Đã
xa rồi, cái ngày cả con phố Đồng Tiến (xưa) nhộn nhịp người vào kẻ ra,
với những người thợ cắt tóc nổi tiếng tài hoa bậc nhất nhì cả nước, cũng
không còn những kiểu đầu "mai xanh trắng gáy" được xem là kiểu mẫu một
thời, nay chỉ còn là vang bóng...
“Kim Liên đệ nhất kéo” - Phạm Duy Hào đang cắt tóc cho khách
Danh thơm “vít đầu thiên hạ” nức tiếng một thuở
Hợp
tác xã Đồng Tiến thuộc phường Kim Liên (nay là Phương Liên, Đống Đa, Hà
Nội) sau bao nhiêu năm giờ đây đã đổi khác nhiều. Thay vào những quán
hàng cắt tóc với những tay thợ suốt ngày múa máy cây kéo, tông - đơ, dao
cạo, thì giờ đây mọc lên san sát cửa hàng sang trọng, quần áo, mỹ
phẩm... Những cửa hàng cắt tóc sót lại của làng không nhiều, vì hầu hết
đều di tản rải rác, có người còn hành nghề mưu sinh tận Sài thành xa
xôi.
Ngày
ấy, khách đến với hợp tác xã nhiều, đủ mọi thành phần, lứa tuổi nhưng
tịnh là nam giới, thậm chí du khách đến với Hà Nội cũng mong muốn một
lần tìm đến Đồng Tiến để thử tài nghệ của thợ kéo nơi đây. Mà giờ những
truyền nhân cuối cùng còn sót lại mỗi khi kể lại "thời kỳ vàng son" của
nghề được gọi vui là "vít đầu cưỡi cổ thiên hạ" này không khỏi lâng lâng
tự hào.
Được
giới thiệu về một người con của làng Kim Liên - nghệ nhân cuối cùng còn
sót lại của hợp tác xã cắt tóc Đồng Tiến, tôi tìm đến căn nhà 5 tầng số
52 Xã Đàn, nơi cư ngụ của nghệ nhân Phạm Duy Hào, "cao thủ vít đầu
thiên hạ" nổi danh hơn 30 năm qua. Trong căn phòng tầm 20m2, có vài vị
khách đang ngồi đọc báo để chờ đến lượt mình.
Khách
đến đây hầu hết là khách quen của anh, đã gọi điện thoại đặt lịch trước
đó, vì dù có khách quen thân đến mấy nhưng không đặt lịch trước thì anh
cũng không cắt, đó là nguyên tắc của "cao thủ" này. Vừa "tung chiêu múa
kéo" cắt tóc cho khách, anh Hào vừa xởi lởi tiếp chuyện chúng tôi về
chuyện nghề, chuyện đời hào hoa và cũng nhiều giông bão của mình.
Anh
Hào cháu nội của cụ Phạm Duy Hiển, người nổi tiếng với tay kéo tài hoa,
tinh tế nhất Hà thành của thế kỷ trước, từng được vua Bảo Đại "chiêu
nạp" để chuyên chăm sóc "cái góc" của mình, ra Bắc vào Nam, thậm chí
sang cả Angieri chỉ để lo chuyện đầu tóc cho vua cũng như các hoàng tử,
công chúa của cung đình Huế.
Sau
khi về làng nghỉ ngơi, cụ Hiển tiếp tục mở thêm các tiệm cắt tóc trên
một số tuyến phố ở Hà Nội như Hàng Đào, Hàng Quạt, Hàng Bông, Kim
Liên... Trong những ngày ông nội hành nghề, anh chỉ thực hiện nhiệm vụ
là phụ kéo, quét tóc trong tiệm giúp ông lúc đông khách.
Anh
kể lại với giọng tự hào: "Ông nội tôi ngày trước, mỗi lần vung tay múa
kéo cứ như làm ảo thuật. Ông thao tác nhanh, chuẩn và khéo léo đầy chất
nghệ thuật. Rồi nghề cắt tóc từ ông nội, bố ngấm sang tôi lúc nào không
hay. Cho đến khi ông nội mất, bố anh là cụ Đảng lên làm Chủ nhiệm hợp
tác xã cắt tóc lúc bấy giờ. Ông sinh được 4 người con nhưng chỉ có Phạm
Duy Hào là truyền nhân của gia đình. Bởi vì từ bé, cậu bé Hào đã sớm bộc
lộ năng khiếu và đam mê với cái nghề tài hoa, tinh tế này. Từ niềm đam
mê cháy bỏng với nghề lại được đào tạo bài bản nên tay nghề Phạm Duy Hào
ngày một nâng cao rõ rệt.
Thời
ấy, nghề cắt tóc rất "kén" người, thợ cắt tóc muốn hành nghề phải trải
qua đào tạo, phải được cấp bằng "hành nghề" do Công ty Quản lý ăn uống
và phục vụ Hà Nội (nay là Xí nghiệp Dịch vụ du lịch Hanoi Toserco) cấp.
Hàng tháng, hợp tác xã tổ chức các cuộc thi sát hạch, nâng cao tay nghề
của các nghệ nhân để xếp cấp bậc, người nào không đủ "tay nghề" sẽ bị
xuống bậc hoặc bị loại, không được hành nghề cắt tóc trong hợp tác xã
nữa".
Phạm Duy Hào - nghệ nhân cuối cùng của hợp tác xã Kim Liên
Cho
đến bây giờ, đã là một người thợ cả thành danh, được nhiều người ngưỡng
mộ nhưng ít ai biết rằng ban đầu Phạm Duy Hào không có ý định theo nghề
cắt tóc theo truyền thống của gia đình mà lựa chọn cho mình nghiệp thể
thao. Anh từng học chuyên ngành thể thao tại Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng
hình như nghề cắt tóc đã ngấm vào máu, anh từ giã nghiệp thể thao quay
trở lại với nghề dao kéo.
Cầm
kéo được bao nhiêu năm, không thể đếm xuể số khách hàng mà anh đã từng
cắt, khách thì nhiều vô kể từ khách bình dân đến những vị lãnh đạo,
nguyên thủ cũng đều thích được anh cắt tóc.
Có
khách hàng đã là khách quen của anh từ mấy chục năm nay, cứ đều đặn đến
với cửa hàng anh mỗi tuần để được anh "làm đẹp" cho mái tóc của mình.
Có người chỉ cần nghe tên của anh là nằng nặc đòi anh cắt tóc một lần để
làm kỷ niệm.
Phạm
Duy Hào bồi hồi nhớ lại: "Có một vị khách mà tôi nhớ nhất, đó là lúc
người ấy đang hấp hối và có một mong ước duy nhất là được tôi cắt tóc
cho trước khi gần đất xa trời. Chính điều đó làm tôi cảm động, không
ngại đường sá xa xôi, tôi đã tìm về tận nơi để thực hiện ước nguyện cuối
cùng của người ấy".
Giải thưởng Cây kéo vàng
Khát khao sống lại làng nghề
Cắt
tóc thì dễ, nhưng muốn cắt được đẹp thì nhất thiết phải quan sát bờ
vai, cổ, khuôn mặt của mỗi người để định hình được kiểu tóc phù hợp
nhất. Và dụng cụ cắt tóc của anh cũng thật đặc biệt: Cây kéo anh đặt từ
Nhật Bản, cây tông đơ của Pháp...tất cả những vật đó tuy không phải là
hàng hiếm nhưng là những dụng cụ được lựa chọn tỉ mỉ để làm cho những
đường kéo thêm tinh tế và sắc sảo.
Phạm
Duy Hào đúng là không hổ danh người có đôi bàn tay vàng. Anh cũng là
người 3 năm liền (2005 - 2006 - 2007) đoạt danh hiệu "Tay kéo vàng" của
làng Kim Liên. Còn mấy năm nay, anh vẫn tham gia hội thi của làng nhưng
với cương vị là ban giám khảo. Anh tâm niệm: "Bây giờ nhiều người vẫn
nghĩ nghề cắt tóc tầm thường, rẻ mạt chỉ là nghề phụ, mưu sinh trong
những lúc sa cơ lỡ vận, chẳng cần học hành bài bản gì.
Chỉ
cần ít đồ nghề như: Dao kéo, tông đơ, máy sấy... thì ai cũng làm thợ
cắt tóc được. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm vì với những người thợ cạo
chính tông đất Kim Liên như anh thì nghề cắt tóc là nghề cao quý, nghề
làm đẹp cho người, cho đời, xứng đáng được trân trọng và tôn vinh".
Làm
nghề đã hơn 30 năm có lẻ nhưng chưa bao giờ anh quên được những ngày
tháng trù phú của hợp tác xã Đồng Tiến năm xưa. Điều đó càng thôi thúc
anh khát khao khôi phục lại nghề truyền thống. Hiện tại, anh cùng với
ông Bùi Minh Hoàng - chủ tịch UBND phường Phương Liên đang tiến hành xin
giấy phép diện tích đất để xây dựng hợp tác xã cắt tóc.
"Lớp
trẻ bây giờ ở làng hầu như đã quên dần nghề của ông cha truyền lại, họ
thờ ơ và không mấy mặn mà với nghề cắt tóc. Có lẽ một phần do tư duy của
lớp trẻ cũng như nhận thức về nghề cắt tóc còn nhiều ấu trĩ khiến cho
làng nghề đã mai một theo thời gian" - anh Hào tâm sự.
Đang
ấp ủ một ước mơ về sự trỗi dậy sống lại của làng nghề cắt tóc năm xưa,
anh sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc của mình trong công cuộc phục hưng
đó. “Tôi sẵn sàng đào tạo cho thế hệ trẻ để các em, các cháu biết đến
nghề và sống với nghề" - Phạm Duy Hào chia sẻ với giọng chắc nịch.
Theo nguoiduatin