LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng đá Long Châu Miếu một thuở thăng trầm
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 730)

Khó tìm ở đâu làng nghề nào lại có những bước thăng trầm bằng cái làng nghề tạc đá duy nhất ở Hà Nội. Trải qua hàng trăm năm, tưởng rằng làng nghề tạc đá Long Châu Miếu (Phụng Châu-Chương Mỹ-Hà Nội)đã tàn lụi theo thời gian...

Nhưng bằng sự đam mê, lòng nhiệt huyết với nghề cha truyền những thế hệ đi sau đã làm hồi sinh làng đá.

Một thời tàn lụi

Nằm trong khu di tích chùa Trầm lịch sử, làng Long Châu Miếu cái tên mang đậm chất cổ kính. Bẵng đi hàng chục năm trong làng không còn nghe tiếng búa, tiếng đục, khoan "ăn" vào đá quen tai thế mà giờ mọc lên hàng chục xưởng chế tác đá đồ sộ. Đi đến đâu cũng thấy tiếng lách cách, rộn ràng, làng nghề như có một sức sống mới sau quá trình "hồi sinh".

Các sản phẩm hoàn thiện từ đá

Không ai còn nhớ làng nghề có từ bao giờ nhưng tính theo những thế hệ thợ đá tiền bối đã đi qua thì nghề tạc đá ở Long Châu Miếu đã có hàng trăm năm tuổi. Một thời gian dài chính những người thợ giỏi của làng đã bỏ tay đục, tay búa vì nghề đá nhọc nhằn quá mà không có đủ miếng cơm ăn, manh áo mặc. Họ bỏ làng, bỏ nghề đá nặng nhọc đi học cái việc nhàn hạ hơn và nghề chạm khắc đá gần như bị xóa sổ.

Những truyền nhân cuối cùng của làng lúc bấy giờ đều cảm thấy xót xa vì thanh niên, trai tráng trong làng quay lưng lại với nghề truyền thống. Trong suy nghĩ ngay cả những người đã từng sống, gắn bó với nghề trước đây cũng không muốn truyền đời cái nghề này lại cho hậu thế. Làm gì thì làm chứ đừng đam mê cái nghiệp đá làm gì. Thâm tâm họ nghĩ như vậy.

Thời gian đó, cả làng chỉ còn lại một vài gia đình còn làm nghề nhưng chỉ làm bia mộ, bia công đức. Một số thợ tài hoa còn lưu luyến nghề muốn khôi phục nhưng lực bất tòng tâm đành phải bỏ quê vào tận Đà Nẵng, Ninh Bình… làm thuê cho các xưởng đá. Ông Nguyễn Văn Củng, một nghệ nhân tài hoa trong nghề chạm khắc đá ở Long Châu Miếu cho biết: "Nghề tạc đá gian nan, đòi hỏi thời gian, công phu nhưng thu nhập lại rất thấp. Người ta bỏ nghề vì không kiếm được tiền từ công việc nặng nhọc, họ đi kiếm công việc khác dù làm thuê, làm mướn còn hơn là ở nhà làm đá".

Sản phẩm đá Long Châu Miếu dù tinh xảo đến mức nào thì cũng không bán được vì nhu cầu đồ đá khi ấy của người dân còn ít. Trong khi đó làng nghề lại khủng hoảng về nhân lực có tay nghề cao và nguồn vốn quá hạn hẹp. Người ta nghĩ đến ngày làng nghề biến mất hơn là khôi phục lại vì điều đó là vô cùng khó. Cùng thời gian đó, các làng nghề trên địa bàn Hà Tây cũ cũng đang bị thoái trào. Một phong trào loại bỏ nghề truyền thống tìm phương pháp sản xuất, kinh doanh mới len lỏi vào các làng nghề trong đó có Long Châu Miếu. Vì thế mà không có gì khó hiểu khi làng đá không làm đá mà làm các hàng mây tre, đan lát. Ngay cả những gia đình khắc bia mộ cũng là bất đắc dĩ không tìm được công việc nào khác nên mới bám lại với đá. Đời sống khó khăn càng làm cho suy nghĩ về nghề đá dần biến mất, lãng quên trong một thời gian khá dài.

Hồi sinh làng đá

Khát khao về một ngày hoàng kim của làng Long Châu Miếu, một số nghệ nhân của làng bỏ công sức ra phục dựng. Đó là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng, trăn trở suy nghĩ của các nghệ nhân bởi không ít người cho rằng việc làm đó chỉ tốn công vô ích.

Ông Nguyễn Văn Củng khi đó đã gần bước sang tuổi "cổ lai hy" nhưng là người khởi xướng và đi tiên phong. "Cái khó của việc cứu vãn làng nghề là khơi dậy lòng đam mê cho giới trẻ. Vì chính sự thờ ơ của thế hệ đi sau đã khiến làng nghề có nguy cơ tàn lụi. Nhưng có điều, vốn dĩ công việc đã nặng nhọc mà lại không nuôi sống được bản thân thì dù đam mê đến mấy họ cũng bỏ cuộc"-ông Củng tâm sự. Chính vì thế mà bản thân ông Củng cứ băn khoăn phải làm sao để thợ chạm khắc đá phải sống được bằng chính nghề đá.

Thợ tạc đá ở Long Châu Miếu

Ông Củng và một số người tâm huyết đi vận động thanh niên tham gia học nghề do chính ông mở xưởng dạy. Lớp học nghề không cần học phí lại được lo ăn, ở và tiền sinh hoạt hàng tháng. Không chỉ có thanh niên trẻ trong làng mà cả những người trung tuổi, những người ở miền quê khác cũng xin được vào học nghề, lúc đầu chỉ có vài người sau tăng thêm hàng chục người. Xưởng đá nhỏ dưới chân núi Trầm của ông Củng trở thành cái nôi đào tạo ra những thế hệ thợ đá tài hoa mới cho làng Long Châu Miếu.

Đầu năm 2000, lớp thợ chạm khắc đá đầu tiên do ông Củng đào tạo "tốt nghiệp" tỏa đi khắp các làng nghề chạm khắc đá trên mọi miền đất nước. Xưởng đá nhỏ của ông cũng được mở rộng hơn để thu hút những học viên giỏi, thạo nghề ở lại làm. Như một vết dầu loang, những thanh niên sau khi học nghề có người đã tự vay vốn đứng ra mở xưởng chạm khắc đá riêng. Quy mô làng nghề ngày một lớn với hàng chục xưởng đá, công ty chạm khắc đá mỹ nghệ lớn. Trong số đó, có ba người con trai của ông Nguyễn Văn Củng đều là những ông chủ tầm cỡ ở Long Châu Miếu.

Đặc biệt, người con trai út là anh Nguyễn Văn Trường đã quyết định từ bỏ nghề giáo viên để thực hiện ước mơ phục chế những tinh hoa dân tộc từ những hòn đá vô tri. Anh Trường tâm sự: "Nếu có sự đam mê thực sự thì khó ai dứt được cái nghề chạm khắc đá. Xuất phát từ ý nghĩ phải làm làng nghề đá phát triển rực rỡ hơn, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn nên tôi quyết định vay vốn gây dựng xưởng chế tác đá".

Nếu trước đây, những thợ đá giỏi ở Long Châu Miếu phải lặn lội xuống Ninh Bình vào Đà Nẵng mưu sinh thì nay các thợ đá tứ phương lại tìm về đây để học hỏi, làm nghề và trau dồi kinh nghiệm. Với nhu cầu sản phẩm chế tác từ đá ngày càng đa dạng nên các thợ đá ở Long Châu Miếu có thu nhập hàng tháng khá ổn định từ 4-5 triệu đồng/người. Riêng với những thợ có tay nghề cao thì mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người.

Đó là kết quả của sự kiên trì phục dựng nghề đá cổ mà những người giàu tâm huyết đã phải rất kỳ công mới thực hiện được. Giờ về làng đá Long Châu Miếu không ít người phải ngỡ ngàng, trầm trồ khen ngợi sự tài hoa của thợ đá nơi đây. Và, choáng ngợp trước những tác phẩm, những công trường chế tác đồ sộ mà chỉ chục năm trước tưởng như đã hoàn toàn biến mất.

Những bước đi lên của làng nghề tạc đá Long Châu Miếu là một sự đột phá từng bước lấy lại thương hiệu, phục dựng làng nghề. Và đó, cũng là một bài học cho nhiều làng nghề truyền thống khác ở nông thôn đang dần biến mất.

Theo congly
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

28
Đang xem:
74.247.262
Tổng truy cập: