Vay
vốn để phát triển sản xuất và xúc tiến các hoạt động bán hàng, tiêu thụ
sản phẩm là nhu cầu bức thiết của nhiều làng nghề hiện nay...
Đau đầu vì hàng tồn kho
Dù
đã bước vào mùa hè, thời điểm tiêu thụ sản phẩm lụa mạnh nhất trong
năm, nhưng làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) vẫn khá vắng vẻ. Lác đác
có đoàn khách du lịch nước ngoài đến tham quan xưởng dệt và mua hàng.
Còn lại, khách trong nước đến đây chủ yếu là để “ngắm” chứ ít người mua.
Nhu
cầu giảm khiến nhiều cơ sở lụa ở Vạn Phúc phải sản xuất cầm chừng, hoặc
ngừng hoạt động, chuyển nghề khác. Cơ sở sản xuất lụa Thanh Hà nằm im
lìm, không một tiếng động phát ra từ máy dệt. Những năm trước đây khi
hàng bán chạy, ba máy dệt của cơ sở này liên tục chạy hết công suất. Tuy
nhiên, nhiều tháng nay đã phải ngừng hoạt động vì hàng sản xuất ra
không thể tiêu thụ được.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh,
chủ cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Thanh Hà cho biết, hiện tình hình sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm lụa đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do
thiếu nguyên liệu, dẫn đến giá tơ tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng,
giá thành cũng theo đó phải tăng lên. Nhưng cái khó nhất hiện nay đối
với các cơ sở sản xuất lụa, đó là họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh
khốc liệt giữa sản phẩm lụa của Vạn Phúc với lụa Trung Quốc; cùng với
đó là nhu cầu của người dân giảm mạnh, khiến sản phẩm sản xuất ra không
bán được.
|
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh bên mẫu lụa Long vân, sản phẩm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: M.N. |
Về
vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề lụa Vạn
Phúc cho biết, hiện Hiệp hội có hơn 400 hội viên thì có khoảng 150 hội
viên (chiếm khoảng 35%) đã chuyển nghề khác, nguyên nhân là do lụa sản
xuất ra không bán được.
Do đặc trưng của mặt hàng
lụa, nên mùa hè nhu cầu tăng cao hơn so với mùa đông. Tuy nhiên, so với
những năm trước đây, lượng tiêu thụ giảm đáng kể (khoảng 30-40%).
“Mặc
dù nhu cầu có tăng, nhưng chỉ tăng nhẹ so với mùa đông. Để có hàng phục
vụ nhu cầu của người tiêu dùng, một vài cơ sở đã tăng thời gian sản
xuất, ví như trước đây làm việc 8 tiếng/ngày, thì nay tăng thêm 1-2
tiếng nữa, chứ không có ý định mở rộng quy mô”, ông Sinh nói.
Theo
ông Lê Xuân Phổ, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà
Nội), tình trạng tồn kho do sản phẩm sản xuất ra không bán được của các
thành viên tăng cao, trong khi đó chi phí đầu vào như: giá điện, giá
gas, phí vận chuyển, lương công nhân đều tăng, khiến các hộ sản xuất,
các doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ tại làng nghề gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện
nay, Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng hiện có 400 hội viên, trong đó có 40
doanh nghiệp. Số hàng tồn kho là khá lớn, nhiều hộ đã phải ngừng sản
xuất, chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ như bán hàng để tiêu thụ hàng
tồn kho, gia công cho các doanh nghiệp lớn…
Khó tiếp cận vốn ưu đãi
Ông
Trần Tước, chủ cơ sở sản xuất gốm sứ mỹ nghệ Bát Tràng (huyện Gia Lâm,
Hà Nội) cho biết, hiện khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp, đặc biệt là
doanh nghiệp (DN) sản xuất gốm sứ xuất khẩu là vấn đề vốn. Nhiều khi DN
cần vốn nhưng rất khó tiếp cận. Theo phân tích của ông Tước, để vay được
vốn, DN phải tiến hành rất nhiều thủ tục, từ khi làm hồ sơ vay vốn đến
khi được chấp thuận là cả một quá trình nên ảnh hưởng đến quá trình sản
xuất kinh doanh của DN.
“Thông thường, với những đơn
hàng xuất khẩu, đối tác nước ngoài chỉ đặt trước khoảng 20% giá trị của
hợp đồng. Sau khi xuất hàng thì mới thanh toán tiếp số tiền còn lại. Vì
vậy, nhiều cơ sở đã bỏ lỡ những hợp đồng xuất khẩu vì không có đủ vốn
để sản xuất”, ông Tước cho biết.
Ông Lê Xuân Phổ cho
rằng, gói cứu trợ 29 nghìn tỉ mà Chính phủ đưa ra rất khó đến được với
các hộ gia đình cũng như các DN là thành viên của Hiệp hội làng nghề.
Nếu có đến được cũng "không hỗ trợ đươc bao nhiêu". Lý do theo ông Phổ,
đó là các thành viên trong Hiệp hội không quan tâm đến vấn đề thuế, bởi
số tiền thuế phải nộp hàng năm rất thấp, không đáng bao nhiêu trong chi
phí sản xuất, kinh doanh đối với các hộ gia đình.
Về
vấn đề vay vốn, với quy mô sản xuất gia đình và tình hình tiêu thụ sản
phẩm chậm như hiện nay, ít hộ gia đình nào có nhu cầu vay vốn để mở rộng
quy mô. Đối với các xuất khẩu, thì nhu cầu vay vốn phụ thuộc vào các
đơn hàng xuất khẩu. Khi có đơn hàng, các DN mới có nhu cầu vay vốn,
nhưng thủ tục vay rất rườm rà, phải có tài sản thế chấp…
Ông
Phổ đề nghị, vấn đề trước mắt và cấp bách hiện nay để tháo gỡ khó khăn
cho làng nghề là nhà nước nên quan tâm hỗ trợ vay vốn ưu đãi để hạ giá
thành sản phẩm, tiến hành các hoạt động xúc tiến bán hàng, nhất là xuất
khẩu để giải quyết hàng tồn kho.
Theo infonet