Sự ra đời của Thăng Long - Hà Nội với 36 phố phường gắn liền với các
làng nghề thủ công thuộc tứ xứ: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Cư dân các làng nghề từ
những xứ này giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành các phố nghề,
phường nghề, góp phần tạo nên đặc trưng “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ’’.
Rủ nhau đi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay..
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phưc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà
Quanh đi đến phố Hàng Da
Trải qua phường phố thực là càng xinh.
Một
nghìn năm trên đất kinh kỳ, có bao nhiêu nghề mới sinh ra và nghề cũ bị mai một
dần đi... Nghe
những câu ca dao xưa về Hà Nội và quan sát quang cảnh phố bây giờ có thể thấy được,
thành phố đã thay đổi nhiều cả trăm năm qua. Con người và cung cách sinh sống
mỗi thời kỳ mỗi khác, có thể không ai muốn, không ai bắt, nhưng tất cả vẫn phải
theo với tình hình mọi mặt đời sống và lịch sử. Những phố nghề cũng thế. Phố
Hàng Bừa, phố Hàng Tàn, nhiều phố có tên trong bài ca dao nay không còn. Bao
nhiêu tên phố đã biến mất, mặc dù đường phố vẫn đấy, như Phố Hàng Tàn (đường Lê
Duẩn nay), năm phố Hàng Khóa, Hàng Áo Cũ, Thuốc Bắc, Hàng Vải, Hàng Bút nay gộp
thành phố Thuốc Bắc.
Hà Nội xưa từng có tới
hàng chục phố Hàng mà tên phố gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ
gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại chỗ. Ngày nay, phần lớn các phố Hàng vẫn
còn tên, nhưng nghề xưa gắn với tên phố thì đã mai một. Các phố Hàng này đã trở
thành các phố thương mại, kinh doanh hỗn hợp.
36 phố
phường ở Hà Nội có những tên phố nghe cứ như tên các quán hàng. Có cảm giác Hà
Nội là một cái chợ, mỗi khu phố là nơi sản xuất và buôn bán các mặt hàng riêng
biệt. Tuy nhiên tính chất các phố nghề
ở Kẻ Chợ chỉ là nơi giao dịch, nơi mua bán, thường không phải chỗ sản xuất.
Các mặt hàng được sản xuất ở quê, ở Hà Đông và các vùng phụ cận, rồi đem ra bán
ở Hà Nội, như đồ gò đúc đồng, rồi guốc dép, mũ nón... Như phố Hàng Đồng bày bán
mâm đồng, đỉnh đồng từ làng nghề Ngũ Xã. Phố Hàng Giấy bán các loại giấy của
các làng làm giấy của vùng Bưởi và Cầu Giấy đem xuống bày cả trăm, cả nghìn tờ
trước cửa hàng. Phố Hàng Chiếu (trước gọi là phố Mới) thì người miền biển của Nam Định,
Ninh Bình tải chiếu cói lên các cửa hàng buôn mà buôn bán lại…
Đồ đồng cổ truyền từ làng
nghề Đại Bái trên phố Hàng Đồng
Phố Hàng Chiếu nay vẫn bán
đủ các loại chiếu khác nhau được nhập về từ các làng nghề
Sự đổi
thay và những khác nhau còn thấy ở bộ mặt từng phố. Khác với làng nghề làm nghề
cha truyền con nối, ở phố, dù là phố nghề, cái chính cũng là cửa hàng và cũng
hợp tan theo thời thế; không có phố nào từ đầu tới cuối phố nhà nhà đều một
nghề, một cửa hàng như nhau. Theo Chuyện
cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài, Phố Hàng Buồm đầu thế kỷ trước cũng la liệt
những quán, ngành nghề khác nhau. Người ta còn chưa phân định được phố Hàng
Buồm là bán buồm thuyền (vì xưa gần đó có cửa hà Khẩu trên sông Hồng), hay là
cái vỉ buồm đậy nắp cái buồm đựng đường mà nhiều nhà trên phố làm nghề đan
buồm, đan vỉ cói. Hai bên đầu phố là những của hàng bán thịt lợn, thịt vịt,
thịt ngan ngỗng… Đoạn giữa phố rải rác các hiệu ăn lớn (gọi là cao lâu) của
người Trung Quốc… Cuối phố là các nhà bán đường, đường cát, đường phổ, đường
bánh của lái buôn Quảng Ngãi đem ra theo đường sông… Hàng Giấy thì bên cạnh
những cửa hàng bán giấy moi, giấy bản, còn nhiều nhà bán gạo, vì đây cạnh phố
hàng Gạo và chợ Gạo…
Phố Hàng Mã chuyên bán giấy và đồ hàng mã nhỏ, đồ bằng giấy để trang trí như hoa
giấy, đèn giấy các kiểu... và đồ mã để cúng lễ như mũ Thổ thần, mũ ông Táo,
vàng giấy...Dần dần, những
món hàng trang trí khác đổ
bộ về đây…
|
|
Cửa hàng đồ thờ bằng
đồng duy nhất trên phố
|
Vào những ngày lễ, Tết, con phố này thực sự trở
thành con phố của những âm thanh, sắc màu, ánh sáng dân gian và mang đậm dấu ấn
tâm linh của người phương Đông.
Theo
sự phát triển của đời sống nơi trung tâm cả nước, các chợ và các phố nghề đang
dần mọc hình thù trở lại. Dẫu vậy cũng không thể và không bao giờ có một phố
toàn nhà một nghề như tên phố và trong tưởng tượng xưa nay. Những phố nghề liên
quan đến đòi hỏi của cuộc sống hôm nay lại được thấy vui mắt bởi sự đan xen của
các mặt hàng. Phố Hàng Thiếc làm các đồ thô bằng tôn, bằng thiếc, vẫn sản xuất
đồ chơi tết Trung thu cho con trẻ. Phố Hàng Chiếu bán chiếu. Phố Hàng Da, phố
Hà Trung, bán các thứ đồ da, giả da. Phố Nguyễn Hữu Huân trước là phố Bắc Ninh,
chuyên bán giường tủ, bàn ghế, đồ gỗ, bây giờ lại lác đác cửa hàng đồ gỗ.
Nếu như nhiều phố nghề thủ công mang tên "Hàng" nổi
tiếng một thời của Hà Nội như Hàng Da, Hàng Chiếu, Hàng Mành... đã mai một thì
phố Hàng Thiếc vẫn giữ được dáng vẻ của một phố nghề đúng tên gọi của mình. Nghề sản xuất đồ gia dụng bằng kim loại vẫn được duy trì ở nhiều hộ
trên phố.
Trên
con phố Hàng Bạc ngày trước còn có những ông thợ bạc, thợ dát vàng ngồi trước
cái bễ, vừa kéo bễ vừa cầm búa đập, dát những vòng tay, những chiếc lắc kỷ
niệm. Người của làng của phố ra Hàng Bạc đánh bộ xà tích, đặt làm đôi khuyên,
đôi hoa tai vàng, cái vòng cổ, sợ dây chuyền… Khách hàng ngồi quanh đợi mua
hàng đặt và xem ông thợ bạc giũa và mài bóng cái ống vôi bạc. Thợ, thường cũng là chủ hiệu, sẵn lò, đe, đồ nghề đấy
mà kéo bễ, đập dát ngay cho khách ngồi đợi… Hàng Bạc là nơi tập trung những
người thợ tinh xảo kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất kinh kỳ. Họ xuất thân
từ ba làng nghề làm đồ vàng bạc nổi tiếng ở Bắc Việt Nam: làng Châu Khê, (Hải Dương),
làng Định Công (Hà Nội) và làng Đồng Sâm (Thái Bình).
Ngày nay, nghề buôn bán
trao đổi vàng bạc không chỉ còn tập trung ở phố Hàng Bạc mà đã có rải rác các
cửa hiệu ở những phố khác. Nhưng phố Hàng Bạc vẫn là nơi tập trung những người
thợ kim hoàn tinh xảo gắn với truyền thống.
Dạo một vòng khu phố cổ Hà Nội sẽ có biết bao điều thú vị hấp dẫn chúng
ta. Không chỉ bởi những lớp rêu phong trong từng dãy nhà cũ mà đó còn là sự đan
xen của những trầm tích văn hóa lẫn những tên phố, tên phường gắn liền với một
nghề thủ công nào đó; còn được xem mọi sinh hoạt, công việc làm của người Kẻ Chợ
ở phố nghề.
Theo
những câu ca dao về phố nghề mà làm cho sống lại được một thời bên trong cái
phồn hoa đô hội mới thực là một sắc thái riêng cho thủ đô. Khách du lịch sẽ có
thêm cái thích thú khi được xem người thợ trực tiếp làm nghề rồi ngắm những sản
phẩm hoàn hảo qua bàn tay tài hoa khéo léo.
Một góc phố Lò rèn
Phố Hàng Quạt bày bán đủ
các sản phẩm từ đồ đồng, gốm sứ đến đồ gỗ…
Phố Hàng Khoai nay bày bán
đủ các mặt hàng…
Có
những nghề đã thất truyền. Có nghề vẫn đứng vững với thời gian. Dẫu nhỏ bé,
nhưng nghề khắc dấu đang góp mình tạo nên sự quyến rũ của phố cổ. Những con dấu
nhỏ được xem là sứ giả văn hóa, theo chân khách du lịch giới thiệu văn hóa Hà
Nội, văn hóa Việt Nam
tới bạn bè thế giới:
Không có một con phố riêng,
nhưng khắc dấu gỗ cũng là một nghề có từ rất sớm trên đất kinh kỳ.
Trải qua ngàn năm giữ gìn, xây dựng và phát triển với những làng nghề,
phố nghề và những ngành nghề thủ công truyền thống, Thăng Long - Hà Nội ngày
càng thể hiện một diện mạo, tiềm năng phong phú và đa dạng. Nay, mỗi phố Hàng dẫu
có khác xưa phần nào nhưng vẫn hấp dẫn khách du lịch bởi đặc trưng riêng của
mình và Hà Nội với 36 phố phường vẫn là điểm hẹn văn hóa không thể thiếu trên
hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa Việt...
Vu Hạ