra các mẫu lân, nghê mang tính thuần Việt thì xã hội hôm nay đón nhận như thế nào? Điều cốt yếu nhất là phải giữ được nguồn mạch và lịch sử làng nghề, nhưng cũng phải hiểu rằng, nếu còn có “cầu” thì vẫn có “cung”.

Làng nghề truyền thống đá Non Nước còn đó trăm nỗi khó khăn để lấy lại vị trí một làng nghề vốn phát triển và đóng góp khá lớn vào ngân sách địa phương những năm qua. Cuộc mưu sinh với đá không chỉ dừng lại và ngồi chờ đơn đặt hàng; trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm lân, nghê thuần Việt vẫn còn ở đâu đó.

                                                                                                   Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.498.550
Tổng truy cập: