LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Giữ lửa nghề cháy mãi
(Ngày đăng: 24/08/2015   Lượt xem: 635)

Anh Nguyễn Văn Thành (bên trái), ấp Cầu Bông, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) quyết tâm giữ nghề rèn dù còn nhiều khó khăn.

Người dân ở ấp Cầu Bông, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) vẫn thường nói vui, trẻ con nơi đây đã “thuộc lòng” những tiếng búa đập cắc cụp, chan chát ngay khi còn trong bụng mẹ. Cùng âm thanh thô mộc ấy, theo thời gian, những đứa trẻ xóm lò rèn lần lượt lớn lên, tiếp tục gìn giữ cho ngọn lửa nghề cháy mãi, dù trải qua không ít thăng trầm.

NỨC TIẾNG MỘT THỜI

Vừa đến con đường rẽ vào ấp Cầu Bông, mọi người đã nghe tiếng búa đập rộn ràng vang lên từ lò rèn của ông Lê Minh Nhựt. Ngày nào cũng có từ hai đến bốn nhân công đến làm tại lò rèn của ông. Nay đã 82 tuổi, ông Út Nhựt được xem là một trong những người có nhiều “duyên nợ” nhất với nghề rèn ở ấp Cầu Bông này. Trong ngôi nhà mang nhiều dáng vẻ xưa, ông bắt đầu câu chuyện về nghề. Ông Nhựt kể, ngay từ nhỏ, ông đã thấy cha mình làm nghề rèn và khi mới 12 tuổi, ông đã được cha truyền nghề. Gia đình ông làm đủ loại sản phẩm, từ con dao, cái cuốc đến vá, xẻng… “Mới đầu thì mình làm những món nhỏ, ít phức tạp hơn như con dao chẳng hạn. Vừa làm vừa học nghề của ông già. Từ từ, tôi được ông già hướng dẫn làm những mặt hàng khó hơn, đòi hỏi nhiều sức hơn” - ông Út Nhựt tâm sự.

Theo ông Nhựt, nghề rèn xuất hiện ở Nhị Thành cách đây hơn 100 năm. Trong quá trình đi mở đất, người dân cần có những vật dụng để khai hoang, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày, do vậy mọi người phải tự chế ra phảng, dao, cuốc... Cứ thế, thời gian qua đi, sản xuất nông nghiệp ngày càng mở rộng, những nông cụ theo đó mà vươn đến những vùng, miền khác. Những vật dụng thô sơ phục vụ sản xuất nông nghiệp đã mang lại thu nhập cho người dân ấp Cầu Bông, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Ông Nhựt nhớ lại, khoảng vài chục năm về trước, hàng làm ra không kịp bán. Ai cũng sống khỏe với nghề. Nhà nhà trong ấp đều đỏ lửa khi gà chưa cất tiếng gáy. Tiếng búa đập, tiếng mài giũa sắt vang lên suốt ngày.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) Lê Văn Kịp cho biết, thời hưng thịnh, toàn xã có hơn 100 hộ với gần 1.000 nhân công theo nghề rèn, tập trung ở các ấp Cầu Bông, Cầu Ngang. Tuy nhiều lò rèn, nhưng mỗi lò đều có những mặt hàng của riêng mình. Người chuyên rèn búa, người chuyên về cuốc, người thì cả đời chỉ làm dao… Sản phẩm phong phú, đa dạng, cho nên hàng làm ra bán rất chạy. “Thời điểm đó, những sản phẩm của các lò rèn Nhị Thành rất được ưa chuộng ở miền tây. Nhiều cái tên đã trở thành “thương hiệu” của nghề rèn Nhị Thành như: lò cụ Lê Văn Bảy, ông Út Nhựt, lò Tám Dụng, lò Mười Danh, Bảy Bom…” - ông Kịp kể. Trong những “thương hiệu” của nghề rèn Nhị Thành, cụ Lê Văn Bảy được đánh giá là người rèn giỏi nhất. Khách hàng luôn hài lòng với mỗi sản phẩm cụ làm ra cả về chất lượng và tính thẩm mỹ, đặc biệt là những lưỡi cuốc. Theo ông Lê Văn Kịp (cũng là con cụ Bảy), lưỡi cuốc cụ Bảy làm ra khi sử dụng, nó vừa nhả đất, vừa cuốc êm và rất bền. Thậm chí có người vì quý sản phẩm do cụ Bảy làm ra, mua cây cuốc về chỉ để… treo chơi trong nhà (!) “Người khác thì đặt ổng rèn một lúc vài ba cây cuốc. Ông hỏi: Đặt chi nhiều vậy, bây? Ông khách kia trả lời tỉnh queo: Đặt phòng hờ, lỡ sau này ông mất tui còn có cái để xài” - ông Kịp hóm hỉnh giọng đầy vẻ tự hào kể lại kỷ niệm về ba mình. Đặc biệt hơn, trong những năm tháng chiến tranh, cụ Bảy còn âm thầm làm nắp hầm bí mật cho cách mạng. Trong gia đình không ai biết cụ làm việc này cho đến khi miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.

Ông Lê Minh Nhựt, 82 tuổi, luôn lạc quan với nghề rèn ấp Cầu Bông, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An).

QUYẾT TÂM GIỮ NGHỀ

Giống như nhiều nghề truyền thống khác, nghề rèn ở xã Nhị Thành đang bước vào giai đoạn khó khăn khi sản phẩm không còn được tiêu thụ nhiều như xưa. Anh Nguyễn Văn Thành, người đến với nghề rèn từ khi mới 15 tuổi, than thở: “Cách đây vài năm, đoạn đường qua nhà tui lúc nào cũng nhộn nhịp người làm nghề rèn, nhưng giờ họ bỏ nghề hết rồi. Khu này hiện tại chỉ có mỗi lò của nhà tui”. Cơ giới hóa phát triển, những mặt hàng từ Thái-lan, Trung Quốc tràn vào với giá rẻ hơn, kiểu dáng phong phú khiến cho nghề rèn ở Nhị Thành rơi vào cảnh điêu đứng. Để tồn tại, nhiều chủ lò đã chuyển qua nhận hàng từ ngoài bắc vào, rồi gia công, mài sắc lại, sau đó đem bán ra thị trường, ít tốn công nhưng thu nhập khá. Còn đối với những người quyết giữ thương hiệu sản phẩm rèn Nhị Thành thì buộc phải hạ giá bán “cho bằng với người ta” mới có thể tồn tại được. “Trước đây, một cây búa có giá gần bằng một giạ lúa (20 kg), giờ ba cây mới mua được một giạ” - anh Thành thở dài.

Khó khăn không dừng lại đó, khi hiện tại việc tìm kiếm nhân công tại các lò rèn cũng khiến các chủ lò “đỏ con mắt”. Anh Nguyễn Văn Thành cho biết, trước đây anh có hai nhân công đến phụ tại lò, nhưng giờ đây cả hai đều nghỉ việc để đi làm công nhân. Anh phải vận động công nhà từ vợ đến con trai mới có thể cho ra lò mỗi ngày 50 lưỡi cuốc. Trường hợp ông Út Nhựt cũng thế. Dù là lò rèn lớn, có tiếng, nhưng gia đình ông cũng không thoát khỏi vòng xoáy khắc nghiệt của thị trường khi nghề rèn không còn hấp dẫn với nhiều người. Hiện lò rèn của ông Nhựt vẫn duy trì từ hai đến bốn thợ, chỉ bằng một nửa số nhân công so với trước đây.

Khó khăn là vậy, nhưng những người “sống chết với nghề rèn” ở Nhị Thành vẫn quyết tâm giữ nghề bằng tất cả khả năng của mình. Đến nay, có khoảng 40 lò rèn còn duy trì, hầu hết tập trung ở ấp Cầu Bông. “Dù số lượng giảm nhiều so với trước nhưng hầu hết các lò rèn đều hoạt động thường xuyên” – ông Lê Văn Kịp chia sẻ. Theo ông Kịp, điều đáng mừng hơn cả là phần lớn các lò rèn đều có thế hệ kế thừa. Ông Út Nhựt hiện có hai người con trai đang giữ trọng trách duy trì nghề rèn có truyền thống bốn đời của gia đình. Trong đó, anh Lê Minh Hồng có tay nghề khá cao khi biết áp dụng những gì mình đã học từ nghề cơ khí vào nghề truyền thống của gia đình. Hay như ông Mười Danh (Bùi Công Danh), người cả đời làm dao nổi tiếng ở ấp Cầu Bông giờ đây đã có thể thư thả dưỡng già vì người con trai tiếp tục duy trì và phát triển cái nghề mà ông đã dồn hết tâm sức vào nó. Mỗi ngày, anh Bùi Công Sơn (con ông Mười Danh) vẫn đều đặn cho ra đời 50 con dao đủ loại. Vài ba ngày, anh lại chở dao đi bỏ mối ở chợ Tân An (Long An).

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Thành Lê Văn Kịp dù không nối nghiệp cha nhưng lại chọn con đường khác để giúp nghề rèn của xã tìm được tương lai tươi sáng hơn. Thời gian qua, ông đã đến từng lò rèn khảo sát thực trạng của nghề, tổng hợp làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền công nhận ấp Cầu Bông là làng nghề truyền thống. Không dừng lại ở đó, ông còn tính đến việc thành lập hợp tác xã ở làng nghề này nhằm giúp các chủ lò có được nguồn vốn ưu đãi để phát triển, mở rộng thêm nghề, và sản phẩm của bà con khi ra thị trường không bị thương lái ép giá…

Hơn 5 giờ chiều, tiếng quai búa lục cục, leng keng, tiếng giũa xoèn xoẹt trong nhà ông Út Nhựt vẫn vang lên đều đặn. Ông ra sân nhìn những người thợ miệt mài bên những thanh sắt nung đỏ rực, nói với khách mà như nói với chính mình: “Ngày nào không nghe tiếng búa gõ là tôi chịu không nổi”. Nói xong, ông nở nụ cười rồi đọc mấy câu thơ dân dã bằng niềm tự hào, và sự lạc quan với đời, với chính cái nghề rèn của xứ mình: “Lưỡi cày, bàn nạo, dao phay/Có lụt thì mài chớ đừng chửi rủa/Bà con có của thì tôi có công/ Hàng này có tận Cầu Bông, Thủ Thừa”.

                                                                                                    Theo: nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.493.448
Tổng truy cập: