Tại
thị trấn thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang có một họa sĩ đang được
nhiều người phương xa tìm đến mua tranh: Trương Hữu Võ. Tranh của ông
thấm đẫm tình quê hương qua những đề tài non nước Hà Tiên, rừng phương
Nam... Hơn hết, chất liệu làm tranh của ông thật độc đáo với những mảnh
vỏ cây tràm rừng U Minh.
Người họa sĩ bên dòng sông Trẹm
Từ sông Hương, chàng họa sĩ Trương Hữu Võ lưu lạc đến rừng U Minh
Thượng. Mảnh đất trù phú miền Tây đã giữ chân chàng lãng tử đam mê hội
họa gầy dựng mái ấm . Nói về cái thuở ban đầu bén duyên với đất miền Tây,
ông hào hứng: “Lúc ấy, chỉ với đôi bàn tay trắng và một trái tim nóng.
Tôi nghĩ mình không chỉ gầy dựng được một gia đình mà còn có những giấc
mơ thật cháy bỏng với niềm đam mê hội họa...”. Nhưng chuyện áo cơm không
đùa với đời nghệ sĩ.
Hai đứa con ông ra đời khiến cuộc sống thêm chật vật. Vợ ông phải tảo
tần buôn bán để chồng thỏa chí đam mê hội họa. “Tôi không thể sống ích
kỷ cho riêng mình”, ông thở dài kể tiếp cuộc đời nghệ sĩ của mình. Ông
phải làm đủ nghề nặng nhọc để những đứa con ông được đến trường như bao
đứa trẻ khác. Hội họa đã không phụ lòng ông khi mang đến công việc vẽ
bảng hiệu, bảng quảng cáo để gió sông Trẹm thổi vào nhà không còn buồn.
Chật vật kiếm sống nhưng ông vẫn tranh thủ sáng tác tranh nghệ thuật và
ông trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang như là một
sự cố gắng vượt bậc.
Tình quê trong tranh
Tác phẩm của ông tham gia các kỳ triển lãm và được giới chuyên môn
đánh giá cao, nhưng ông vẫn không hài lòng. Họa sĩ cho biết: “Tranh tôi
vẽ vẫn chưa nói lên hết tình cảm dành cho vùng đất nuôi sống mình. Một
chiều tháng 6-2006, lang thang trong rừng Tràm, ý tưởng sử dụng vỏ tràm
làm tranh thay cho các chất liệu truyền thống chợt lóe lên..”. Ông phải
thức trắng 3 đêm liền để làm bức tranh bằng vỏ tràm đầu tiên . Tưởng
chừng mọi chuyện đơn giản như làm một bức tranh xé dán giấy. Nhưng khi
bắt tay vào sáng tác, bao khó khăn xuất hiện. Ông phải tỉ mỉ xé từng lớp
vỏ tràm để đạt màu sắc như mong muốn. Có khi ông phải lang thang suốt
một buổi trưa nóng như đổ lửa trong rừng để tìm vỏ tràm có hồn màu trắng
xóa của sóng biển.
Tác phẩm hoàn thành, nhiều người ngạc nhiên về sự
sống động của bức tranh làm bằng chất liệu của chính rừng U Minh. Chỉ
với 3 màu nâu, vàng, trắng nhưng bức tranh phong cảnh Hòn Phụ Tử (Hà
Tiên) của ông đã gợi được nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn. Từng lớp
sóng biển với những cấp độ màu, độ dày mỏng khác nhau đã tạo cảm giác
như thật. Được mọi người khuyến khích, ông bắt đầu chuyên tâm sáng tác
tranh bằng chất liệu vỏ tràm. Theo ông, chỉ với những gam màu đặc trưng
nâu vàng của vỏ tràm đã đủ gợi không khí quê hương dạt dào của bức
tranh. Với cách sử dụng độ dày vỏ tràm khác nhau, khung cảnh thiên nhiên
hiện ra một cách sống động. Người nước ngoài càng yêu thích tranh của
ông vì họ có thể mang một phần thiên nhiên Việt Nam về đất nước mình.
Chút tình gởi đất phương Nam
Họa sĩ cho biết, tính độc đáo của tranh vỏ tràm là không thể có những
tác phẩm sao chép. Hiện ông đang thử nghiệm dùng vỏ tràm làm lại những
tác phẩm cổ điển của Việt Nam và thế giới để minh chứng tính năng kỳ
diệu của chất liệu ấy của quê hương mình. Tên tuổi của ông đã được nhiều
người phương xa biết đến . Một dự án làng nghề truyền lại nghệ thuật làm
tranh vỏ tràm cho người dân U Minh để thoát nghèo đang được ông triển
khai. Chính quyền địa phương đã “bật đèn xanh” cho dự án này. Một xưởng
vẽ đang được xây dựng rốt ráo tại nhà thiếu nhi huyện. Người dân huyện
An Minh đang háo hức chờ hè đến để khai giảng lớp học làm tranh tràm.
“Vùng đất này không chỉ mang tặng cho tôi một cuộc sống hạnh phúc mà còn
giúp niềm đam mê hội họa được thăng hoa. Tôi phải làm điều đó để thay
lời cám ơn”, ông nói với giọng chắc nịch/.
Theo: kiengiangvn.vn