LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Cá nhân tôi không thể tạo nên được cả một làng nghề
(Ngày đăng: 11/10/2015   Lượt xem: 482)
Khi tiếp quản cơ sở sản xuất do bố chồng để lại đúng lúc kinh tế chuyển từ hình thức sản xuất HTX sang kinh doanh hộ gia đình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã trăn trở để tìm hướng đi riêng. Như một cơ duyên khi bà say mê và thành công trong việc phục dựng lại lụa Vân-một sản phẩm truyền thống đặc sắc, riêng biệt của làng lụa Vạn Phúc và từ đây đã tạo nên sự khởi sắc, nhộn nhịp trở lại cho làng nghề Vạn Phúc…

Tuy nhiên, khi chia sẻ về quá trình sơ khai để phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc được đông đúc, nhộn nhịp như ngày nay, bà Tâm luôn cho rằng cá nhân mình không thể tạo nên được một làng nghề mà có sự đóng góp, tham gia của rất nhiều người. Không giữ “bí kíp” sản xuất lụa Vân cho riêng mình, bà cho rằng sống ở làng nghề thì phải có tính cộng đồng, phải tạo điều kiện để mọi người cùng phát triển. Từ những suy nghĩ ấy, bà Nguyễn Thị Tâm đã có nhiều việc làm hỗ trợ mọi người. Với những đóng góp cho cộng đồng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã được TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2015.

Cái “duyên” với sản phẩm lụa Vân Vạn Phúc

Tiếp chuyện PV báo PL&XH trong tiếng lách cách của khung cửi, với màu vàng óng của những nong kén đang chờ ngâm để rút thành tơ, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm-người kế nhiệm cơ sở sản xuất Triệu Văn Mão đồng thời là hậu duệ của nghề dệt lụa Vân truyền thống, chia sẻ: Bà là con dâu cả của cụ Triệu Văn Mão. Khi kinh tế chuyển đổi, cùng với những gia đình khác trong HTX thay vì được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thì gia đình bà cũng phải tự tìm tòi cách làm để tiêu thụ được sản phẩm. Lúc đó khó khăn rất nhiều vì như đứa con đang được bố mẹ lo cho mọi bề, giờ ra “ở riêng” phải tự bươn chải, vun vén mọi thứ. 

Ban đầu việc bán hàng chỉ nhỏ lẻ, manh mún và các đơn hàng lặt vặt mà đích thân tôi phải lân la đến tận Hàng Ngang, Hàng Đào để ký gửi hàng. Thấy cứ đi bán kiểu này vất vả, chậm thu vốn nên tôi nghĩ ra cách bày bán sản phẩm ngay trong khu sản xuất của gia đình và thay vì chờ có khách đặt mới nhuộm, mình cứ nhuộm sẵn bày bán, khách đến thích thì mua. Không ngờ cách này cũng hiệu quả. Cũng thuận lợi là dù ở thời điểm nào bà cũng nhận được sự ủng hộ của chính quyền cơ sở và TP nên tôi dần mở rộng được điểm bán sản phẩm thành “cửa hàng” nho nhỏ thay vì bày tủ kính ngay trong khu sản xuất. Khi đã có thu nhập, đồng nghĩa với có vốn để tự nuôi sống cơ sở, tôi nghĩ đến việc sản xuất sản phẩm đặc trưng, độc đáo của làng nghề. Và việc đi sâu tìm hiểu, khôi phục lụa Vân bắt đầu từ đó-nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm nhớ lại.

“The La, Lĩnh Bưởi, Chồi Phùng; Lụa Vân Vạn Phúc, Nhiễu vùng Mỗ bên”, câu ca ấy nói đến các sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng, trong đó nhắc đến lụa Vân thì không thể bỏ qua đó là tinh hoa của làng dệt Vạn Phúc. Với suy nghĩ phát triển sản phẩm đặc sắc của làng nghề để xây dựng hình ảnh sản phẩm không bị lẫn với bất kỳ sản phẩm nào, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã thu thập kinh nghiệm, hiện vật từ các cụ cao niên trong làng và mày mò, tìm tòi cách thức để dệt nên được tấm lụa Vân. “Rất may mắn cho tôi và dường như đó cũng là cái “duyên” với nghề vì quá trình phục dựng lại lụa Vân tôi được các cụ trong làng giúp đỡ. Có cụ mang đến một miếng vải chỉ đã sờn rách, những chỗ sử dụng được chỉ còn bằng bàn tay thôi-đó là kỷ vật từ thời cha mẹ các cụ để lại. Tuy thế nhưng những hiện vật ấy lại quý giá vô cùng và giúp tôi có những hình dung về kỹ thuật dệt lụa Vân. Trải qua nhiều lần dệt thử, đến khi tôi mang sản phẩm đến thì các cụ vui mừng vô cùng vì đã lâu mới lại được nhìn ngắm, chạm tay vào tấm lụa Vân như nguyên bản”. 

Không chỉ say mê với lụa Vân, bà cho biết từ khi được nghệ nhân Triệu Văn Mão “thắp lửa” đam mê bà đã thấy thực sự thấy yêu thích, say sưa với các sản phẩm lụa nên không ngại khó để khôi phục những sản phẩm của làng nghề. Bà đã từng tham gia hỗ trợ nghệ nhân Trịnh Bách (một người say mê và có công phục chế các y phục, trang phục cung đình) phục chế thành công 18 bộ Triều phục nhà Nguyễn. Và đến nay, bà vẫn nguyện theo đuổi niềm đam mê này đến khi nào không làm được nữa. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết, sẽ theo đuổi niềm say mê với lụa đến khi nào còn có thể. Ảnh: Thịnh An

Không “giữ khư khư” bí quyết cho riêng mình

Do xu thế chung, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm vẫn sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau để lấy thu nhập duy trì và nuôi dưỡng niềm đam mê với sản phẩm truyền thống. Do lụa Vân khó làm với khuôn riêng, công đoạn riêng nên năng suất không cao như những loại vải khác. Nhiều khách hàng ngỏ ý đặt tôi pha để giảm giá thành nhưng tôi nhất quyết giữ cách làm truyền thống, có như thế mới đúng chất là lụa Vân và như thế mới giữ được bản sắc. Còn những ai pha trộn khi làm loại lụa này thì cũng khó trụ lâu dài được với nghề vì không chỉ là yếu tố kinh doanh mà còn liên quan đến lời thề khi làm nghề, giữ nghề-nữ nghệ nhân bày tỏ.

Trong câu chuyện của mình, người nghệ nhân này luôn cho thấy giá trị của việc chịu khó tìm tòi, học hỏi. Bà nhấn mạnh, tôi xuất phát là nông dân, khi bước chân về tiếp quản việc sản xuất của bố, tôi bắt đầu bằng niềm say mê. Qua quá trình phát triển tôi đã học được nhiều kinh nghiệm từ các doanh nhân khác khi tham gia hiệp hội, hoặc kinh nghiệm từ các bậc cao niên hay chính các khách hàng. Mỗi một câu chuyện tôi đều lắng nghe, tích lũy và áp dụng khi có điều kiện phù hợp. Nhờ vậy tôi có được như ngày hôm nay để hoàn thiện mình hơn. “Lúc làm thì mình làm vì đam mê chứ không nghĩ làm để đến ngày nhận được danh hiệu nên khi nhận được danh hiệu tôi rất vui và bất ngờ vì thấy việc làm nhỏ bé của mình được ghi nhận”.

Và khi nói đến những thành công của mình, không lúc nào nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm không nhắc đến vai trò, sự quan tâm của các Sở, ban ngành TP Hà Nội khi đã tạo điều kiện phát triển làng nghề du lịch Vạn Phúc cũng như tạo các cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển chung của làng nghề. “Có thể có người cho rằng hỗ trợ tiền mới là giúp đỡ, nhưng cá nhân tôi thấy khi mình được tham gia các khóa tập huấn phát triển thị trường, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm… là rất thiết thực. Đây mới chính là những chiếc cần câu để phát triển bền vững, lâu dài”.  

Mặc dù mất nhiều công để phục dựng lại cách sản xuất lụa Vân, nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm quan niệm đây là sản phẩm đặc trưng của làng nghề nên không giữ riêng bí quyết cho riêng mình mà muốn tất cả mọi người làm nghề đều được hưởng tinh hoa được chắt lọc từ bao đời. Vì thế, trong làng có gia đình nào ngỏ ý muốn học hỏi cách làm lụa Vân bà cũng không từ chối. Không sợ bị cạnh tranh, bà quan niệm: Đã là làng nghề thì phải có cộng đồng, mọi người cùng tồn tại, cùng chia sẻ và phát triển. Một gia đình không thể làm nên được một làng nghề mà phải có nhiều người cùng tham gia. Chỉ có một mình tôi thì không thể có đủ các mặt hàng, đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách. Cá nhân tôi không thể làm nên một làng nghề. Vì thế, mọi người cùng giúp nhau phát triển, ai làm sẽ tự chịu trách nhiệm về sản phẩm mình làm ra và khách hàng chính là người quyết định sự tồn tại của các cửa hàng. Không thể “giữ khư khư” bí quyết cho riêng mình…

                                                                                                                   Theo: phapluatxahoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.490.882
Tổng truy cập: