LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Huyền tích làng Giấy bên dòng Ngũ Huyện Khê
(Ngày đăng: 09/07/2012   Lượt xem: 715)
Nằm bên dòng Ngũ Huyện Khê, làng Đống Cao- tên nôm của thôn Dương Ổ, xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh được biết đến với nghề làm giấy dó truyền thống nổi tiếng một thời . Cũng như bao làng Việt cổ xứ Kinh Bắc- Bắc Ninh, Đống Cao luôn hàm chứa trong mình nhiều huyền tích văn hoá đặc sắc mà dấu ấn xưa hiện vẫn được truyền lưu đến ngày nay.

Seo giấy trong bể bột dó tại làng giấy Đống Cao
Tương truyền xưa kia Đống Cao vốn là vùng đất hoang sơ, cây cối cổ thụ um tùm, là nơi trú ngụ, làm tổ của nhiều đàn muông thú. Đất lành chim đậu, người trong vùng thấy vậy đã bảo nhau khai cơ lập ấp, lâu dần thành làng mạc trù phú và đặt tên làng là Dương Ổ. Theo sách “Dư địa chí” do Nguyễn Trãi biên soạn thì nghề làm giấy dó ở Đống Cao xuất hiện trước thời Trần.

Theo khảo cứu của tác giả Vũ Từ Trang- một nhà thơ người Bắc Ninh- thì nghề làm giấy dó ở Đống Cao có từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Khi ấy Thái Luân- người sáng chế ra giấy bên nước Đông Hán (Trung Quốc) trong một lần cùng 13 người bạn hành phương Nam, đến thành Đại La, mỗi vị đã dạy cho dân một nghề thủ công khác nhau.

Vốn giỏi nghề làm giấy nên Thái Luân đã dạy cho dân làng Yên Thái (ven Hồ Tây) và Đống Cao (Kinh Bắc) nghề làm giấy dó. Sau khi ông mất, dân thôn hai làng Yên Thái và Đống Cao tôn ông làm Tổ nghề. Ngày 16 tháng 8 Âm lịch hàng năm, hai làng đều tổ chức giỗ Tổ nghề để tưởng nhớ bậc tiền nhân có công truyền nghề khi xưa .

Nguyên liệu làm giấy dó là cây dó mọc trên rừng được chuyển về, bóc lấy vỏ phơi khô cho vào bề ngâm nước 48 tiếng, sau đó vớt lên buộc thành từng bó nhỏ cho ngâm với nước vôi đặc. Tiếp đó cho vào thùng phi đun liên tục trong 24 giờ rồi vớt ra rửa sạch, đem giã nhuyễn tạo bột, kết hợp với chất nhầy từ nhựa cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Hỗn hợp này gọi là "huyền phù" mà người thợ sẽ pha với nước độ loãng hay đặc tùy theo loại giấy. 
 
Khi seo giấy, người thợ dùng "liềm seo" (khuôn có mành trúc, nứa hay dây đồng ken dày) chao đi chao lại trong bể bột dó. Lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, phơi, nén hay cán phẳng. Xơ dó kết lại với nhau như cái mạng nhện nhiều lớp, tạo nên tờ giấy dó xốp nhẹ.

Các công cụ sản xuất hầu như bằng tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy. Giấy dó sản xuất thủ công không có độ axít nên tuổi thọ cao. Sản phẩm chính của giấy dó Đống Cao là giấy vàng quỳ dùng làm bản thác văn bia, làm tranh Đông Hồ; giấy tăng sin dùng để quấn trong các quả pin chống ẩm, sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt, làm màng loa máy thu thanh; giấy dùng làm quạt, phục dựng các ấn bản sách cổ với các loại kích cơ như giấy phương, giấy trúc, giấy khay…

Năm 1949 khi tản cư lên Phú Bình Thái Nguyên, người Đống Cao đã mở lò giấy Bắc Sơn phục vụ kháng chiến với 160 tàu seo giấy, sản xuất được  hơn 2 triệu tờ giấy bình dân và gần 5,7 triệu tờ giấy đánh máy cung cấp cho chính quyền cách mạng. Vào cuối những năm 1960, nghề làm giấy dó truyền thống ở Đống Cao được khuyến khích phát triển, bộ mặt làng quê có nhiều đổi thay tích cực.

Đây chính là tiền đề giúp người dân địa phương từng bước chuyển hướng sang sản xuất giấy công nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hoá chủng loại sản phẩm, tạo uy tín và chỗ đứng trên thị trường. Hiện tại Đống Cao có gần 150 hộ chuyên làm giấy với trên 90 doanh nghiệp dân doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận

Song hành với phát triển kinh tế, nhiều nét đẹp văn hoá vẫn được người Đống Cao trân trọng, gìn giữ như sinh hoạt văn hoá quan họ trong lễ hội, đặc biệt là tục “cỗ con gái”. Trước đây mỗi khi có con gái đi lấy chồng, gia chủ đều làm “cỗ con gái” gồm cả cỗ mặn và cỗ chay để cô dâu thết đãi bạn gái của mình trước ngày vu quy. “Cỗ con gái” đề cao đức tính cần cù, khéo léo của các thôn nữ mà chỉ riêng Đống Cao mới có. Hay như tục thờ Bà Đống trong lễ hội làng mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm trong mối kết giao giữa hai làng Đống Cao và Hoà Đình, phường Võ Cường.

Vào đêm mùng 6, làng Hoà Đình cử ra 12 cô gái xinh đẹp nết na rước kiệu Bà Đống ra khu Đống Cả gần làng Đống Cao tế lễ và xin rước Bà Đống về thờ. Bên Đống Cao cử 12 chàng trai chưa vợ, mỗi người cầm một đòn lao tre quấn giấy đỏ, bên các cô gái mỗi người cầm một chiếc quạt che trước bụng.

 Khi diễn trò, bên nam cố làm sao ấn tượng trưng đòn tre vào bụng các thôn nữ, các cô gái sẽ tránh để đòn tre không chạm vào mình. Khi đoàn rước của làng Hoà Đình ra khỏi phạm vi làng Đống Cao thi cuộc giằng co kết thúc.

Đám rước làng Hoà Đình về đến chùa làng thì trời cũng rạng sáng. Trò diễn này hiện đã chuyển sang buổi chiều và đang được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch xây dựng đề án giúp địa phương khôi phục nhằm bảo tồn một nét đẹp trong văn hoá lễ hội vùng Kinh Bắc- Bắc Ninh.


Theo Baobacninh
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

100
Đang xem:
74.214.653
Tổng truy cập: