Chạm bạc Đồng Xâm: Điểm sáng của làng nghề Thái Bình
(Ngày đăng: 11/07/2012 Lượt xem: 1187)
Sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm |
Làng
nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm cách trung tâm huyện Kiến Xương, Thái Bình
10 km về phía Bắc. Ngay khi đặt chân tới Đồng Xâm, tiếng búa, tiếng đục
leng keng tạo nên âm sắc rất riêng biệt của làng nghề nơi đây.
Theo sử cũ và văn bia đặt tại đền thờ Tổ nghề kim hoàn Đồng Xâm ghi lại
rằng, làng nghề chạm bạc được hình hành từ thế kỉ thứ XV, ông tổ làng
nghề là Đức Tổ Nguyễn Kim Lâu, người từ tỉnh Cao Bằng (tức Châu Bảo Lạc
xưa kia), xuôi thuyền theo dòng chảy sông nước. Một hôm, ông đến và dừng
chân tại bến bờ Trà Lý mang nghề chạm bạc truyền cho dân làng. Theo văn
bia đặt tại đền thờ cụ tổ nghề chạm bạc thì năm 1428, vào thời nhà Lê
cụ Nguyễn Kim Lâu đã về đây truyền nghề cho dân làng lập thành phường
Phúc Lộc. Sản phẩm tinh xảo của làng nghề được lưu truyền qua các thời
đại bằng những đồ trang sức của cung đình và vua chúa. Đó là những đồ tế
nhuyễn bằng vàng, bạc cho các triều đại. Năm 1924, triều đại vua Khải
Định công nhận nghề mỹ nghệ tinh sảo và phong sắc cho làng, phong chức
thất phẩm cho các nghệ nhân.
Thợ thủ công đang chế tác sản phẩm tại HTX Phú Lợi
Ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, không chỉ người lớn mà các em nhỏ cũng
tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm mỹ nghệ kim hoàn. Ngay từ khi
còn bé các em đã được hướng dẫn cách cầm búa, đục, ve (dụng cụ dùng để
chạm) để tạo nên những sản phẩm kim hoàn. Lớp cha trước, con sau họ
truyền và lưu giữ nghề từ đời này sang đời khác. Hiện nay, làng nghề có 4
người được phong tặng là nghệ nhân, người cao tuổi nhất cũng đã ngoài
76 tuổi.
Để tạo ra được một sản phẩm mỹ nghệ hoàn thiện phải trải qua các công
đoạn khác nhau như: trơn, đấu, đậu, và chạm trổ. Bắt đầu là trơn, miếng
đồng phẳng được úp xuống thốc mặt sau lên, bóc và rát phẳng được đặt
trên một khuôn gỗ giữ cố định bằng một lớp si với nguyên liệu chính là
nhựa thông. Đấu là công việc của người nghệ nhân hàn những miếng nguyên
liệu sau khi đã tạo thành những hình dáng khác nhau. Đậu là làm cho các
chi tiết nổi lên, cuối cùng là khâu chạm trổ. Để đào tạo được một người
thợ biết nghề phải mất đến 5 năm, để thành thạo được nghề phải mất ít
nhất 15 năm. Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề hiện nay là các loại
hàng như: hàng cốt đồng mạ bạc, hàng cốt đồng hun đen, hàng cốt đồng
khảm tam khí… hoặc các loại tranh, mâm, khay hoặc đồ thờ cúng bằng đồng,
bạc. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi một số
nước như Lào, Trung Quốc, Nga… mỗi năm doanh thu đạt từ 40 đến 50 tỷ
đồng.
Các công đoạn làm nghề giờ đây đã được cơ giới hóa tới 80%. Các khâu
nguyên liệu, tạo phôi, mài bóng đã thu hút được 2.500 lao động tại làng
và 80 lao động vệ tinh ở các xã lân cận. Tại Đồng Xâm, đã hình thành một
số doanh nghiệp tư nhân với doanh thu hàng trăm triệu một năm như Vương
Phượng, Phú lợi... hình thành hai HTX tiểu thủ công nghiệp, 146 tổ hợp
nghề và 637 cá thể, hàng năm đóng thuế cho nhà nước trên 150 triệu đồng.
Để xử lý nguồn nước thải độc hại do quá trình mạ đồng, bạc, xã Lê Lợi
đã được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng đầu tư một khu xử lý chất độc hại đưa vào sử
dụng từ năm 2005.
Ngoài sản xuất tập trung tại các tổ hợp, HTX, ở làng nghề Đồng Xâm còn
tổ chức khoán sản phẩm cho các gia đình để nhận hàng từ cở sở về gia
công giúp tận dụng tối đa thời gian lúc nông nhàn để sản xuất sản phẩm
mỹ nghệ. So với sản xuất tập trung, các gia đình nhận hàng về gia công
cho HTX có thu nhập cao hơn, trung bình từ 4 đến 5 triệu đồng một tháng.
Ông Lê Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi cho biết: “UBND xã luôn
tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở sản xuất vay vốn ưu đãi để sản
xuất, mở các lớp đào tạo nghề cho người dân để duy trì và phát triển
nghề”.
Tuy nhiên, khó khăn nhất trong quá trình sản xuất của làng nghề là tìm
đầu ra cho sản phẩm. Ông Tạ Xuân Định chủ nhiệm HTX chạm bạc Phú Lợi bày
tỏ: “Mỗi năm chúng tôi đầu tư vào sản xuất từ 5 - 7 mẫu sản phẩm nhưng
khi đi chào hàng trên thị trường chỉ được từ 1 - 2 mẫu. Sản phẩm của
chúng tôi khi đưa ra thị trường phải qua nhiều khâu trung gian mới tới
được nơi tiêu thụ nên thường tốn nhiều chi phí và hiệu quả kinh tế mang
lại không cao”.
Để làng nghề chạm bạc Đồng Xâm được phát triển ổn định và bền vững, thời
gian tới rất cần sự quan tâm của các ban ngành về vấn đề xúc tiến
thương mại, tìm thị trường ổn định ổn định cho sản phẩm, cần tập trung
vào thương mại điện tử, hỗ trợ vốn và mặt bằng sản xuất...
Theo tapchinongnghiep