LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng muối, mồ hôi và nước mắt giữa ngày nóng nực
(Ngày đăng: 03/06/2015   Lượt xem: 428)
Không mất đất canh tác, không thiếu dụng cụ truyền thống, không thiếu nhân lực, thế nhưng nghề muối tại các xã huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu… tỉnh Nghệ An đang “sống dở chết dở” từng ngày.

Nghề muối sắp chết

Về cánh đồng muối ở xã Diễn Kim - nơi sản xuất muối chủ yếu của huyện Diễn Châu trong một ngày nắng cháy da, cháy thịt của đợt nắng nóng đỉnh điểm tại khu vực miền Trung, chúng tôi mới thấu rõ sự vất vả, khổ cực của nghề muối mà đôi khi đi cùng cả mồ hôi lẫn nước mắt.

Nhìn quanh, chỉ thấy thấp thoáng một vài người đàn ông, bởi hầu như trên cánh đồng muối là các cụ già, phụ nữ, trẻ nhỏ đang chăm chỉ làm việc.

 - 1

 - 2

Trẻ nhỏ làng muối lao động dưới thời tiết nắng nóng đỉnh điểm.

Chị Phạm Thị Dung- một diêm dân với khuôn mặt hiện hữu nỗi buồn, gạt đi mồ hôi trên mắt tâm sự: “Để làm ra được hạt muối trắng trẻo kia, cần rất nhiều công đoạn vất vả, phải dậy từ lúc 4h sáng xuống ruộng muối để cào đất, trải đất rồi tát nước vào bể. Chỉ từng đó công việc nhưng ba mẹ con tôi phải mất 3 tiếng đồng hồ mới xong việc”.

Theo chị Dung, đây chỉ mới là giai đoạn đầu tạo ra hạt muối, tiếp đó đến tầm 11h trưa, ba mẹ con chị lại đến ruộng tiến hành gom đất, rồi ngồi đợi muối kết. Chị chia sẻ, giai đoạn này là quan trọng nhất, nhưng cũng vất vả nhất vì lúc này trời nắng nóng cực điểm. Người dân làm quần quật cả ngày đến khoảng 18h mới thu hoạch được muối.

Chị Dung cho biết, làm muối tuy không cần kỹ thuật, nhưng cần sự kiên trì rất lớn bởi cần qua nhiều giai đoạn, nhiều yếu tố. Nhưng điều quan trọng nhất là yếu tố thời tiết, nắng càng to diêm dân càng mừng vì lúc đó muối sẽ cho năng suất cao nhất. Thế nhưng muối lại trượt giá, mất mùa, người dân làm xong đợi mãi mà không có thương lái đến mua.

 - 3

Mỗi ngày nếu trời nắng đẹp, với 3 lao động gia đình chị Dung mới thu về được khoảng từ 50  - 60 nghìn đồng.

Hiện tại, muối chỉ bán được 12 nghìn đồng/kg, như gia đình chị, với 3 lao động gồm chị và 2 con nhỏ làm việc cả ngày, đem đi bán cũng chỉ thu về tầm 50 – 60 nghìn đồng. Nếu trời nắng như chính vụ từ tháng 3 đến tháng 6, gia đình chị Dung thu nhập được hơn 1 triệu đồng/tháng, còn vụ chiêm bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12 mưa nhiều thì thu nhập thấp, không đủ ăn.

Theo tìm hiểu, không chỉ gia đình chị Dung mà ở các xã Diễn Kim, Diễn Vạn (Diễn Châu) và một số xã như An Hòa của huyện Quỳnh Lưu đang gặp phải tình cảnh như thế. Trước kia, lực lượng lao động chủ yếu là đàn ông, thanh niên. Tuy nhiên hiện nay, do thu nhập với nghề muối thấp, họ đã bỏ nghề muối để theo một nghề khác có thu nhập tốt hơn.

Mồ hôi và nước mắt của diêm dân

Những ngày này, nắng nóng đỉnh điểm kéo dài tại khu vực Nghệ An. Nhiều em nhỏ mới được nghỉ hè đã vội theo mẹ xuống ruộng muối kiếm sống. Biết là làm chẳng đủ ăn nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng làm việc dưới cái nắng của 39 – 40 độ.

Em Phạm Xuân Tường (học sinh lớp 9) - diêm dân xóm Bắc Liên, Diễn Kim cho biết: “Năm nào cũng vậy, bắt đầu nghỉ hè em đã phải cùng mẹ và ông bà đi làm muối, biết vất vả nhưng cũng đành chịu. Vì không làm thì lấy đâu tiền đóng học phí cho em vào năm học mới và để gia đình tồn tại. Bố em bỏ nghề muối được 3 năm rồi”.

Tường nói thêm, có lẽ không có nghề nào vất vả bằng nghề muối bởi giữa trưa đội nắng đi làm. Em kể, có những hôm cùng mẹ chuẩn bị thu hoạch muối, thì trời bỗng nhiên đổ mưa giông, nước xối xả cuốn theo cả ruộng muối của hai mẹ con. Mẹ Tường vội vàng chạy đến che đậy. Do vội ngã chân trầy xướt, đầu mẹ em đập vào thành ruộng muối máu chảy lênh láng. Tường nhìn mẹ rồi khóc cạn nước mắt, tuy nhiên do mưa to quá nên vẫn không cứu được muối.

“Không chỉ có em mà cả làng muối này cứ vào dịp hè là lũ trẻ như bọn em theo chân mẹ đi ruộng muối hết. Nghề này phải dậy sớm, ở quê chúng em đi làm ruộng không có chế độ ăn sáng đâu, nhiều hôm đi làm mệt bở hơi tai, bụng đói réo rắt, tuy vất vả nhưng cũng phải làm thôi ạ”. – Tường tâm sự.

 - 4

Nghề làm muối truyền thống vất vả đã đành nhiều lúc cũng lẫn cả nước mắt.

Ông Nguyễn Thành - diêm dân xã An Hòa huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Dịp này năm trước, tại xã bên có một diêm dân đi làm muối, trong lúc đem muối về nhà thì trời nổi sấm sét, đánh trúng. Anh ấy tử vong, để lại người vợ cùng hai đứa con thơ, hoàn cảnh cơ cực. Người dân chúng tôi vẫn thường nói ‘muối mặn mà chát’ là thế”.

Trao đổi với ông Phạm Xuân Bang CT - UBND xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An thì ông cho biết, không chỉ diêm dân xã ông mà rất nhiều nơi trong tỉnh Nghệ An đang cố gắng để tồn tại với nghề muối. Hiện tại, địa phương ông đang tìm các giải pháp để nâng cao thu nhập cho nghề muối, đồng thời hiện đại hóa kỹ thuật và đặc biệt là tìm đầu ra cho muối.

 - 5

 Bài toán đầu ra cho giá muối vẫn là bài toán khó.

“Nếu không nghề muối sắp tới sẽ chết thôi. Như bên cạnh địa phương chúng tôi, làng muối Diễn Bích với hàng chục hecta đã ‘chết’ từ lâu biết khi nào khôi phục lại nổi?” – ông Bang ngậm ngùi.

Là nghề truyền thống, trước đây đem thu nhập ổn định cho diêm dân, nhưng nay lại nằm trong tình cảnh sống dở chết dở, đây cũng là tình trạng chung của nghề muối truyền thống ở nhiều địa phương ở Nghệ An.

                                                                    Theo : khampha.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.475.283
Tổng truy cập: