Họ lớn lên trong tiếng nhịp khua nước đều đặn của những chiếc thuyền
lớn, nhỏ đánh bắt cá ven sông, rệ suối, thổn thức với cái nghiệp sông
nước mà bao đời nay vẫn là kế sinh nhai đối với làng chài này. Thế rồi
nghề nuôi cá lồng rầm rộ phát triển ở nhiều nơi, họ lại lục tục kéo nhau
đi học cái hay đó để mong bám trụ được với nghề.
Sự tích làng chài
Trong
làn hơi nước mờ ảo tỏa lan từ mặt nước sông cùng tiếng hát trong veo
của cô thiếu nữ tuổi mới đôi mươi, con thuyền gỗ được làm thủ công chòng
chành đưa chúng tôi đến với thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) .
Cả khúc sông như một ngôi làng nổi với những lồng cá đặt san sát nhau
khiến cả đoàn chúng tôi háo hức muốn xà tới mà chiêm ngưỡng, mà vẫy vùng
với những con cá trắm cỏ, cá chiên to tới cả 6 - 7 cân. Thuyền cập bến,
cô gái nói với chúng tôi, thuyền đến nhà già Tư rồi đó, anh chị muốn
tìm hiểu về làng em phải hỏi già Tư nhé, già là cuốn sách “chép sử” của
làng em đó! - Nói rồi cô gái nhoẻn miệng cười, chào chúng tôi thân
thiện.
Một góc “Làng chài” Hợp Long 2, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa). |
Chúng
tôi leo từng bậc đất mấp mô, dốc sượt, hẳn nó đã trải qua bao mùa nước
nổi mà chẳng hề bị cuốn đi. Già Tư tên thật là Đinh Văn Tư, năm nay đã
ngoài 80 tuổi, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hợp Long 2 này nên già hiểu
rõ về lịch sử hình thành của làng mình cũng như những chìm nổi, sóng
gió của ngôi làng… Trong ngôi nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian, già Tư thân
tình kể cho chúng tôi nghe chuyện về “làng chài” thân thuộc. Thôn Hợp
Long 2 khi trước có tên làng Bắc Nhụng, bởi ngôi làng ở ngay đầu con
ngòi Bắc Nhụng nên các bậc cao niên trong làng lấy tên con ngòi làm tên
làng. Khi chúng tôi hỏi về cái tên Hợp Long bây giờ, già Tư nhẩn nha kể,
cái tên Hợp Long mới là cái tên đúng với ý nghĩa của xóm chài chúng
tôi.
Theo truyền thuyết kể lại rằng, xưa có một vị thần được
chúa trời giao cho cai quản địa phận của ngã ba sông Gâm, sông Lô và
dòng suối Cả này. Vị thần đó đã dựng ấp, lập làng, dạy dân làng biết
đánh cá dưới nước để kiếm kế sinh nhai và tạo ra những thế núi rừng như
những con rồng cùng quay đầu hội tụ về một hướng, nay là trung tâm của
thôn. Cái tên Hợp Long với ý nghĩa là sự giao hòa, hội tụ của rồng
thiêng quay đầu về một hướng với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa,
ban nhiều cá cho dân làng vạn chài này. Cái tên Hợp Long gắn bó với làng
kể từ đó.
Già Tư có đôi mắt sáng, giọng nói hào sảng, mạch lạc,
đĩnh đạc. Già là người duy nhất trong làng còn giữ lại những bí quyết
trong nghề đánh bắt cá, cũng như những thay đổi của dòng chảy để đoán
được cá tập trung ở những đoạn sông nào, vào mùa nào thì cá lớn nhanh
hơn cả… Đó là chàng trai Đinh Văn Tư của hơn 60 năm về trước, còn giờ
đây già là một “kho báu” cho dân làng vạn chài trong kinh nghiệm nuôi cá
lồng . Già kể, cách đây gần 40 năm, cả dãy sông này có khoảng 10 gia
đình nuôi cá lồng, nhưng ngày đó không có người bán cá giống như bây giờ
đâu, nhà ai đi đánh được bao nhiêu cá là thả vào lồng hết thảy. Rồi
nuôi cá lớn, đến cuối năm đánh một mẻ mang ra chợ bán lấy tiền lo cho
ngày Tết.
Những chiếc lồng cá khi đó được làm bằng những thân
tre gai già khoảng 4 đến 5 năm tuổi, tre phải được chọn chặt vào mùa khô
được ngâm ở nước suối Cả cho đủ 6 tháng rồi chuyển về đây đóng lồng.
Bởi nước ở suối Cả có tiếng là linh thiêng, không những ban nước cho mùa
màng tốt tươi mà còn là sự khởi nguồn cho vạn vật sinh sôi, nảy nở. Nhờ
vậy, cá lồng của cả thôn lớn nhanh mà chẳng tốn mấy công chăm sóc. Già
Tư cười sảng khoái bảo, ngày trước mỗi khi nhà nào đánh cá lên bán là
như hội nhé, sung sướng lắm.
Nghề nuôi cá lồng bắt nguồn ở “Làng chài” là như vậy…
Lồng cá trắm cỏ của gia đình già Tư. |
Bám nghề
Người
dân ở Hợp Long 2, ngoài công việc đồng áng thì nuôi cá lồng là nghề cho
thu nhập chính. Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Hợp Long 2, ông Trần Văn
Thường chia sẻ, cả thôn có 102 hộ với hơn 400 nhân khẩu thì có khoảng 25
hộ nuôi cá lồng. Bởi những gia đình này sống ven sông Lô và có kinh
nghiệm sông nước nên có điều kiện hơn để phát triển nghề nuôi cá lồng.
Riêng năm 2011, cả thôn thu gần 9 tấn cá, đạt doanh thu gần 600 triệu
đồng. Nghề nuôi cá lồng đã giải quyết được nhiều việc làm và giúp xóa
đói giảm nghèo cho nhiều hộ trong thôn.
Cả thôn có khoảng 30 lồng
cá, trong đó có khoảng 10 lồng nuôi cá chiên. Nhà ít thì có 1 lồng còn
nhà nhiều thì 3 đến 4 lồng cá. Trò chuyện với già Tư hồi lâu, trời xế
trưa, cũng là lúc con trai, con dâu của già từ bến sông trở về nhà. Già
có 4 người con trai đều nối nghiệp chài lưới của cha nên già tự hào lắm.
Chỉ riêng đại gia đình già Tư đã có 10 lồng cá, nên ai nấy đều tập
trung cho công việc trông nom, chăm sóc cá chỉ đến bữa cơm cả nhà mới
quây quần tụ họp.
Sau bữa ăn trưa với gia đình già Tư, để được chứng
kiến tận mắt cách chăm sóc cá lồng của người dân “Làng chài”, chúng tôi
theo các con của già Tư ra bến. Anh Đinh Văn Lan, con trai cả của già
Tư giới thiệu, tuy ra ở riêng và làm kinh tế riêng nhưng mỗi khi gặp khó
khăn trong nghề là mấy anh em chúng tôi lại phải hỏi bố.
Ông
thạo sông nước và “cá tính” của từng loại cá nên mấy anh em chúng tôi
yên tâm lắm. Gia đình anh Lan hiện nay có 3 lồng cá chiên, anh bảo thời
gian đầu gặp nhiều khó khăn nhưng đi học cái hay ở nhiều nơi nên tôi
mạnh dạn làm. Trước đây nuôi cá trắm cỏ thì việc phòng bệnh hay cho cá
ăn được bố hướng dẫn nhiều nên thành thạo lắm. Giống cá trắm cỏ ăn tạp,
từ lá sắn, cỏ voi cho đến lá chuối, rơm tươi cho ăn đến đâu là hết liền .
Mỗi lần thả cá giống thì phải treo hỗn hợp lá xoan, vôi và lá cây hy
thiêm thảo ở ngay đầu lồng cá theo hướng nước chảy xuôi, kết hợp với
thuốc khử trùng làm sạch lồng cho cá để tránh nấm, vi khuẩn sinh bệnh
thì coi như tạm ổn. Nhưng với cá chiên thì khác, nuôi được cá chiên 6
năm nay nhưng khi bắt đầu anh Lan nản lắm.
Có lần vì chưa nắm
chắc kỹ thuật nuôi nên vừa thả 5 triệu tiền cá chiên giống mà hôm sau cá
chết hết cả. Anh định bỏ cuộc sau lần thất bại đó nhưng được cha động
viên, khuyến khích anh bắt tay làm lại từ đầu. Anh cất công đi học cách
chăn nuôi cá chiên ở tỉnh Hòa Bình rồi lên huyện mời cả cán bộ khuyến
nông về hướng dẫn nữa, được mọi người ủng hộ cùng với những kinh nghiệm
kỹ thuật mà mình đã học được anh đã thành công. Anh bảo, khi cá mới đem
về tôi không thả trực tiếp xuống lồng lớn như trước đây mà nuôi trong ô
lưới nhỏ để cá thích nghi dần với môi trường rồi mới tháo bỏ lưới, thả
cá vào lồng. Khi cho cá ăn, anh bỏ thức ăn vào rọ để cá rỉa ăn dần thay
cho việc thả thức ăn trực tiếp xuống lồng. Cá chiên ưa sạch, mà càng đặt
lồng ở chỗ nước chảy mạnh thì cá càng phát triển. Mỗi lồng cá anh làm
bằng sắt, diện tích khoảng 8 m2 đến 12 m2. Đầu tư cho mỗi chiếc lồng sắt
như vậy khoảng từ 9 đến 14 triệu đồng. lồng sắt có độ bền cao mà dễ vệ
sinh lồng hơn so với lồng tre nên các gia đình làm nghề nuôi cá lồng ở
đây đều chuyển sang làm lồng sắt.
Cách chọn cá giống cũng được
tuyển lựa kỹ lưỡng. Anh Trần Văn Đức, người có 2 lồng cá trắm cỏ cho
biết, cá trắm cỏ khi mua giống về thường được 0,8 - 1 kg/con, với giá từ
60 đến 65 nghìn đồng/kg cá giống. Sau khi nuôi được 1 năm là bán khi đó
cá đạt trọng lượng khoảng 3,5 đến 6 kg/con. Với giá bán từ 60 đến 70
nghìn đồng/kg, năm vừa rồi gia đình thu lãi về khoảng 60 triệu đồng tiền
bán cá trắm cỏ. Anh Đức nói thêm, nuôi cá trắm cỏ phải chú ý nhất khi
chọn cá giống, không được để cá bị trầy sát, bị thương vì rất dễ bị vi
khuẩn và nấm tấn công. Một con bị mắc bệnh nếu không phát hiện và chữa
kịp thời thì mất trắng cả đàn.
Anh Đinh Văn Lan tâm sự, nghề
nuôi cá lồng chẳng khác nào người phụ nữ chăm con mọn, cứ lơi là có khi
mất sạch cả đàn cá. Suốt mấy chục năm sông nước, anh chỉ về nhà khi đến
bữa cơm còn lại anh dành thời gian cho cái nghiệp nuôi cá của mình. Cá
chiên nuôi từ 2 đến 3 năm mới cho thu, thả cá giống phải vừa đủ mật độ
tương ứng với diện tích lồng để cá phát triển đều và lớn nhanh . Thường
thì cá giống mua về có trọng lượng 0,5 kg/con, với giá khoảng 200 đến
250 nghìn đồng/kg cá giống. Một lồng cá chiên với diện tích khoảng 8 m2
thì thả khoảng 150 con cá giống. Theo kinh nghiệm của anh Lan, muốn cá
lớn nhanh ngoài thức ăn hàng ngày là tôm, cá nhỏ thì bổ sung thêm giun
cho cá ăn liên tục nhất là vào thời gian sắp xuất bán, giúp cá tăng
trọng nhanh mà vẫn đảm bảo chất lượng thịt. Cá chiên khi bán được 4
kg/con, bán với giá 400 nghìn đồng/kg, còn trung bình từ 1,5 - 3 kg/con
thì bán với giá 300 nghìn đồng/kg. Đợt xuất cá bán dịp trước Tết Nguyên
đán, gia đình anh Lan thu về gần 100 triệu đồng.
Một ngày dập
dềnh cùng sông nước trôi qua thật nhanh, những người con của “Làng chài”
bắt đầu trở về nhà. Nhìn nét mặt rạng ngời của họ tôi thầm mừng: Rồi
mai đây, những chủ nhân của mảnh đất này sẽ nhân rộng nghề nuôi cá lồng
để đưa thương hiệu “Cá chiên Hợp Long 2” có mặt nhiều hơn ở các nhà hàng
trong và ngoài tỉnh.