Hơn đâu hết đất Thăng Long xưa - Hà Nội
nay là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển
của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống mà còn là dấu ấn
truyền thống văn hoá dân tộc tại mỗi thời kỳ. Làng nghề thủ công ở Hà
Nội có rất nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần
nhỏ trong tổng số làng nghề. Ða phần đều được di dời từ nơi khác về...
Các làng nghề chủ yếu ở Hà Nội như: làng đồ vàng bạc – kim hoàn, làng
gốm Bát Tràng, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng giấy Yên Thái, những làng
hoa, làng vải Ninh Hiệp, làng lụa Vạn Phúc…
Hà Nội trước kia đã nổi tiếng với những làng nghề phong phú, thể hiện
qua câu thành ngữ quen thuộc "Hà Nội 36 phố phường". Theo thời gian, bộ
mặt đô thị của khu phố cổ đã có nhiều thay đổi, nhưng những con phố nơi
đây vẫn giữ nguyên những cái tên thuở trước và không ít trong số đó vẫn
là nơi buôn bán, kinh doanh những mặt hàng truyền thống cũ.
Hàng Bạc xưa
Nằm trong trung tâm khu phố cổ, phố Hàng Bạc
trước đây là nơi tập trung những người sinh sống bằng các nghề đúc bạc
nén, kim hoàn và đổi tiền. Những thợ kim hoàn của Hàng Bạc có kỹ thuật
tinh xảo, xuất thân từ các làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng của miền
Bắc Việt Nam.
Còn làng Bát Tràng
nằm ở phía Nam thành phố, từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm gốm mang tên
chính ngôi làng này “gốm bát tràng”. Làng xuất hiện vào thế kỷ 14 khi
những người dân làm gốm đến từ một số tỉnh phía Bắc tụ họp về đây lập
nên ngôi làng mới mang tên Bát Tràng. Những người dân Bát Tràng trước
kia ít sống với nghề gốm và nông nghiệp, chủ yếu buôn bán cau khô, nước
mắm. Nghề gốm ở đây chỉ thực sự phát triển sau năm 1954, khi miền Bắc
Việt Nam bước vào thời kỳ hòa bình. Nhiều mẫu mã, các loại men truyền
thống được những nghệ nhân của làng phục hồi, sản phẩm gốm Bát Tràng
nhanh chóng đạt được danh tiếng. Bát Tràng hiện nay không chỉ là một
làng nghề sản xuất thuần túy. Với nhiều công trình tín ngưỡng, văn hóa
cùng sản phẩm gốm nổi tiếng, ngôi làng trở thành một địa điểm du lịch
thu hút của thành phố Hà Nội.
Trưng bày đầy đủ các loại hàng bằng gốm
Một làng nghề nổi tiếng khác của Hà Nội ngày nay là làng lụa Vạn Phúc, vốn thuộc thành phố Hà Đông
trước đây. Sản phẩm lụa của làng từ rất lâu đã nổi tiếng với tên gọi
“lụa Hà Đông”. Trải qua thời gian, nghề lụa trở thành nghề truyền thống
của Vạn Phúc. Ngày nay, phần lớn các gia đình ở đây vẫn sống bằng nghề
dệt. Các sản phẩm rất phong phú, đa dạng và được các cửa hàng trong và
ngoài thành phố thường xuyên đặt hàng. Thăm làng lụa Vạn Phúc - du
khách sẽ thấy mỗi nhà dân là một xưởng dệt lụa, những tấm
lụa tơ tằm mang những màu sắc ưa nhìn luôn luôn là món quà hấp
dẫn nhiều du khách từ phương xa đến.
Những dải lụa trải dài vô tận
Làng giấy Yên Thái nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Yên Thái còn có tên là
làng Bưởi. Từ xưa, những người thợ thủ công ở đây đã làm ra những loại
giấy đặc biệt cho triều đình phong kiến như giấy thị, giấy lệnh. Những
sản phẩm chủ yếu của Yên Thái là giấy bản để in sách hoặc để viết chữ
Nho (bằng bút lông, mực tầu) và giấy dó (để in tranh dân gian).
Trước đây, bên cạnh những phố phường đông đúc, Hà Nội có những làng trồng hoa nổi tiếng: Ngọc Hà, Nghi Tàm,
Nhật Tân, Quảng Bá... Hầu hết những làng này đều nằm ở ven Hồ Tây, một
thắng cảnh nổi tiếng của đất Hà Nội. Cứ mỗi nǎm vào dịp Tết, dưới làn
mưa xuân lất phất, các ngả đường Hà Nội lại nườm nượp những gánh hàng
hoa với trǎm ngàn màu sắc. Còn bây giờ có Thôn Phú Thượng, thuộc huyện Từ Liêm
ở ngoại thành Hà Nội, hiện đang nổi lên như một nơi chủ yếu cung cấp
hoa và cây cảnh cho Hà Nội. Nghề trồng hoa ở các làng hoa Hà Nội cũng là
một nghề truyền thống, được truyền từ nhiều đời. Cùng với nhiều giống
hoa mới, và kỹ thuật lai tạo, trồng tỉa các làng hoa Hà Nội hàng ngày
vẫn làm đẹp cho thủ đô bằng hàng chục, hàng trǎm loại hoa và cây cảnh.
Các loài hoa vươn mình khoe sắc
Còn ở một số phố cổ khác như: phố Hàng Thiếc, xưa chuyên sản xuất và
bán các loại hàng thiếc như đèn dầu, ấm trà... Ngày nay, sản phẩm được
thay bằng các loại nhôm kính, bể nước treo... Phố Hàng Ðồng nguyên là
đất thôn Yên Phú tổng Tiền Túc do dân làng Cầu Nôm (Mỹ Hào, Hưng Yên)
đến đây mở hiệu buôn bán các loại đồ đồng. Phố Hàng Quạt trước đây sản
xuất và bán các loại quạt do thợ làng Vác (Canh Hoạch, Hà Tây) làm ra,
nay chuyển sang sản xuất và bán các loại bàn thờ, đồ thờ, câu đối...
Nhìn chung các làng nghề của Hà Nội dù đã có nhiều đổi thay song vẫn giữ được bản sắc vốn có của nó.
Theo 360pho.vn