|
Tranh làng Sình
|
Và năm nay cũng vậy, người dân làng
Sình cũng đang tất bật làm tranh để phục vụ cho nhu cầu của người dân
khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghề
làm tranh trong làng xuất hiện cách đây khoảng 400 năm về trước và nổi
tiếng xứ Huế và các vùng lân cận. Xét về phương diện dòng tranh dân gian
thì tranh làng Sình có thể sánh ngang với tranh Đông Hồ.Tuy nhiên điểm
khác biệt và độc đáo là tranh làng Sình được làm ra với mục đích là thờ
cúng và được đốt đi sau khi cúng.
Và những ngày cuối năm này, người dân làng Sình cũng đang hối hả trong
việc làm nên những bức tranh sinh động để kịp phục vụ cho tết cổ truyền
của dân tộc. Hiện nay ở làng Sình có khoảng hơn 30 hộ dân còn gắn bó với
nghề truyền thống này. Người lớn thì làm tranh cả ngày, còn trẻ em
tranh thủ những lúc rãnh rỗi hay được nghĩ học phụ giúp gia đình làm
tranh.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cần mẫn tô những bức tranh
|
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người gắn bó với nghề làm tranh ở làng Sình đã
hơn 50 năm cho biết, mỗi độ tết đến thì nhu cầu dùng tranh để thờ cúng
của người dân khá nhiều. Theo quan niệm của người dân thì dùng tranh để
thờ cúng thì sẽ gặp rất nhiều may mắn trong cuộc sống.Vì thế mà tranh
làng Sình không chỉ cung cấp cho thị trường ở Huế mà có những người từ
Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Nam...cũng tới đặt hàng mua tranh về để sử
dụng trong dịp tết...
Về cách làm tranh, nghệ nhân Phước cho hay, một bức tranh được làm ra
thì đòi hỏi nhiều kỹ thuật công phu. Tranh được in trên bản mộc gỗ được
khắc rất tinh xảo. Giấy dùng để in tranh phải là loại giấy dó hoặc giấy
mộc quét điệp. Còn màu sắc được tạo nên từ nhiều chất liệu như sò điệp,
các loại lá cây. Quy trình để làm nên bức tranh phải trải qua rất nhiều
công đoạn như : cào điệp, giã điệp, hồ điệp, pha giấy, phơi giấy, tạo
màu, khắc ván, in tranh, tô màu...Và giai đoạn tô màu cho tranh đòi hỏi
công phu và sự nhanh nhạy của người làm tranh làng Sình.
Thực tế những năm qua, tranh làng Sình đang có nguy cơ bị mai mọt do
tranh được bán ra với giá quá rẻ. Mỗi bức tranh là một sản phẩm đòi hỏi
rất nhiều công sức nhưng chỉ bán được với giá 1.500 - 2.000 đồng. Tính
ra, mỗi ngày người làm tranh chỉ thu nhập được khoảng 30.000 - 50.000
đồng.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước còn cho biết thêm, “dẫu biết thu nhập từ nghề làm
tranh chẳng đáng là bao nhiêu nhưng với sự tâm huyết, sự yêu nghề và để
giữ nghề truyền thống thì gia đình tôi và nhiều hộ dân khác hàng chục
năm nay vẫn cố gắng làm để duy trì. Vào dịp tết, tranh bán chạy và nhiều
nơi đặt hàng với số lượng lớn nên người dân cũng tranh thủ làm, kiếm
thêm đồng ra, đồng vào để sắm tết...”
Tranh làng Sình được phân thành 3 loại : Tranh nhân vật, thường là tranh
tượng bà, vẽ một người phụ nữ xiêm y rực rỡ với hai nữ tì nhỏ hơn đứng
hầu hai bên, Tranh đồ vật vẽ các thứ áo, tiền và dụng cụ để đốt cho
người cõi âm và tranh súc vật (gia súc, ngoài ra còn có voi, cọp và
tranh 12 con giáp) để đốt cho người chết.
Tranh làng Sình là một nét văn hóa trong đời sống của người dân nên cũng
đã được giới thiệu đến công chúng trong nhiều cuộc triển lãm...
|
Bản khắc hình trên gỗ để in tranh làng Sình
|
Bản khắc 12 con vật tượng trưng cho 12 con giáp. Và cứ mỗi năm thì người dân làng Sình lại làm tranh về con vật đó.
|
Công đoạn dùng mực để in tranh trên các bản mộc đã được khắc sẵn
|
Bức tranh đã được in xong và cơ bản đã hoàn thành
|
Dùng màu để tô lên tranh mới in
|
Bức tranh đã được hoàn thành. Mỗi bức tranh như vậy chỉ được bán với giá từ 1.500 - 2.000 đồng
|
Màu dùng để tô tranh được chế biến từ rất nhiều nguyên liệu khá công phu
|
Những hoạt động văn hóa như đấu vật hay kéo co cũng được thể hiện rõ nét trên tranh làng Sình.
|
Theo tamnhin.net