LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Lư Cấm - một nỗi niềm
(Ngày đăng: 09/10/2015   Lượt xem: 712)

Nghề gốm làng Lư Cấm (phường Suối Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được hình thành ngay từ đầu thế kỷ 19, đã từng đem lại cuộc sống ấm êm cho cư dân địa phương. Và, một điều đặc biệt là từng được 3 ông vua của Triều Nguyễn là Thành Thái, Duy Tân, Khải Định sắc phong. Thế nhưng, đến bây giờ làng gốm đã có hằng trăm năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ mai một. 

Những đồ gốm thời xưa của làng được ông Chi cất giữ cho thế hệ mai sau.

Một thời vang bóng

Những năm đầu của thế kỷ 19, nghề làm gốm đã bắt đầu xuất hiện ở làng Lư Cấm, ngôi làng chạy dọc ven sông Cái, sự giao thương hồi đó chủ yếu bằng đường thủy. 

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, hồi đó làng nghề phát triển rực rỡ, những mặt hàng làm ra chủ yếu được tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn. Ngoài những nghệ nhân trong làng, còn có một số người dân từ các làng khác đến để làm công. “Khoảng giữa thế kỷ XX, thời làng nghề còn thịnh, cả làng có đến 30 lò gốm, người theo làm rất đông. Làng lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh người nhồi đất, người nặn gốm, phơi gốm. Gốm hư hỏng, người dân đổ dọc hai bờ sông, theo năm tháng đã lấn ra cửa sông cả 30m...”, ông  Lê Sương - người làm gốm nhớ lại.

Hiện tại, ở đình làng vẫn còn bảng ghi công ơn 18 chức sắc và bá hộ cùng 34 người dân đã có công lao xây dựng làng gốm. Một điều đặc biệt đó là, đình làng còn lưu giữ được 3 sắc phong của vua Triều Nguyễn cho ông tổ nghề gốm làng Lư Cấm. Năm 1903, vua Thành Thái ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần, 6 năm sau (tức đến năm 1909)-vua Duy Tân lại ban sắc phong Đào Nghệ Chi Thần, năm 1924 vua Khải Định ban sắc phong Đào Nghệ Tôn Thần. Khi nói đến những sắc phong này, ông Chi lấy làm tự hào và bảo vẫn lưu giữ một cách cẩn thận.

“Hồi đó, công nghệ hầu như không có thế nên để làm ra được một sản phẩm gốm hoàn thiện thì tốn rất nhiều công sức. Đất sau khi được lấy về, để khô sau đó tưới nước vào và ủ qua đêm, rồi lại cuốc ra cho tơi đất, tiếp tục đạp đất cho nhuyễn, xây đất thành từng cây, ủ kín rồi lại tiếp tục giữ ẩm cho đất dẻo để làm”-Ông Chi nói rõ cách thức làm đất để nhào nặn ra một sản phẩm.

Trong trí nhớ của các bậc cao niên trong làng, hồi còn thịnh vượng nghề đã đem lại cuộc sống ấm no cho bà con, cứ mỗi lần cúng đình tổ làng, xuân thu nhị kỳ đều có hát bội, tết Đoan Ngọ đều tổ chức hội đua thuyền buồm ngay cửa sông Cái.

Gốm Lư Cấm - mai sau có còn?

Hiện tại, ở làng gốm Lư Cấm chỉ còn hai hộ gia đình theo nghề này. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà của bà Đào Thị Hoa, bà và chồng đang loay hoay nặn và tạo hình cho những chiếc lò. “Bây giờ, trong làng chỉ còn tôi với thêm một hộ gia đình nữa làm thôi! Không sống được với nghề nên ai cũng bỏ, mai một dần. Hiện tại tôi cũng chỉ làm một sản phẩm duy nhất. Làm đến lúc nào không theo được với nghề thì bỏ thôi chứ giờ con cái có ai theo cái nghề này đâu” - bà Hoa bộc bạch.

Theo như chúng tôi được biết, năm 2010 cả làng có 10 hộ theo làm nghề này, nhưng đến 2015 thì chỉ còn lại hai hộ. Và những năm sau, có còn bóng dáng làng nghề trong thôn nữa không thì không ai dám chắc. 

Những lò gốm bây giờ đìu hiu, cô quạnh, khác xa với sự nhộn nhịp của những ngày xưa. Ông Chi-người tâm huyết với nghề gốm tâm sự: “Nghề này thất truyền cũng là một quy luật của thị trường! Bây giờ, thử hỏi có được bao nhiêu người sử dụng đồ gốm, đồ đất để sinh hoạt đâu. Ai cũng mua các vật dụng bằng sứ, chất men, những sản phẩm giá rẻ dễ sử dụng. Bây giờ để làm ra một sản tốn nhiều thứ lắm, mà khi bán ra thì không cạnh tranh được với các sản phẩm khác. Chú nghĩ xem, như vậy thì ai mà tha thiết với nghề.”

Những năm qua, nhiều công ty du lịch đã đưa khách đến tham quan nghề gốm ở đây. Thế nhưng, các đơn vị du lịch chỉ ăn theo những cái đã có, không ai mặn mà tính đến việc phối hợp với những người làm gốm để tạo nên một điểm tham quan hấp dẫn. 

Theo như bà Hoa, bây giờ làm ra một cái lò đất phải mất rất nhiều công đoạn, giá thành đất, củi đốt cũng cao. Một người bình quân làm được 24 cái/ngày, bán ra thì chỉ lời được 2.000 đồng một cái. Do lời ít và mất nhiều công sức nên hiện nay ở làng Lư Cấm không có ai mặn mà với cái nghề tổ truyền nữa.

Dẫn tôi lên ngôi đình cổ, nơi đang lưu giữ những vật dụng đồ gốm từ thời xa xưa của làng, ông Chi vừa mở cửa vừa nói: “Bây giờ tôi cũng già cả rồi, sống chết không biết thế nào nên những lúc khỏe mạnh tôi thường đi tìm lại những vật dụng đồ gốm của làng đem về trưng bày ở đình làng, để sau này con cháu chúng nó còn biết hồi trước ông bà mình đã làm ra những thứ này. Giờ nói tìm cách để phục hồi lại làng nghề chắc khó lắm, những người biết nghề thì đã ở tuổi gần đất xa trời, mà bọn trẻ thì có được đứa nào đam mê đâu”.   

                                                                                                                     Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.491.700
Tổng truy cập: