Theo thuyết ngũ hành thì
Hỏa sinh Thổ, lửa - đất kết hợp có thể tạo lên điều kỳ diệu. Chẳng thế
mà từ hàng trăm năm trước người Phù Lãng đã biết lấy cái nóng của lửa
thổi vào hồn đất lạnh dâng cho đời một sản phẩm độc đáo: Gốm Phù Lãng
chính là kết tinh của tinh hoa sức sáng tạo của con người với cái hài
hòa âm- dương đắp đổi.
Gốm Phù Lãng không độc đáo ở nét kiêu sa, đài các, gốm Phù Lãng mộc
mạc, bình dị từ sắc men da lươn, thâm nâu gần gũi với nhân gian, gắn bó
với mỗi kiếp người. Chỉ dăm năm về trước, đi suốt vùng đồng bằng Bắc Bộ,
vào mỗi gia đình, có lẽ ở đâu ta cũng bắt gặp cái chum đựng nước, cái
vại muối dưa, muối cà... đến bát canh cua đồng có nổi mùi, dậy vị hay
không cũng phải dùng đến cái cối giã từ làng nghề Phù Lãng.
Gốm Phù Lãng gắn bó với mỗi con người, chứng kiến mỗi vui, buồn,
vinh, nhục của mỗi cuộc đời. Lúc người ta sống, gốm Phù Lãng hiện thân
là những vật dụng; lúc người ta chết, gốm Phù Lãng lại trở thành ngôi
nhà vĩnh hằng cho ta gửi nắm xương tàn tan vào với đất.
Hôm nay, trở lại làng gốm Phù Lãng vẫn cảm nhận cái ấm nồng của đất
và lửa. Người Phù Lãng chân chất nhưng sôi nổi và năng động, chị chủ lò
gốm vẫn “chân đạp, tay vuốt” trò chuyện cởi mở mà nhất định không chịu
nói tên nhưng lại ửng hồng đôi má ép chúng tôi nhận bằng được chiếc bình
đựng rượu. Chị bảo rượu nếp đựng trong chum sành của Phù Lãng để càng
lâu hương càng đượm, càng nồng.
Tôi chưa thưởng thức hương rượu ấy nồng, đượm ra sao nhưng tôi biết
rõ cái tình của người làng gốm, ngay từ cái bắt tay mở đầu câu chuyện
với nghệ nhân Trần Mạnh Thiều, một trong những người đầu tiên đưa gốm
Phù Lãng phát triển sang hướng mỹ thuật . Năm nay mới ngoài ba mươi tuổi
nhưng anh đã có 6-7 năm lăn lóc với nghề.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội, Thiều quay về làm
thuê cho một số chủ lò trong làng. Sau 3 năm, chàng thanh niên đầy khát
vọng và chất nghệ sỹ quyết định mở cơ sở làm gốm của riêng mình. Thiều
không ngừng sáng tạo vẽ, thiết kế những mẫu sản phẩm với đường nét, hoa
văn, hình khối độc đáo, gửi vào trong ấy những suy tư của chính lòng
mình và chính những cảm xúc ấy, chính những khoảnh khắc thăng hoa trong
đời sống nghệ thuật ấy đã đưa Thiều trở thành người góp phần làm hồi
sinh làng gốm.
Anh tâm sự: Những triết lý về nhân sinh luôn là đề tài của các môn
nghệ thuật. Làm gốm, mình vẫn kế thừa được truyền thống làng nghề mà cao
hơn nữa là phát triển nó từ chính niềm đam mê hội họa, mỹ thuật của bản
thân.
Sóng nước sông Cầu vẫn xôn xao ca mãi bài ca lao động. Ngọn lửa trong
những lò nung gốm ở Phù Lãng vẫn cháy, tỏa sáng một khúc sông Cầu. Gốm
Phù Lãng hôm nay không còn bó hẹp ở trong nước, và bên cạnh những sản
phẩm truyền thống như chum, vại, tiểu sành… thì những sản phẩm gốm mỹ
thuật đã được giới thiệu như một minh chứng sống động cho mảnh đất lịch
sử đã nghìn năm tuổi với những con người luôn khao khát vươn lên bắt
nhịp cùng thời đại . Gốm Phù Lãng bây giờ đã vượt qua những đại dương để
đến với nhiều quốc gia như Hy Lạp, Hàn Quốc... và biết đâu một mai đây,
gốm Phù Lãng lại chẳng có mặt ở những Viện bảo tàng lớn của thế giới như
gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu đó sao!
Theo baobacninh