LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Tơ lụa Mã Châu hồi sinh
(Ngày đăng: 08/08/2012   Lượt xem: 738)

Đã gần 2 năm kể từ khi Đề án khôi phục làng nghề dệt lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) được Hợp tác xã (HTX) Tơ lụa Mã Châu triển khai, kết quả bước đầu đang hứa hẹn sự hồi sinh của làng nghề truyền thống này…

Đầu ra rộng mở...

Với 2 phân xưởng dệt lụa gồm 25 máy đầu xà (dùng dệt lụa hoa văn), giờ đây HTX đã sản xuất được nhiều sản phẩm lụa có giá trị. Ông Trần Hữu Phương - Chủ nhiệm HTX Tơ lụa Mã Châu cho biết: “Trong năm 2011, HTX sản xuất được 40.000m lụa, doanh thu 4,2 tỷ đồng. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng. Lụa hiện nay có giá thành ổn định. HTX liên tục nhận được những đơn đặt hàng nhưng chỉ sản xuất được 5 - 10% các đơn hàng. Như một công ty ở Ấn Độ đặt 50.000m2 lụa/tháng hay một công ty ở Lào đặt hàng 20.000m lụa/tháng...  nhưng HTX Mã Châu phải tiếc nuối từ chối”.

alt
Hiện nay HTX Tơ lụa Mã Châu đã sản xuất được nhiều sản phẩm với chất liệu lụa
 truyền thống.    Ảnh: T.L

Hiện HTX đang quản lý gần 10ha đất sản xuất ở thôn Xuyên Đông và Châu Hiệp. Sản lượng lá dâu thu hoạch được chỉ đảm bảo được khoảng 5% nguồn nguyên liệu. Vì vậy, HTX phải mua thêm dâu từ các nơi để đảm bảo cho việc sản xuất. Từ khi triển khai Đề án khôi phục làng nghề dệt lụa Mã Châu, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị cơ giới hóa toàn bộ việc trồng dâu cũng như hệ thống điện phục vụ tưới tiêu. Trong công đoạn dệt, đã làm ra những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, sản xuất được những sản phẩm mới mà trước đây làng lụa chưa có.

Theo ông Phương, nhờ tiếp cận được kỹ thuật từ các địa phương sản xuất lụa nổi tiếng như Hà Đông, Lâm Đồng, trên cơ sở đó, HTX thực hiện việc cải tiến, tạo ra những sản phẩm đặc thù của Mã Châu. Đến nay, HTX có hơn  400 mẫu hàng mới như lụa hoa văn, satin, tuyxoa, đũi, the, voan, habutai... Không chỉ thế, giá cả sản phẩm lụa cũng hợp lý, với nhiều phân đoạn thị trường như hàng thông thường, hàng thời trang, hàng cao cấp. Để tạo ra những sản phẩm này, HTX đã cơ giới hóa toàn bộ công đoạn hoàn thiện sản phẩm như đầu tư hệ thống tẩy nhuộm, mắc cửi, nâng cao năng suất lên 20 lần so với mắc cửi thủ công trước đây. Ngoài việc đầu tư thêm 1 phân xưởng dệt, HTX đang hoàn thành một mô hình khép kín từ công đoạn trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đến ra sản phẩm phục vụ du lịch.

Làng nghề phục vụ du lịch

Ông Phương cho biết, HTX đang triển khai mở 2 shop giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặt tại trụ sở HTX (ở thôn Châu Hiệp) và tại Khu di tích Mỹ Sơn. Việc mở 2 shop này là bước đi đầu tiên trong đề án gắn kết hoạt động du lịch cộng đồng với việc sản xuất của làng nghề. Đồng thời, HTX cũng mở 1 lớp học khoảng 10 - 15 trẻ em khuyết tật vẽ tranh, thêu tay, in họa tiết trên lụa để sắp tới đầu tư một phân xưởng sản xuất hàng lưu niệm, mở dịch vụ may nhanh. “Nếu hoàn thành những dự tính này thì HTX đã có đầy đủ những thành phần, công đoạn để thực hiện đề án du lịch cộng đồng, chỉ có việc nối kết chúng lại với nhau nữa mà thôi” - ông Phương nói.

Tuy nhiên, theo ông Phương, việc triển khai đề án vẫn còn những khó khăn. HTX không thể tiếp cận được các chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi, trong khi vay ngân hàng thương mại lãi suất quá cao. Đề án của HTX ngoài khía cạnh phát triển kinh tế xã hội, còn nhằm khôi phục làng nghề truyền thống. Đồng thời, đã gọi là du lịch cộng đồng thì không chỉ HTX được hưởng lợi mà còn đem lại thu nhập cho người dân làng nghề nên HTX rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn và cơ chế.

Nhiều người cho rằng rất khó gắn kết việc sản xuất của làng nghề với hoạt động du lịch. Trước hết là khu vực chăn nuôi tằm lấy kén rất kiêng kỵ người lạ; ngoài ra, du khách muốn trở thành “nghệ nhân dệt lụa” ngồi vào dệt thử, nếu bị lỗi một chút thì coi như tấm lụa đó phải bỏ đi… Nhưng theo một lãnh đạo HTX, vấn đề này sẽ được giải quyết khi đơn vị thực hiện hai mô hình song hành. Một mô hình sản xuất thu lợi nhuận riêng, còn mô hình trình diễn phục vụ du lịch. “Khu sản xuất cách khu trình diễn bởi một màng kính. Và từ khu trình diễn này, nhìn qua màng kính du khách sẽ thấy được hoạt động sản xuất thật của làng nghề” - ông Phương nói.

Cùng ý tưởng trên, ông Trịnh Thành Trung, cán bộ Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên cho rằng, năm 2005, UBND tỉnh phê duyệt Đề án khôi phục phát triển làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa gắn với du lịch Mã Châu, tuy nhiên đề án chỉ làm được một đoạn đường bê tông trên địa bàn thôn Châu Hiệp. “Đề án thất bại bởi lúc đó thị trường tơ lụa đang bất ổn, hơn nữa những người thực hiện đề án chỉ triển khai hoạt động du lịch mà không triển khai sản xuất. Còn bây giờ, vào thời điểm này thị trường tơ lụa đang bình ổn, HTX vừa sản xuất vừa làm du lịch, khi làm du lịch thì sản phẩm sẽ đến trực tiếp với khách hàng mà không còn qua các khâu trung gian, lợi nhuận thu được sẽ cao hơn. Bởi vậy, nếu UBND tỉnh hay huyện có một đề án tương tự như vậy nữa thì chắc chắn đề án này sẽ được HTX triển khai thành công” - ông Trung nói.

Theo baoquangnam

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

35
Đang xem:
72.474.035
Tổng truy cập: