Trong thời điểm suy
giảm kinh tế, nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố tự cứu mình bằng
việc đa dạng nghề trong làng nghề. Theo nhiều chuyên gia và người dân
làng nghề, đây chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm khó khăn. Để
phát triển bền vững, các làng nghề vẫn hướng tới mục tiêu mỗi làng
chuyên một sản phẩm, tạo sản phẩm đặc trưng và xuất khẩu.
Giải pháp tình thế
Ông
Đỗ Văn Song, ở đội 8, làng Bảo Hà, xã Đồng Minh (Vĩnh Bảo) cho biết:
“Làng Bảo Hà có nghề truyền thống là điêu khắc tượng. Trong thời điểm
khó khăn, phần lớn người dân làng nghề tận dụng cơ sở vật chất, thế mạnh
của mình làm đồ mỹ nghệ, điêu khắc, làm nhà cổ thay vì chỉ làm điêu
khắc tượng”.
Cũng
giống như làng nghề Bảo Hà, làng nghề mộc Kha Lâm cũng tìm hướng “gia
công” lại các sản phẩm đồ gỗ cho các làng nghề mộc nổi tiếng ở Bắc Ninh,
Hà Nội. Làng nghề mây tre đan Tiên Cầm ở An Thái, An Lão trước kia chủ
yếu sản xuất đồ gia dụng như: rổ rá, giần sàng, nong nia, thúng mủng,
đến nơm, giậm, đăng đó…Thời gian gần đây, các hộ dân trong làng chuyển
sang làm cốt ngựa (hàng mã), làm túi, giỏ xách, lọ hoa bằng mây. Trước
kia, nhắc đến làng nghề đúc Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, Thủy Nguyên) người ta
nghĩ đến nơi chuyên cung cấp sản phẩm là lưỡi cày phục vụ cho nông
nghiệp. Tuy nhiên, không dừng lại sản xuất lưỡi cày bằng ống hơi đẩy
bằng tay, Mỹ Đồng đã hình thành một nghề mới - chuyên sản xuất chân vịt
tàu thủy, bạc biên, tăng bua, vỏ mô tơ điện, khung xe máy, cột đèn trang
trí…Nhờ sự đa dạng nghề, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế mấy năm qua,
người dân các làng nghề này vẫn duy trì được sản xuất.
|
Làng nghề mây tre đan Xuân Chiếng (Ngũ Phúc, Kiến Thụy) mong được hỗ trợ để có sản phẩm đặc trưng. |
Tạo sản phẩm đặc trưng
Ông
Phạm Văn Liên, Chủ nhiệm HTX chiếu cói Lật Dương (Tiên Lãng) cho biết:
“Muốn phát triển bền vững, các làng nghề phải chú ý tạo sản phẩm đặc
trưng. Qua việc đưa sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, chúng tôi càng
thấm thía điều này. Nếu sản phẩm làng nghề không có nét đặc trưng riêng
thì rất khó cạnh tranh. Thực chất, việc đa nghề, đa sản phẩm trong các
làng nghề hiện nay chỉ là giải pháp tình thế trong thời điểm khó khăn”.
Anh Nguyễn Đức Huy, người đang miệt mài với dự án khôi phục làng nghề
gốm Dưỡng Động (Minh Tân, Thủy Nguyên) khẳng định: “Các làng nghề cần
phải có tư duy là nhìn ra thế giới. Có nghĩa là sản phẩm của họ phải
được thế giới biết đến, chứ không phải sản phẩm chỉ cho làng đó, cho
huyện đó. Tôi rất quan tâm đến chương trình “mỗi làng, một sản phẩm” mà
Bộ Nông nghiệp- PTNT đang triển khai hiện nay. Theo đó mỗi địa phương
cần chọn ra một đặc trưng riêng của vùng quê, làng bản mình, rồi quảng
bá, tạo thương hiệu mang tính toàn cầu thì sản phẩm đó mới có giá trị
hàng hóa cao. Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi cũng phải thực hiện đa
dạng sản phẩm bằng việc sản xuất nhiều mặt hàng đồ gốm phục vụ thị hiếu
nhưng trong quá trình làm, chúng tôi luôn có ý thức lựa chọn ra sản
phẩm mang nét đặc trưng nhất, mang phong cách gốm riêng có của Dưỡng
Động để lập kế hoạch phát triển dài hạn, vì chỉ có như vậy, gốm Dưỡng
Động mới không lẫn với sản phẩm của các làng gốm khác”.
Đây
cũng là mong muốn của nhiều người dân làng nghề khác. Ông Phạm Hữu Nga,
Chủ nhiệm HTX mây tre đan Xuân La (Thanh Sơn, Kiến Thụy) đề xuất:
“Chúng tôi đều muốn có sản phẩm đặc trưng, truyền thống… của địa phương,
có thị trường tiêu thụ lớn, để lập kế hoạch phát triển dài hạn. Tuy
nhiên, để làm được điều này, người dân làng nghề mong nhà nước và địa
phương có chính sách hỗ trợ kinh phí để các làng nghề đẩy mạnh xúc tiến
thương mại, xây dựng thương hiệu, đầu tư kỹ thuật… tạo chuỗi liên kết
trong hoạt động sản xuất. Nhà nước nên quan tâm hỗ trợ mở các lớp đào
tạo nghề tại làng; hỗ trợ lãi suất vốn vay để phát triển sản xuất”…
Theo baohaiphong