LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Lạ lùng ngôi làng có hàng trăm “họa sĩ nông dân“
(Ngày đăng: 21/09/2015   Lượt xem: 995)


Hình ảnh quen thuộc khi đặt chân đến “làng họa sĩ”.

Cả làng hiếm có một gia đình nào có người không biết vẽ. Thậm chí, có nông dân đang làm ruộng hứng lên cũng giở giấy bút ra vẽ… Nhiều người chuyên tâm hơn với nghề vẽ đã trở thành họa sĩ nổi tiếng trong vùng và của cả nước… Đó là câu chuyện khó tin nhưng có thật tại ngôi làng lắm người tài hoa - làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Ngôi làng có hàng trăm họa sĩ

Được mệnh danh là ngôi làng ngã ba sông, nơi hợp lưu của ba con sông Hồng, sông Đà và sông Thao thơ mộng, hay “làng bộ đội” vì trong thời chiến, ngôi làng có có số thanh niên nhập ngũ đông nhất nhì của tỉnh Hà Tây (cũ), “làng họa sĩ” là cụm từ được nhiều khi nhắc tới Cổ Đô (thuộc xã Cổ Đô). Ngôi làng có khoảng 800 hộ, với gần 4.000 dân sinh sống, thì có tới hơn 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội mỹ thuật các tỉnh, thành phố. Theo ông Nguyễn Viết Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đô, gia đình nào cũng có người biết vẽ và cả xã có hơn 100 họa sĩ giỏi, khẳng định được tên tuổi trong giới hội họa trong nước. Chỉ tính riêng gia đình họa sĩ Sỹ Tốt cũng có gần chục họa sĩ. Hiếm có ngôi làng nào, mỗi gia đình đều có một phòng tranh riêng. “Ở Cổ Đô, không phải ai cũng được học qua các lớp mỹ thuật, nhưng năng khiếu và niềm đam mê hội họa đã ngấm vào máu của người dân nơi đây”, vị Phó Chủ tịch xã tự hào.

Sự ra đời của CLB Mỹ thuật Cổ Đô, Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình đã trở thành những điểm sinh hoạt, nơi ươm mầm tài năng cho các thế hệ họa sĩ “nhí” của làng. Bảo tàng mỹ thuật tại thôn Cổ Đô cũng được đầu tư xây dựng với mục đích làm nơi gìn giữ, truyền dạy nghề vẽ cho các thế hệ yêu hội họa. Điều đáng nói, công nghệ đào tạo vẽ tranh ở đây cũng thật lạ: Không giáo trình, không phương tiện hiện đại, những người thầy đứng lớp cầm tay chỉ việc cho học trò trước đó còn là những nông dân chân lấm, tay bùn... Nhưng vì tình yêu tranh, những lớp đào tạo họa sĩ tại Cổ Đô cứ thế ra đời.

 

 Những họa sĩ “nhí” của làng Cổ Đô.

Nói đến niềm đam mê hội họa, không thể không nhắc tới người họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Cũi. Ông là cháu ruột của họa sĩ Sỹ Tốt. Chiến tranh đã để lại trên cơ thể ông thương tật 1/4, ông bị gãy xương hàm, phải đục xương chậu và tháo hết các đốt xương tay phải. Ấy vậy mà khi thoát chết, Nguyễn Ngọc Cũi vẫn không từ bỏ niềm yêu thích hội họa. Tay phải coi như hỏng hoàn toàn, ông miệt mài tập vẽ bằng tay trái.

Thời gian đầu, tập mãi mà không được ông cũng nản. Những nét vẽ ban đầu nguệch ngoạc chẳng ra hình thù gì, nhưng sự kiên trì và niềm đam mê đã giúp ông thành công. Họa sĩ - nông dân Nguyễn Ngọc Cũi cũng chính là một người thầy đặc biệt ở các lớp dạy vẽ tại Cổ Đô. Theo ông Cũi, công việc giảng dạy được phân công cho các họa sĩ trong làng, mỗi người phụ trách một lớp. Quá trình đào tạo cũng tuân theo trình tự nhất định, tất cả các em sau khi được học xong lớp cơ bản sẽ được chia lớp theo khả năng, trình độ... “Có một điều mà các thầy nhất quán thực hiện, đó là không thu học phí của các em”, ông Cũi cho hay.

Họa sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Cũi. 

Khi nông dân… mê tranh như việc cày cuốc

Ở Cổ Đô, từ người già đến em bé ai cũng biết đến câu chuyện về ông tổ nghề của làng là họa sĩ Sỹ Tốt. Ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được nhiều bạn bè thế giới biết đến với nhiều bức tranh đã đoạt giải thưởng quốc tế.

Họa sĩ Sỹ Tốt sinh năm 1920. Từ thuở nhỏ, ông đã thích vẽ nên thường dùng bút chì, có khi chỉ là cục than vẽ lại hình ảnh ngôi đình, cổng chùa… Ông đi bộ đội, sau đó được cử đi học tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và được chính danh họa Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Trở về quê, ông đã dùng cây cọ ghi lại hình ảnh làng quê và chân dung những người nông dân lam lũ, nhân hậu của làng. Được những bức tranh của họa sĩ truyền cảm hứng, nhiều nông dân tại làng ngỏ ý muốn học vẽ và được họa sĩ hết lòng truyền dạy miễn phí.

Và từ đây, máu họa sĩ bắt đầu hình thành và “ngấm” vào từng người Cổ Đô và họ được gọi với cái tên “làng họa sĩ”. Người dân của làng mỗi khi buông tay cuốc, tay cày lại cầm cọ say sưa bên giá vẽ. Giá vẽ của họ chỉ là những tấm bảng mỏng, dùng để kê giấy lên rồi vẽ. Đặc biệt, có thể bắt gặp trong ngõ xóm, bên những cây rơm, hình ảnh các em nhỏ đang say sưa vẽ những bức tranh lên tường, trên sân nhà hoặc nền đất với những dụng cụ đặc biệt như phấn, gạch hay tập vở...

 

Một góc triển lãm tranh tại bảo tàng gia đình của họa sĩ Sỹ Tốt. 

Từ vẽ chơi, sau, những người nông dân tại đây đã tận dụng thú chơi ấy thành nghề mưu sinh. Những bức tranh được bán đi giá không cao, nhưng cũng khiến người nông dân Cổ Đô có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, hành trình đến với tranh của những họa sĩ tại Cổ Đô cũng rất đặc biệt. Câu chuyện đến với hội họa của họa sĩ Trần Hòa (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Ông bảo, duyên cớ mê vẽ cũng do... cơn đói bụng thôi thúc. Hồi ông còn rất nhỏ, đi vớt củi trôi trên sông Hồng, đến khi đói quá, ông liền nghĩ ra cách vẽ lên trên cát hình một đĩa xôi và con gà. Vẽ xong thì nuốt nước miếng ừng ực vì trông nó... giống quá. “Tưởng là nhìn hình vẽ cho đỡ đói, ai ngờ càng nhìn, càng đói hơn”, họa sĩ Trần Hòa hóm hỉnh.

Từng có những thời điểm, hình ảnh thường trực tại những cánh đồng, bờ mương ở Cổ Đô là những giá vẽ được đặt ngay bên những luống cày, ruộng cấy để khi ngơi tay cuốc, tay cày hoặc khi cảm hứng sáng tác trỗi dậy thì những người nông dân lấm lem bùn đất ấy có thể lập tức thả hồn vào tranh. “Người nông dân ở làng coi vẽ tranh như công việc cày cuốc hàng ngày. Chưa bao giờ, họ có ý định từ bỏ thú vui tinh thần mang đậm bản sắc của làng này”, họa sĩ Trần Hòa cho biết.

                                                                                                               Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.493.850
Tổng truy cập: