Vài nét về Kèn Đồng tại Phạm Pháo - xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Nhà thờ xứ Phạm Pháo
Đội kèn đồng xứ đạo tấu kèn... Tây
"Phạm Pháo" - mảnh đất ấy giống "y như" hình khẩu pháo. Mới nghe thì
rất... binh lửa nhưng người dân xứ đạo lại vô cùng hiền hòa; con gái
Phạm Pháo ngoan hiền, mắt đẹp như trong tranh!
Người dân nơi đây theo đạo vào đầu thế kỷ XVIII, nói theo thuật ngữ của
người Công giáo là "Đón nhận Tin Mừng"; ngôi thánh đường đồ sộ tại Phạm
Pháo được xây dựng vào năm 1908. Những năm ấy, giáo xứ đạo Phạm Pháo đã
có đội kèn đồng mà ta quen gọi là đội nhạc Tây, vì nó được du nhập từ
phương Tây.
Cũng thời gian ấy, các xứ đạo phía Nam của tỉnh Nam Định như ở Hải Hậu,
Trực Ninh, Nghĩa Hưng... cũng dần hình thành, ra đời. Hằng năm, giữa
các đội nhạc vùng giáo cũng có giao lưu, thi thố để nâng cao kiến thức
âm nhạc nhằm phục vụ giáo xứ (trước đây chỉ có phục vụ giáo xứ).
Cụ Giuse Nguyễn Văn Quân thuộc giáo dân Vô Nhiễm, giáo xứ Phạm Pháo. Cụ
sinh năm 1935, nguyên là Hội trưởng Hội Kèn đồng Phạm Pháo thuật lại
một giai thoại đáng nể về âm vang tiếng nhạc đất này:
Trước năm 1945, Đức Giám mục Hồ Ngọc Cẩn - Giám mục Tòa Giám mục Bùi
Chu (người đã từng ủng hộ dây chuyền vàng nhân Tuần lễ Vàng quốc gia)
mỗi năm đều đặn có chuyến đi kinh lý tại giáo xứ Ninh Cường nay thuộc
huyện Trực Ninh. Nơi ấy là nơi đầu tiên tại nước ta, đạo Công giáo được
truyền vào.
Ngày ấy giao thông bộ còn khó khăn, giám mục đi lại đều bằng xuồng máy
trên sông. Sông ấy là sông Ninh Cơ ngày nay vẫn phục vụ tốt vận tải hàng
hóa, giao thương xây dựng đất nước. Đội kèn các xứ đạo đứng hai bên
sông gióng lên tiếng nhạc mừng Giám mục, thuyền của ngài chầm chậm đi
trên sông để thưởng thức tiếng nhạc của từng xứ; bất ngờ thuyền của ngài
đậu lại nơi đội kèn đồng Phạm Pháo đang tấu.
Hóa ra, kỹ năng của đội Phạm Pháo tấu bản nhạc Tây đúng nhất, ngài có
ngay phần thưởng cho đội. Lập tức các đội bạn đến xét hỏi: "Vì sao lại
được Đức Giám mục tặng thưởng riêng?"... Sau này, ngài biết, ngài viết
thư động viên những người chép nhạc giỏi trong đội sao bản nhạc hay đúng
niêm luật ra tặng các đội bạn để cùng nâng cao kiến thức về nhạc lý.
Đội nhạc công... vô địch thế giới
Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, nhờ có sự cởi mở của xã hội, nhiều
giáo họ được thành lập, mỗi giáo họ cũng có một đội kèn riêng. Trước
đây, ở Phạm Pháo có chín họ lẻ cùng với giáo họ nhà xứ là mười giáo họ,
có 10 đội kèn phục vụ giáo hội và xã hội, nhưng phục vụ một cách riêng
rẽ.
Đến những năm 1990, lần đầu tiên giáo xứ Phạm Pháo có linh mục về. Đó
là linh mục Phao - lô Vũ Minh Hòa - nguyên quản lý giáo phận Bùi Chu.
Ngài đã động viên các đội góp công, góp của, góp nhạc cụ thành lập Đội
kèn Hợp nhất. Mỗi đội kèn có chừng 50 nhạc công; đội kèn mới được thành
lập có chừng 500 nhạc công.
Trong những ngày đại lễ tại Phạm Pháo như tuần chầu giáo xứ, hay lễ
Giáng sinh, Phục sinh... Đội kèn Hợp nhất có thể tấu đồng thời bản hòa
tấu với 500 nhạc cụ. "Nổi đình đám nhất" là 10 cây kèn hêlơcông đòi hỏi
những người có sức khỏe, có chiều cao tương đối mới mang vác và chơi
được, vì đây là cây kèn đi bè trầm, to nhất trong số các nhạc cụ bằng
đồng...
Giáo dân Phạm Pháo vẫn còn nhớ: Tuần chầu giáo xứ vào năm đầu tiên
thành lập Đội kèn Hợp nhất, khi tiếng kèn cất lên, biết bao nhiêu cá
dưới hồ nhảy vọt cả lên bờ! Một linh mục gốc Việt tại Thụy Điển nói:
"Tôi đã đi khắp các nước trên thế giới, nhất là những nước cha đẻ của
kèn Tây thì một đội chơi nhiều nhất cũng chỉ trên dưới 100 nhạc công;
đây 500 nhạc công, thật là vô địch thế giới!".
Tiếng nhạc của đội kèn Phạm Pháo giờ đây không chỉ dừng lại ở việc phục
vụ riêng trong thánh lễ mà hòa vào mừng vui chung của cả đạo, cả đời.
Đội có thể đến phục vụ đám cưới; chia sẻ với người quá cố; hay tiễn
những thanh niên trong giáo xứ lên đường nhập ngũ.
Những năm gần đây, nhờ lối chơi hợp nhất, các nhạc công lại được học
tập lẫn nhau, chất lượng thưởng thức âm nhạc của toàn đội cũng được nâng
lên; đội được mời thổi mừng Đại hội Đảng toàn quốc, Quốc hội, gần đây
là Liên hoan phim toàn quốc lần thứ 15.
Tại đây, nhiều đạo diễn, nghệ sỹ, nhạc sỹ chuyên nghiệp nghe nhạc đều
khen... rất chuyên nghiệp. Những ngón tay vàng khè bởi ngày ngày làm đất
mặn phèn - quê biển quê lúa, thậm chí còn thô ráp nhưng rất điêu luyện,
luyến láy trên từng phím kèn khiến các nghệ sỹ, nhạc sỹ càng thêm phần
nể phục.--PageBreak--
Những người nông dân chân đất sản xuất kèn... Tây
Nếu có điều kiện về vùng biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định công tác, bạn tìm
về giáo xứ Phạm Pháo, một giáo xứ đang được mệnh danh sầm uất nhất về
kinh tế cũng như sự dồi dào về đời sống Đức tin của giáo phận Bùi Chu;
tìm tiếp đến giáo họ Trại Đáy, hay còn gọi là giáo họ Đức Bà cũng thế,
để được tham quan cơ sở sản xuất kèn đồng nổi tiếng, có một không hai ở
Việt Nam hiện nay.
Xưởng kèn gia đình ông Gioa-kim Cường giáo họ Đức Bà- Phạm Pháo.
Chủ cơ sở là ông Gioa-kim Cường, năm nay vừa tròn 50 tuổi. Ông Cường
được sinh ra trong một gia đình đa năng, con trai thứ của ông cụ Biên
vừa biết làm nghề y, cơ khí, lại giỏi nhạc lý (vừa được nhận danh hiệu
30 năm vì sự nghiệp y tế). Chắt nội của nghệ nhân Gioa - kim Nguyễn Văn
Nhâm đã từng được đón vào tận triều đình Huế khâu long bào cho vua.
Những ngày đầu vào bộ đội, ông khát khao được trực tiếp cầm súng chiến
đấu giáp mặt với quân thù, nhưng điều đó đã không thành hiện thực, vì
phòng quân lực nắm rất rõ ông là một thanh niên Công giáo biết chơi
nhạc.
Họ đã điều ông sang bộ phận quân nhạc, tuy biết ở bộ phận này có sự
nhàn nhã và ông vẫn có thể cống hiến, nhưng ông muốn được cống hiến
nhiều hơn nữa để thỏa chí nam nhi, thế nên những ngày đầu ông buồn lắm,
người phụ trách hiểu được tâm tư, động viên ông rất nhiều...
Ít lâu sau đó, nhạc sỹ Đinh Ngọc Liên, một người Công giáo, một trong
những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã tới thăm đơn vị. Nhìn ông
Cường có vầng trán cao, rộng, nhìn vào những ngón tay mềm mại nâng lên
dập xuống trên những phím kèn đồng như múa và chơi toàn những bản nhạc
hóc búa, Đinh Ngọc Liên bảo:
"Con vào quân nhạc là rất hợp, sau này chắc chắn con sẽ làm được một điều gì đó thành danh liên quan đến âm nhạc!"...
Ông Cường cảm ơn và ấp ủ lời khuyên nhủ của nhạc sỹ. Lúc đó, ông Cường
biết đâu được rằng Bề trên đã "chấm số" cho ông sau trở thành vua sản
xuất kèn như bây giờ...
Ở bộ đội ra, lúc đầu ông cũng chưa biết chọn nghề gì cho đúng, cho
chắc, đành phải theo chân mấy ông anh cũng đa tài, đi khắp các giáo phận
đắp tượng, vẽ tranh, dạy nhạc... có những chuyến đi đến cả vài tháng
trời; đã từng làm thợ và ăn mòn bát của nhiều giáo xứ trong giáo phận
Thái Bình. Mỗi khi về nghỉ, Tết nhất, lễ lạt... ông Cường lại mang theo
về những chiếc kèn hỏng hóc, cũ rích có từ thời Pháp, để cho ông cụ Biên
(bố ông) sửa giúp.
Cụ Biên bước vào nghề kèn theo kể thì thật đơn giản. Đầu năm 1950, ở
giáo họ Đức Bà có mấy chiếc kèn quá quý được gửi từ nước ngoài về, dùng
nhiều mòn thủng mất vài lỗ bằng chiếc cúc bấm, đành phải bỏ xó. Ông cụ
nhận đưa về, lúc đầu lúng túng cũng chẳng biết phải vá viếng bằng cách
nào... Cơ hội "ập đến", hôm cụ bà đi chợ, cụ ông lôi chiếc mâm đồng ra,
cắt phéng lấy một mẩu bằng hai ngón tay đứa trẻ chập đôi, chạy sang hàng
xóm xin ít hàn the của bà cụ nấu bánh đúc, về bật bễ tự hàn.
Tuy không được đẹp lắm nhưng dù sao chiếc kèn cũng kín được gió, thò
miệng vào thổi thấy ấm hơi hơn, thể hiện được những âm độ chính xác mà
người sử dụng muốn điều khiển thăng, trầm. Bà cụ đi chợ về nhìn thấy cái
mâm (thời đó quý lắm) bị rách, kêu toáng lên vì tiếc..., sau biết là
ông cắt ra để hàn kèn cho giáo họ, bà cười... "bỏ qua"!
Còn "duyên" ông Cường bước vào nghề, bằng việc phụ giúp cụ Biên đạp bễ
hơi con cóc cả ngày, lúc nào cũng ròng ròng mồ hôi. Thế rồi một hôm, ông
cụ thương con lên đạp bễ thay, để ông Cường cầm mỏ hàn giúp cha hàn
những thứ đồ đơn giản. Thấy con hàn đẹp hơn mình, ông cụ đành phải để
cho con hàn chính.
Từ đấy, túc tắc sau hơn hai chục năm chỉ hàn kèn thủng, đánh bóng lại
cho mới, ông bắt đầu đi mua những vỏ đạn cũ về, đàn ra, cuộn mới một vài
loại kèn đơn giản. Kèn ông làm thổi lên thấy tiếng hay không kém kèn
ngoại, mẫu mã lại sáng sủa; có loại kèn ông còn cắt ngắn, kéo dài phù
hợp với cơ thể người Việt...
Bắt đầu từ hội kèn trong xứ, sau ngoài xứ, ngoài địa phận, rồi cả khách
nước ngoài cũng tìm về mua kèn của ông. Kèn ông sản xuất ra đủ các loại
nhưng nếu có khách đến đặt loại nào khác ông cũng đáp ứng. Có nhiều
loại kèn do Mỹ, Anh, Nhật, và nhất là kèn do Pháp sản xuất... khi về tay
ông, ông cải tiến những chiếc cầu đỡ cho đẹp hơn, chắc chắn hơn.
Tuy nhiên, ông Cường cũng có nỗi băn khoăn về “đầu ra”, nhất là về giá
cả. Về “đầu ra”, kèn của ông chất lượng không kém kèn ngoại, nhưng bán
cũng không được nhiều. Ông giải thích: Vì ở trong nước một năm mỗi một
hội kèn chỉ thay thế từ một đến hai chiếc là cùng; khách Tây thì chỉ
được một vài khách quen.
Còn làm thế nào để quảng bá cả ra nước ngoài thì ông chưa làm được. Về
giá cả, loại kèn phải làm kỳ công nhất có khi kéo dài đến cả tháng trời,
tốn vật liệu, nhất như kèn "bố" hêlơcông, bán cũng không quá
10.000.000đ.
Có ông khách người Đức, quê hương của loại kèn đồng, từ Hà Nội xuống
thăm thấy giá rẻ đến bất ngờ, mua luôn vài chiếc đưa ra nước ngoài. Ông
ta cho ông Cường biết, loại kèn đạt được chất lượng như của gia đình ông
sản xuất, nếu đặt mua ở các nước phương Tây không bao giờ dưới
5.000USD, gấp 10 lần giá ông bán...
Thánh lễ tuần chầu xứ phạm Pháo
Theo mynghehaininh