LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng “ăn tới mần lui”
(Ngày đăng: 13/04/2015   Lượt xem: 715)
Mới nghe tên gọi thì ai cũng nghĩ rằng đây là làng “siêng ăn nhác làm”. Song, chuyện không phải như vậy. Làng ăn tới, mần (làm) lui là cách gọi của nghề độc đáo ở Quảng Trị với kỹ thuật “mần lui thì trúng, mần tới thì đói”. Đó chính là nghề cào chắt chắt trên các sông Hiếu, Thạch Hãn, Bến Hải…

Sông Bến Hải, Hiếu Giang (sông Hiếu), Thạch Hãn… ở tỉnh Quảng Trị với thác ghềnh phía thượng nguồn, khi chảy về Vĩnh Linh, Gio Linh, Đông Hà, thị xã Quảng Trị lại trở nên hiền hòa, thơ mộng. Và chính ở những khúc sông êm đềm ấy rất nhiều sinh vật nước lợ. Trong đó, con chắt chắt sinh sôi tạo nên một sản vật ngọt ngào nuôi sống bao nhiêu thế hệ dân làng ở chính đôi bờ sông ấy.

Chắt chắt có thân hình giống con hến nhưng bé hơn rất nhiều, mặt (thân thịt) dày hơn, đặc biệt nước chắt chắt rất ngọt nên được nhiều người ưa thích.

Món ăn khoái khẩu nhất khi chế biến chắt chắt là nấu với rau muống, trộn gừng và ớt trái tươi. Nó đã trở thành món ăn đặc sản ở xứ này và  được nâng thành một thứ văn hóa ẩm thực của các làng quê ven những con sông ở Quảng Trị.

Sách đông y có ghi, chắt chắt có vị mát, dễ tiêu hóa. Mùa hè nóng nực, bữa cơm gia đình không cần cá, thịt, chỉ chắt chắt nấu với rau muống vừa hái ngoài vườn, rồi thêm một đĩa mặt chắt chắt xào. Vừa chan canh, vừa cắn quả ớt tươi thì ngon không gì tả được.

Sau khi cào được chắt chắt, người dân tiến hành sàng lọc, phân loại chắt chắt để bán cho thương lái.     Ảnh: Linh Võ

Đánh bắt được con chắt chắt là công việc nặng nhọc. Người ta phải đan một chiếc cào bằng tre giống hình cái thìa nằm úp.
Làm nghề này chủ yếu thức đêm, canh chừng theo con nước. Nước xuống (thủy triều xuống), con chắt chắt trồi lên, người cào chắt chắt ra giữa dòng sông rồi lặn xuống đáy sông mà cào…

Chiếc cào được đặt tư thế úp vào người. Người cầm cào đi lui mãi, hai tay lắc thật mạnh để múc bằng được những con chắt chắt nằm dưới đáy sông vào cào. Đặc trưng của nghề là thế.

Dân cào chắt chắt thường đùa với nhau đây là cái nghề “làm lui, ăn tới” (vì thịt chắt chắt quá khoái khẩu). Nhiều khi để bắt được chắt chắt, phải lặn sâu xuống đáy sông từ 5 đến 7m. Lặn quá nhiều lần, màng nhĩ bị thủng, về già cứ nghễnh ngãng, lõm bõm câu được, câu mất.

Cụ Nguyễn Ngọc Phúc ở thôn Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh cho biết: “Ở vùng quê này có biết bao nhiêu gia đình nhờ chắt chắt mà nuôi con ăn học nên người. Làng Mai Xá quê tôi, lũ trẻ ăn chắt chắt, ngủ cũng chắt chắt giờ thành tiến sĩ, giáo sư, nhà báo cả làng rồi. Mà cũng hay ghê, lũ trẻ đi đâu thì thôi, chứ về làng là tranh thủ thời gian để đi cào chắt chắt, sáng cho mẹ gánh ra chợ bán kiếm tiền”.

Để dẫn chứng cho điều mình nói, cụ Phúc kể rằng, không cần nói xa, ở trên Đông Hà ấy, nào là nhà báo, cán bộ Tỉnh ủy, ủy ban, thậm chí ở Hà Nội, Sài Gòn rồi cả bên nước Mỹ nữa… có người Gio Linh đó. Bón nó lúc nhỏ đi học một buổi, buổi còn lại đánh trần vật lộn với nước Hiếu Giang cào chắt chắt giờ làm cán bộ cả.

Theo tìm hiểu của PV, trước đây con chắt chắt là món ăn dân dã, nhưng nay trở thành đặc sản. Làm chắt chắt ra, các nhà hàng, khách sạn về thu mua tận bến chứ không còn cảnh mang đi rao bán rát họng như xưa nữa. Giá chắt chắt những 10-15 nghìn đồng cho một lon đã luộc chín.

Chắt chắt giờ được xem như là món ăn thượng hạng và là đặc sản của một số vùng quê ở Quảng Trị mà ai đến đây một lần cũng không thể bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức. Đi dọc đường xuyên Á đoạn qua xã Gio Mai, Gio Linh có thể thấy ngay rất nhiều quán bún chắt chắt phục vụ cho khách gần xa tận hưởng vị ngọt ngào.

Đặc biệt bún chắt chắt không cần thêm bột ngọt vì vị ngọt tự nhiên sẵn có trong cơ thể của chắt chắt. Còn rau thơm, rau muống được trồng ở bờ ao đồng làng, không phân bón, không thuốc trừ sâu sẽ đem đến cho thực khách những cảm nhận thật khó quên về món ăn thanh khiết này.

                                                                 Theo : phapluatxahoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.500.084
Tổng truy cập: