LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nỗi niềm Đa Sỹ
(Ngày đăng: 15/05/2015   Lượt xem: 476)
Trước tốc độ đô thị hóa nhanh, nghề rèn ở Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông - một làng nghề có truyền thống hàng trăm năm nay đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về mặt bằng sản xuất, môi trường...
Ông Nguyễn Văn Sử vẫn làm nghề rèn hoàn toàn thủ công.
Ông Nguyễn Văn Sử vẫn làm nghề rèn hoàn toàn thủ công.
Đổi thay ở làng nghề
Đến Đa Sỹ một ngày tháng 5 oi bức, từ xa đã nghe văng vẳng tiếng đe, tiếng búa vang lên rộn ràng. Đa Sỹ hôm nay đã khác xưa nhiều, làng quê năm nào đã thực sự thay da đổi thịt với những con đường bê tông khang trang, những ngôi nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát. Ông Hoàng Quốc Chính – Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, đồng thời cũng là chủ một lò rèn có tiếng trong làng cho biết, nghề rèn ở đây đã có truyền thống hàng trăm năm với các sản phẩm chủ yếu là dao, kéo và đồ gia dụng. “Sản phẩm của làng Đa Sỹ có mặt từ Bắc vào Nam, thậm chí cả người nước ngoài cũng tìm đến mua” - ông Chính tự hào cho biết. Nhờ đưa máy móc vào các khâu sản xuất, người làm nghề rèn ở Đa Sỹ đã bớt nhọc nhằn hơn trước, hiệu quả kinh tế cũng theo đó tăng lên. Theo tính toán của Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ, những hộ đầu tư máy móc sản xuất với quy mô lớn, mỗi ngày sản xuất vài trăm sản phẩm thì có thể thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Ngoài tận dụng số lao động nhàn rỗi trong gia đình, một số hộ còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương khác với mức lương từ 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh những mặt hàng được chế tác bằng máy móc, Đa Sỹ vẫn còn những sản phẩm như dao, kéo được làm hoàn toàn thủ công. Theo sự chỉ dẫn của ông Chính, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Sử - một hộ làm nghề rèn dao, kéo đã 5 đời nay và là một trong số ít thợ rèn còn làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công ở Đa Sỹ. Dáng người nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi, ông Sử quai từng nhát búa chắc nịch xuống thanh thép đỏ lừ vừa được lấy ra từ lò. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi càng làm cho nước da ông thêm nâu bóng. Sau một hồi đập, dập tạo hình, ông lại đưa sản phẩm lên ngắm nghía, gật gù. Ông chia sẻ, rèn bằng tay thế này cần sự dụng công và tâm sức của người thợ để cho ra lò những sản phẩm tốt nhất. Có lẽ do đặc điểm ấy mà xưởng rèn của ông Sử luôn đỏ lửa, làm không hết việc vì những đơn hàng nối tiếp nhau.
Mong chờ quy hoạch
Trước đây, nghề rèn ở Đa Sỹ chỉ là một nghề phụ, đứng sau sản xuất nông nghiệp nhưng từ năm 2005, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn phục vụ cho các dự án, nhiều gia đình không còn đất sản xuất nên nghề rèn đã trở thành nghề mang lại thu nhập chính. Cũng như nhiều làng nghề khác, hiện nay, Đa Sỹ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về môi trường, mặt bằng sản xuất, thương hiệu… Chị Tiếp – chủ lò rèn Sơn Tiếp chia sẻ, gia đình rất muốn đầu tư thiết bị máy móc để phát triển nghề rèn nhưng do diện tích đất chật hẹp, không phù hợp để đặt các loại máy. "Vài năm trước, thấy địa phương triển khai dự án quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề, chúng tôi mừng lắm nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa hoàn thành" - chị Tiếp cho biết. Đa Sỹ hiện có gần 1.000 hộ làm nghề rèn, trong đó, 70% số hộ trực tiếp sản xuất, còn lại tham gia vào các khâu dịch vụ, cung cấp vật tư, trang thiết bị. Hàng ngày, người dân phải làm việc trong môi trường bụi bặm, nhiều tiếng ồn lại thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ngoài ra, theo ông Chính, do số hộ làm nghề đông, quy mô sản xuất lại nhỏ lẻ nên việc quản lý chất lượng sản phẩm rất khó khăn. Có hộ vì lợi ích trước mắt đã sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của làng nghề.
Được biết, năm 2003, chính quyền địa phương đã đề xuất quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề với diện tích khoảng 14ha, cách xa khu dân cư. Dự án đã được phê duyệt, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở khâu san ủi mặt bằng và quây rào xung quanh. Điều mong mỏi nhất của người làm nghề ở Đa Sỹ hiện nay là sớm có khu làm việc tập trung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu để yên tâm sản xuất và phát triển làng nghề bền vững.
                                                                    Theo : ktdt.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.488.268
Tổng truy cập: