LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Đìu hiu làng nghề gạch-gốm
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 658)
 

 


 


 


Suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch, gốm ở miền Tây “mắc kẹt”, phải mạo hiểm chạy qua nuôi cá tra, nuôi heo - gà, đóng tàu… là những lĩnh vực chưa từng làm, cũng chẳng hề quen...

Vắng chưa từng thấy

Không còn hình ảnh nhộn nhịp và thịnh vượng trước đây của “vương quốc” gạch, gốm Vĩnh Long với hơn 2.000 miệng lò và trên 10.000 lao động. Những lò gạch, lò gốm giờ đây vắng vẻ, công nhân thưa thớt, chủ lò luôn than thở.

Cơ sở gốm Hòa Hiệp có bốn miệng lò, với 60-70 lao động làm việc thường xuyên, giờ loe hoe vài người. Dãy nhà trọ cho công nhân thì cửa đóng then cài. Ông chủ Đào Văn Tâm buồn buồn: “Nguồn tiêu thụ hàng ít, chỉ giữ vài thợ có tay nghề để làm cầm chừng. Mà giờ sao cái gì cũng tăng giá quá trời. Nặng nhất là lãi suất ngân hàng, bươn chải lắm mới đủ tiền đóng lãi”.

Phía sau cánh cổng sắt khép hờ, tường rào xiêu vẹo, là nhà xưởng rộng rãi chất đủ loại đồ gốm, nhưng chỉ có vài ba công nhân làm khuôn, kéo gốm.

Chủ doanh nghiệp Hoa Viên, ông La Văn Cắn, vẻ mặt rầu rĩ: “Vài năm trước, do mở rộng sản xuất nên vay vốn ngân hàng, lại gặp lúc kinh tế khó khăn, chất đốt biến động, lò không hoạt động đúng thời gian giao hàng nên bị phạt trễ hạn hợp đồng. Doanh thu ngành gốm liên tục giảm do các cơ sở cạnh tranh giá bán. Làm gạch ống không có ăn”.

Thậm chí, doanh nghiệp đã bán đất, vay “nóng” đầu này đắp đầu kia cộng với dỡ bớt lò, cất trại nuôi gà từ hơn hai năm nay. “Nhờ gà đỡ cho gốm, nhưng giờ trả lãi cả trăm triệu đồng/tháng thì tiền đâu đầu tư tiếp”, giọng ông Cắn chùn xuống.

Đầu vào, đặc biệt là trấu, siết nghề gạch - gốm “muốn nín thở”, như cách nói của bà Hai Hạnh, một chủ lò ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Theo bà, “bán miếng gạch tàu 3.600-3.700đ chẳng lời lóm gì” vì trấu, “từ 2 triệu, lên 7 rồi 9 triệu đồng, giờ là 11 triệu đồng/ghe rồi”. Mà một kỳ lò un tới 2-3 tháng, ngốn cả chục ghe chớ đâu có ít.

Ông Bùi Hữu Mai, Giám đốc Công ty TNHH Tân Mai, cho biết: “Sức mua gốm đã giảm trên 60%, giá bán lại thấp. Nhiều lần đàm phán chỉ nhích lên được 10-20%, còn đầu vào tăng gấp 10 lần. Gốm giờ chỉ làm cầm chừng cho khách hàng truyền thống, cốt để giữ nghề thôi”.

Sản xuất không hiệu quả, chi phí đầu vào tăng cao và khó tiêu thụ đã khiến hoạt động của hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp khó chồng thêm khó. Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Long, trong ngành gốm hiện chỉ có 5% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, 40% hoạt động cầm chừng và 55% đang rất khó khăn. Danh sách doanh nghiệp nợ ngân hàng, nợ thuế cứ dài ra. Theo Chi cục Thuế huyện Mang Thít, đến nay, nợ tiền thuế và tiền phạt nộp chậm đã lên tới gần 30 tỉ đồng.

Khéo chèo, vẫn... mắc cạn

Từ năm 2008, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, sản lượng gốm xuất khẩu đã giảm mạnh do cạnh tranh giảm giá, đơn hàng ít. Nhiều doanh nghiệp gốm đã chuyển qua những ngành nghề khác như đóng tàu, sản xuất và chế biến thủy sản, lập trang trại chăn nuôi, đầu tư bất động sản... Tuyến cụm công nghiệp Cổ Chiên như “bùng nổ” với hàng loạt xưởng đóng tàu, sà lan vô cùng nhộn nhịp. Còn bên cạnh lò gốm thì nhiều nhà máy chế biến thủy sản đã mọc lên. Thời gian đầu có những trang trại đầu tư bài bản, nuôi thủy sản theo quy trình đạt chuẩn như của Tư Thạch, Năm Vàng, Mười Mai… nên làm ăn hiệu quả, có tích lũy để tái đầu tư mở rộng. Thế nhưng, trước tình trạng suy thoái kéo dài trong nhiều năm qua, doanh nghiệp cũng dần kiệt sức.

Ông Võ Văn Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Tư Thạch, cho biết những năm qua công ty không ngừng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hiện đã có đến 9 trại gà, 4 trại heo. Những năm đầu làm ăn rất hiệu quả nhưng từ năm 2010-2011, lãi suất ngân hàng, giá điện, xăng dầu, lương công nhân đều tăng nên doanh nghiệp không còn lời; nguồn vốn để tái sản xuất ngày càng giảm. Cũng đi lên từ gạch gốm và mở rộng đầu tư kinh doanh xăng dầu, nuôi trồng thủy sản, ông Bùi Hữu Mai đúc kết: “Bám thủy sản hơn 10 năm, tui thấy nuôi cá cũng rất bấp bênh, rủi ro lớn”.

Theo báo cáo của Cục Thuế Vĩnh Long, đến cuối tháng 3-2012, số tiền nợ thuế và tiền phạt của doanh nghiệp trong tỉnh đã lên tới trên 335 tỉ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp tiền phạt nộp chậm lên tới 40-50%, thậm chí cao hơn tiền nợ thuế. Ông Nguyễn Văn Lượng, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp đang rất nguy kịch, nợ thuế là bất đắc dĩ. Họ làm ăn đàng hoàng nhưng do tình hình chung, làm ăn thua lỗ thì lấy gì đóng thuế. Cho nên cần xác định nguyên nhân cụ thể để có giải pháp hỗ trợ kịp thời”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước phải khoanh, giãn nợ và giảm ngay lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái đầu tư, tăng năng lực sản xuất. “Hiện tại dù làm giỏi bao nhiêu cũng chỉ đủ đóng lãi ngân hàng”, ông Tư Thạch bộc bạch. Nhìn xa hơn, một giám đốc doanh nghiệp ngậm ngùi: “Gạch - gốm làm sao sống nổi khi bất động sản đóng băng. Còn ai làm nhà đâu mà mua gạch, mua gốm? Tui nghỉ sản xuất, tài sản nhà cửa cũng đủ để trả nợ, chỉ sợ công nhân thất nghiệp, lại sanh tật đi ăn trộm ăn cắp”. Anh Chênh, chủ ghe cung cấp trấu cho các lò gạch, cũng đồng tình: “Chủ lò ngưng hoạt động, tụi tui cũng phải “lên bờ”. Mà lên bờ thì biết làm gì, chỉ nhậu nhẹt cho qua ngày”.


Theo thoibaokinhte
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

92
Đang xem:
74.214.131
Tổng truy cập: