LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Sẽ có một... làng nghề cắt tóc được phục dựng?
(Ngày đăng: 12/07/2012   Lượt xem: 741)

Sự mặc cảm với ý nghĩ, cái nghề cắt tóc là một nghề hèn kém, chỉ là nghề cùng đường của những ai sa cơ lỡ vận... đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Lớp trẻ làng Kim Liên đổ xô vào những ngành nghề đang "hót" nhất.

Kỳ 1: Bi hài 'hợp tác xã cắt tóc' Hà Thành

Trong tâm tưởng của những người đã từng gắn bó với "cái nghiệp" dao kéo, tông-đơ, dao cạo... mấy thập kỷ, những người "sinh nghề tử nghiệp", sống chết với nghề, những thao tác cần thiết ấy không chỉ có ý nghĩa giúp họ mưu sinh, mà nó còn là niềm tự hào, là lòng tự trọng, và cả danh dự suốt một đời đeo đuổi.

Cụ thợ cạo già Nguyễn Văn Mậu cứ hấp háy đôi mắt già nua, và đay đi đay lại, rằng: "nghe đâu, phường đang ấp ủ cái dự án sẽ xây dựng một phố nghề cho những người thợ cắt tóc Kim Liên, ở chính cái làng đã sinh ra nghề vít đầu thiên hạ này! Nếu được như thế, tụi già chúng tôi sẽ yên lòng mà ra đi...".

Giấc mơ" tưởng như hoang đường của cụ cả Mậu, không phải không có cơ may trở thành hiện thực...

Bao giờ trạch đẻ ngọn đa...

Trong trí nhớ của những người thợ cả, lứa cụ Tư Hinh, cụ cả Mậu, thì nghề cắt tóc đã ăn ở với người dân làng Kim Liên từ lâu lắm. Nghĩa là, trong niềm tự hào của người dân Tràng An về Hà Nội có 36 phố phường, với những phố nghề có hàng trăm năm tuổi, thì cái làng nhỏ bé, quê mùa nằm vòng ngoài thành Hà Nội xưa kia, cũng góp cho đất kinh kỳ một nghề đặc biệt.

Xưa, làng Kim Liên có nghề cạo mặt, cạo tóc trái đào cho trẻ con, bởi vì thời phong kiến, đàn ông búi tó củ hành, trước khi thực dân Pháp sang xâm chiếm Việt Nam, chưa có khái niệm... cắt tóc.

Theo những biến cố lịch sử, sự du nhập của văn hóa phương Tây vào đất nước, đàn ông con trai dần dần bỏ tóc dài, để tóc ngắn. Sự thay đổi về mặt tư tưởng cùng với sự có mặt của binh lính Pháp tại Việt Nam trong cuộc xâm chiếm từ những thập niên cuối của thế kỷ 19, nghề cắt tóc đã ra đời.

Bên cạnh dụng cụ chủ yếu là dao cạo, và những người thợ cắt tóc làng Kim Liên khi ấy mới chỉ được gọi là những người thợ cạo, người Pháp đã đưa sang những dụng cụ mới, đó là kéo, tong đơ, dao cạo lá lúa... và nghề cắt tóc ra đời!

Ông chủ tịch UBND phường Phương Liên, Bùi Minh Hoàng, người quyết tâm phục hồi lại làng nghề cắt tóc. Ảnh Di Linh

Trong câu chuyện truyền miệng của dân làng Kim Liên, thì nghề cạo mặt, gọt đầu mà người làng có được, chính là nhờ ông thầy địa lý Tả Ao dạy cho dân làng.

Số là, trước kia, Kim Liên và Trung Tự vốn là một làng. Trung Tự chỉ là một trong chín giáp của Kim Liên. Sau đó, Trung Tự theo con đường học hành, có người đỗ tiến sỹ, vinh quy bái tổ được vua cắt đất cho hưởng bổng lộc.

Làng Trung Tự phát về đường khoa bảng. Kim Liên là làng thuần túy làm nghề nông. Cách nhau một con sông, nhưng sự giàu có, sang hèn giữa hai làng đã có sự chênh lệch nhìn thấy được.

Thầy địa lý Tả Ao đi qua, thương tình mà rằng: sẽ cho dân làng Kim Liên một cái nghề, dù là lao động chân tay, không những giúp người làng Kim Liên cũng đủ để nuôi sống, mà còn có điều kiện để xóa đi sự hèn kém so với làng láng giềng, cái nghề mà bất kể giàu nghèo, sang hèn, đều phải để cho người Kim Liên nắm tóc, vít đầu... Ấy là nghề cắt cạo.

Câu chuyện huyền thoại, có thể được sinh ra từ sự vui tính và xởi lởi của một ông thợ cạo nào đấy, hoặc giả nó là sự cắt nghĩa cho một điều mà bất cứ bậc cao niên trong làng nghề cắt tóc Kim Liên nào cũng phải lắc đầu không biết, bởi trong lịch sử các làng nghề truyền thống của Việt Nam, làng cắt tóc Kim Liên có lẽ là làng duy nhất không có... ông tổ nghề.

Cụ Tư Hinh bây giờ đứng ra đảm nhiệm việc hương khói thành hoàng làng ở đình Kim Liên, cứ lắc đầu quầy quậy: "Không ai biết được ông tổ nghề là ai cả. Cái nghề này, cứ thế hệ trước truyền thế hệ sau. Từ khi chúng tôi sinh ra nó đã có rồi. Lịch sử của nó, cũng thăng trầm như bất cứ nghề nào khác thôi, anh ạ. Nhưng không vì điều đó mà chúng tôi không dám thừa nhận, nó là nghề đã gắn bó và nuôi sống biết bao thế hệ người làng Kim Liên...".

Người thợ cạo cả Mậu (phải): "nếu mở làng nghề, chúng tôi sẽ cùng góp sức..." Ảnh Di Linh

"Cắt tóc không phải là nghề hèn hạ!"

Người ấp ủ ý tưởng sẽ phục dựng làng nghề cắt tóc Kim Liên, đó là ông chủ tịch phường còn rất trẻ, Bùi Minh Hoàng.

Ba, bốn năm trước, khi vừa nhận chức chủ tịch phường Phương Liên, ông "chủ tịch phường trẻ nhất Hà Nội" sinh năm 1971, bấy giờ đã nghĩ đến chuyện sẽ khôi phục một làng nghề cắt tóc, tổ chức những điểm cắt tóc do chính những người thợ làng Kim Liên đứng ra đảm nhiệm, tại chính làng Kim Liên của mình.

Bên cạnh đó, sẽ có những lớp dạy nghề cắt tóc cho lứa thanh niên làng Kim Liên. Những bậc cao tuổi, có thâm niên trong nghề sẽ đứng ra truyền nghệ cho lũ trẻ. Âu cũng là cách thức để giữ lại những ngón nghề, bảo tồn nó, tránh cho nó khỏi nguy cơ mai một theo thời gian, theo sự "rơi rụng" theo quy luật tạo hóa của những người thợ cạo như cụ Mậu, cụ Tư Hinh, cụ Cam...những bảo tàng sống hiếm hoi đang còn lại.

Ý tưởng của anh đưa ra, được các cụ đồng tình hưởng ứng. Bởi, đấy cũng là nỗi niềm đau đáu của những người có trách nhiệm với làng nghề. Cụ Cam, cụ Tư Hinh, cụ cả Mậu tình nguyện làm thợ cả chỉ bảo cho lũ trẻ, cũng là tạo công ăn việc làm cho tụi nhỏ... Tất nhiên, kế hoạch trong ý tưởng bao giờ chẳng suôn sẻ, thế nhưng, thực hiện được nó cũng lắm cam go.

Trước tiên, ấy là sự không mấy mặn mà của lũ trẻ. Sự đô thị hóa cùng với sự thay đổi trong tư duy của thế hệ thanh niên làng Kim Liên bây giờ đã trở thành cản trở lớn nhất cho giấc mơ làng nghề cắt tóc được trở lại những thời kỳ hoàng kim của nó, thời kỳ những năm 1945, thời kỳ hòa bình lập lại.

Sự mặc cảm với ý nghĩ, cái nghề cắt tóc là một nghề hèn kém, chỉ là nghề cùng đường của những ai sa cơ lỡ vận... đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Lớp trẻ làng Kim Liên đổ xô vào những ngành nghề đang "hót" nhất.

Cái khó khăn nữa, ấy là địa điểm mở quán. Vỉa hè, lòng đường không phải là nơi để người thợ cắt tóc cứ muốn là treo gương, kê ghế ngồi hành nghề như vài năm về trước.

Khách hàng cũng không dễ dãi và xô bồ với những cửa hiệu tạm bợ như thế. Họ không thể bỏ một tiệm cắt tóc cửa kính, phòng máy mát lạnh... để vào cắt tóc ở một điểm cắt tóc vỉa hè như thế, đấy là chưa nói đến, không phải người khách nào cũng biết được "tiếng" của một làng nghề tài hoa có tuổi nghề vài trăm năm.

Những thử thách ấy, khiến cho những người tiền nhiệm trước của anh Hoàng, đều có chung một ý tưởng là sẽ khôi phục lại làng nghề, nhưng rồi cứ lần lữa mãi chưa thực hiện được.

Đến nhiệm kỳ của ông chủ tịch mới, "động thái" đầu tiên của dự án khôi phục làng nghề, ấy là mở các cuộc thi tay nghề giữa các tay kéo Kim Liên, chọn ra "tay kéo vàng" của làng.

Bốn mùa lễ hội đã qua. Bốn "cao thủ" làng kéo đã được vinh danh.

Phường đang làm bản đề án trình lên UBND Thành phố Hà Nội, xin tuyến hè phố dọc phố Đào Duy Anh, dài chừng hai, ba chục mét để phục dựng làng nghề.

"Chúng tôi chỉ xin thành phố đúng vài chục mét hè đường thôi. Trong lúc quỹ đất ngày càng hẹp, tấc đất tấc vàng, xin một khu đất để mở một tổ hợp cắt tóc kiểu hợp tác xã thuở trước là điều không thể. Vài chục mét hè phố ấy, chỉ cần lám mái hiên di động, có ghi tên làng nghề cắt tóc Kim Liên. Chừng vài chục điểm như thế, dưới bóng cây, cũng đủ để anh thợ cạo Kim Liên giang hồ một cõi. Nhưng bậc cao niên trong nghề, trực tiếp đứng ra chỉ đạo thế hệ trẻ. Đấy cũng là niềm ao ước của cả làng nghề" - chủ tịch Hoàng tâm sự.

Cụ cả Mậu tỷ mẩn lục trong đống đồ cũ của mình, mang ra những kỷ vật. Người già, những món đồ cũ kỹ, món nào cũng là những mảnh vỡ của ký ức.

Một người bạn đồng niên của cụ Mậu cũng làm cái nghề vít đầu, nắm tóc, mang theo cái nghề ấy mà bôn tẩu khắp đất nước, đến lúc xế chiều, nhớ quê, nhớ nghề mà làm một bài thơ tự trào. Thơ rằng:

Phận tôi thợ cắt tóc từ lâu

Suốt tháng, quanh năm vít cái đầu

Chỉ tai nghề này hay nắm tóc

Cho nên vất vả khó làm giàu

Véo tai, bẻ cổ, đè mà cạo

Bé lớn như nhau nắm cái đầu

Chỉ muốn làm cho ai cũng đẹp

Tâm người thợ - có kể công đâu!

Theo vietnamnet

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

68
Đang xem:
74.215.552
Tổng truy cập: