Tỉnh Ninh Thuận đã huy động hiệu quả nhiều nguồn
vốn đầu tư, phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội trên tất cả các
địa bàn dân tộc thiểu số, đặc biệt là đầu tư hỗ trợ đồng bào Chăm khôi
phục phát triển làng nghề.
Từ
năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư gần 26 tỷ đồng để hỗ trợ 3
làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, gồm làng gốm Bàu Trúc,
dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và dệt thổ cẩm Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân,
huyện Ninh Phước) xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng . Nhờ đó, các tuyến
đường giao thông dẫn vào làng nghề được trải nhựa, đường liên thôn,
liên xóm được bê tông hóa; các làng nghề có cổng làng, nhà trưng bày sản
phẩm cùng hệ thống điện, nước cho sinh hoạt và sản xuất…. Người dân tại
các làng nghề dân tộc Chăm hôm nay đã có điều kiện thuận tiện để phát
triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng hiệu quả sản phẩm làng
nghề, đồng thời tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến tham quan,
mua sắm.
Cô gái Chăm đang cần mẫn từng đường tơ sợi chỉ sau những khung cửi . |
Cùng
với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ đào
tạo, nâng cao tay nghề cho lao động nhằm duy trì nghề truyền thống, bảo
tồn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm . Trong 3 năm (2009 - 2011),
tỉnh đã triển khai đào tạo nghề cho 240 học viên và nâng cao tay nghề
cho 120 học viên. Qua đó đã tạo việc làm mới cho nhiều lao động, tăng
năng lực sản xuất cho làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng,
chất lượng và phát triển mẫu mã sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập
cho lao động, bảo đảm cuộc sống an sinh tại địa phương.
Nhằm
tập trung nguồn lực cho sản xuất, tăng năng lực sản xuất và tiêu thụ,
góp phần khôi phục và mở rộng làng nghề, hai làng nghề truyền thống là
gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã thành lập hợp tác xã làng nghề.
Hiện tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ làng nghề dệt thổ cẩm Chung Mỹ thành lập
hợp tác xã.
Tỉnh
cũng tiến hành quy hoạch vùng nguyên liệu để phục vụ cho làng nghề gốm
Bàu Trúc, đồng thời sắp tới sẽ hỗ trợ đầu tư lò nung bằng ga để nâng cao
chất lượng cho sản phẩm gốm, góp phần bảo vệ môi trường.
Với
những sự đầu tư, hỗ trợ này, các làng nghề của đồng bào dân tộc Chăm
tại Ninh Thuận đang có bước phát triển nhanh chóng, đời sống vật chất và
tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao . Tỷ lệ hộ nghèo của 3
làng nghề truyền thống giảm khoảng 2%/năm; thu nhập bình quân của người
lao động cũng tăng từ 8,5 – 9 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 11,5 –
12 triệu đồng/người/năm (năm 2011).
Theo baotintuc