Làng nghề: Bánh đa nem Cầu Bố (Thanh Hoá)
(Ngày đăng: 10/07/2012 Lượt xem: 656)
Càng gần đến những ngày Tết cổ truyền, làng nghề bánh đa nem Cầu Bố (phố
Quang Trung 1 và Quang Trung 2), phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa
như càng sôi động hơn. Bánh đa nem Cầu Bố đã từ lâu được nhiều người
tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, vì thế thời gian này đang
là thời điểm làng nghề bánh đa nem “vào vụ” sản xuất chính. Đến phố
Quang Trung 2, chúng tôi như bị cuốn hút bởi không khí lao động với tác
phong công nghiệp của những người làm nghề truyền thống nơi này. Mỗi
nhà có tới hàng trăm phên trành phơi bánh trắng tinh bày la liệt ra sân,
gác lên mái nhà, ngoài vườn... nghĩa là tận dụng tối đa những chỗ nào
còn trống để phơi bánh cho kịp gom hàng xuất bán. Một số hộ mà chúng tôi
ghé thăm cho biết vào những ngày giáp Tết có hộ thu nhập đạt hơn 200
ngàn đồng/ngày. Nhiều hộ giàu lên từ làm nghề tráng bánh đa nem, xây
được nhà, mua sắm phương tiện sinh hoạt trong gia đình, chi phí học hành
cho các con... Không ít hộ gia đình nơi đây đã “bứt phá” từ nghề làm
bánh đa nem.
Chúng tôi đến thăm nhà chị Trần Thị Thông trong con ngõ nhỏ ngoằn nghèo
(phố Quang Trung 1). Đến chị là thế hệ thứ 3 trong gia đình sản xuất
bánh đa nem. Chị chia sẻ: “Trăm hay không bằng tay quen”, làm mãi cũng
thành thạo, nếu bỏ một ngày không làm lại thấy “nhớ nghề”. Nhà có hai
bếp tráng bánh quanh năm, tôi cùng với cô em mỗi ngày làm từ 1 đến 2 yến
gạo, tráng được hơn 1.200 chiếc bánh. Vào thời điểm giáp Tết, hàng bán
càng chạy nên rất bận rộn. Theo chị, nghề tráng bánh đa nem không vất vả
nhưng tốn nhiều thời gian. Trước đây, để cho 1 bếp tráng bánh hoạt động
phải cần 3 người làm các công đoạn: xay bột, tráng bánh, đem phơi...
thì nay những công đoạn đó đã được rút ngắn, chỉ cần một người là làm
hoàn tất các công đoạn trên nhờ có khâu xay bột bằng máy. Quy trình làm
bánh cũng khá nhiều công đoạn. Bánh phải lành lặn, mềm, dẻo, thơm mới
đạt yêu cầu. Khi phơi bánh cũng phải căn cứ vào điều kiện thời tiết,
trời nồm, hanh phơi bánh đẹp, phẳng. Bánh chỉ để khô khoảng 70% là được,
sau đó xếp lại buộc kín để chỗ mát và đem đi tiêu thụ. Khác với bánh đa
nem của các địa phương khác, bánh đa nem Cầu Bố có sự kết hợp giữa hai
vị ngọt và mặn vừa phải, bánh mỏng, dai, khi rán lại dòn, có mùi thơm,
không bị nát nên rất được các bà nội trợ lựa chọn. Người dân làng nghề
Cầu Bố làm ra sản phẩm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nhất là trong những
ngày lễ, tết. Thương nhân từ một số tỉnh như Hải Phòng, Nam Định, Thái
Bình... cũng vào Thanh Hóa đặt hàng từ vài tháng trước.
Theo lời kể của một số bậc lão thành trong làng nghề, nghề tráng bánh đa
nem đã có từ khá lâu. Năm 1964, các hộ dân làm bánh đa nem làm ăn khá
thuận lợi đã thành lập được hợp tác xã để sản xuất tập trung, tiêu thụ
sản phẩm. Nhưng rồi chiến tranh, nên hợp tác xã tồn tại được vài năm
thì tan rã, các thành viên trong hợp tác xã chuyển sang làm hợp đồng bán
bánh cho Công ty Thực phẩm nông sản. Nhưng, thời gian duy trì mua và
bán giữa hai bên cũng không được lâu, các hộ sản xuất bánh đa nem lại
“lao đao” một phen nữa... Bước vào thời kỳ đổi mới, khi kinh tế - xã hội
phát triển, nghề tráng bánh đa nem cũng khá dần lên và ổn định. Đến
nay, trên địa bàn phường có hơn 40 hộ sản xuất bánh đa nem, tập trung
nhiều nhất ở phố Quang Trung 1 và Quang Trung 2. Năm 2006, phường Đông
Vệ đã trình UBND thành phố Thanh Hóa đề án “Khôi phục và phát triển làng
nghề bánh đa nem” và xin quy hoạch đất xây dựng làng nghề. Nhưng... do
chưa có quy hoạch chi tiết nên đề án chưa được thành phố phê duyệt. Đến
nay, các hộ dân sản xuất bánh đa nem vẫn đang sản xuất tại gia đình,
“thương hiệu” bánh đa nem thực ra mới dừng lại ở sự tín nhiệm của người
tiêu dùng với tên gọi bánh đa nem Cầu Bố để phân biệt với bánh đa nem
địa phương khác mà thôi chứ chưa được công nhận trên cơ sở pháp lý. Để
nghề truyền thống này có được thương hiệu và phát triển hơn nữa, các
cấp, các ngành chức năng cần sớm phê duyệt đề án để quy hoạch phát triển
làng nghề tập trung, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất bánh đa nem và
một số nghề truyền thống khác như nghề làm hoa giấy (Mật Sơn), rượu
(làng Quảng)... ngày càng phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho
nhiều hộ gia đình ở địa phương.
Theo baothanhhoa