Đến Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào dịp
cuối năm, chúng tôi được nghe kể về nhiều làng nghề mộc đóng đồ thờ có
uy tín, được khách hàng trên cả nước ưa chuộng. Đây là hướng đi mới cho
làng nghề mộc truyền thống ở Nghệ An.
Dịp cuối năm, trời se lạnh, chúng tôi về Quỳnh Hưng, vùng quê ven biển
Quỳnh Lưu, bắt gặp không khí rộn ràng của một làng nghề mộc truyền
thống. Bên cạnh việc sản xuất các đồ mộc dân dụng, Quỳnh Hưng có khá
nhiều cơ sở sản xuất đồ thờ cúng với quy mô khá lớn.
Cây cồng vài chục năm tuổi trong khuôn viên UBND xã Quỳnh Hưng
Ông Phạm Đức Doãn, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết: “Theo các
cụ cao niên, xưa Quỳnh Hưng là đất ven biển, có cây cồng mọc thành rừng,
sau phù sa bồi đắp nên làng lui sâu vào đất liền. Người dân nơi đây vốn
có nghề mộc truyền thống. Sau đó, một số trai tráng còn đi học nghề mộc
ở các vùng Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định)…nên tay nghề càng
nâng cao. Mấy năm gần đây, Quỳnh Hưng phát triển mạnh làng nghề, trong
đó làng nghề mộc Nam Thắng gồm 6 xóm (từ xóm 1 đến xóm 6) thu hút hơn
500 lao động thường xuyên với gần 50 xưởng mộc lớn (có từ 10 lao động
trở lên), còn các xưởng mộc quy mô hộ gia đình thì rất nhiều”.
Các lao động là học sinh trong xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Đông, xóm 1, Quỳnh Hưng
Việc sản xuất đồ thờ đã có từ lâu, nhưng thời gian gần đây phát triển
mạnh do nhu cầu tăng cao của người dân trọng việc thờ cúng gia tiên và
phục dựng, tu bổ các di tích cần nhiều đồ tế khí bằng gỗ.
Chủ doanh nghiệp Trần Văn Đông bên sản phẩm của mình
Xưởng sản xuất đồ thờ của anh Nguyễn Văn Đông, xóm 1 thu hút 20 lao
động, chuyên sản xuất ban thờ thổ địa và các đồ thờ cúng khác theo đơn
đặt hàng, mỗi năm bán được khoảng 1.000 sản phẩm khắp mọi miền đất nước.
Để có sản phẩm đồ thờ tinh xảo, yếu tố tay nghề của người thợ đóng vai trò quyết định
Đồ thờ cúng không chỉ là một sản phẩm thông thường, mà còn có tính chất
thiêng liêng, mang những nét văn hoá tâm linh truyền thống, thể hiện
những quan niệm triết lý nhân sinh sâu sắc. Để có một sản phẩm mộc thờ
cúng có chất lượng đòi hỏi các công đoạn lựa chọn gỗ, thiết kế mẫu, chế
tác, hoàn thiện đều phải công phu, tỷ mỷ, khéo léo.
Hiện nay, đã có nhiều loại máy móc phục vụ người làm mộc, song yếu tố
tài hoa, khéo léo trong tay nghề của người làm mộc vẫn đóng vai trò
quyết định. Gỗ để làm đồ thờ cúng thường là các loại gỗ bền chắc, có màu
sắc tươi sáng, hoa văn đẹp như mít, dổi, vàng tâm, gần đây lại có thêm
nguồn gỗ pơmu từ Tây Nguyên được khách hàng rất chuộng.
Anh Nguyễn Văn Đông, chủ cơ sở sản xuất đồ thờ cúng An Đông, xóm 1,
Quỳnh Hưng cho biết thị trường của anh rất rộng, từ trong Nam đến ngoài
Bắc đều biết tiếng, đặt hàng. Cái khó của anh cũng như của người làm
nghề mộc ở đây là nguồn vốn đầu tư. Anh cho biết hiện nay anh đang cần
khoảng 500 triệu đồng để mở rộng sản xuất, nhưng chưa tìm được nguồn
vay.
Công đoạn khảm trai đòi hỏi sự tỷ
mẩn, công phu, sáng tạo của người thợ. Hai vợ chồng anh Nguyễn Văn
Khanh, xóm 1, Quỳnh Hưng làm nghề này cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng.
Từ học hỏi cách làm của người miền Bắc, giờ đây làng nghề Quỳnh Hưng đã
có thể thực hiện được công đoạn khảm trai. Mảnh trai được dán lên gỗ,
được vẽ mẫu, rồi gỡ ra để cắt theo các hình thù định sẵn, sau đó khảm
vào các mặt gỗ, cuối cùng được cắt tỉa tạo thành các hình thù hoa văn
sinh động. Để có một bức khảm trai ưng ý, đòi hỏi trí tưởng tượng sáng
tạo và đôi bàn tay tỷ mẩn, công phu của người thợ.
Một sản phẩm mộc gia dụng cao cấp của làng mộc Quỳnh Hưng
Rời Quỳnh Hưng, chúng tôi đến xưởng mộc của anh Trần Đức Ninh ở xóm 6 xã
Quỳnh Minh, là cơ sở duy nhất trong vùng có thể sản xuất các đồ tế khí
hoàn chỉnh trang trí cho một gian thờ, hoặc cả nhà thờ, điện thờ trong
các di tích gồm hoành phi, câu đối, đại tự, con hạc, long ngai, bài vị,
kiệu…
Anh Trần Đức Ninh, xã Quỳnh Minh bên cạnh sản phẩm đồ thờ cao cấp do cơ sở của anh sản xuất.
Những sản phẩm sơn son thiếp vàng lộng lẫy tái hiện không khí trang
trọng, thiêng liêng. Hầu hết các công đoạn đều thực hiện bằng phương
pháp thủ công, cho thấy trình độ tay nghề của người thợ thật đáng khâm
phục. Rất nhiều các gia đình, dòng họ, ban quản lý các di tích đã đến
đây đặt hàng, mua hàng.
Anh Ninh cho biết anh đã từng học nghề mộc từ năm 12 tuổi. Lại có lợi
thế bố anh là một thầy giáo giỏi chữ Hán nên đã giúp anh viết các chữ
Hán cho các hoành phi, câu đối, đại tự…
Các sản phẩm khác của cơ sở đồ thờ cao cấp Trần Đức Ninh
Bên cạnh Quỳnh Hưng, Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu còn các làng nghề mộc
khác như Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Bảng cũng sản xuất đồ thờ cúng. Các sản phẩm
đồ thờ cúng không chỉ mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế mà còn góp
phần lưu giữ, sáng tạo các giá trị văn hoá truyền thống, đáp ứng nhu cầu
tâm linh của người dân.
Quang Đại – Hoàng Thông