Làng nghề nuôi cấy ngọc trai thuộc huyện đảo Vân Ðồn, tỉnh Quảng Ninh.
Ðặc điểm: Nghề nuôi cấy Ngọc trai ra đời cách đây khoảng 40 năm. Ở
đây có rất nhiều các loại trai quý và có giá trị xuất khẩu cao như: trai
Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson.
Làng nghề nuôi cấy ngọc trai trên biển đầu tiên của vùng Ðông Bắc Việt
Nam thuộc huyện đảo Vân Ðồn, cách thành phố Hạ Long khoảng 60km. Nghề
này đã ra đời và phát triển ở đây khoảng 40 năm . Huyện đảo Vân Ðồn có
diện tích các bãi triều ngập nước là 10.969ha, cùng hàng vạn ha đất có
mặt nước tại các vụng, tùng, vịnh... ẩn khuất trong trùng điệp núi đá,
núi đất thuộc vịnh Bái Tử Long là những nơi lý tưởng để phát triển nghề
này.
Vân Ðồn là nơi tập trung tới bốn loài trai ngọc có giá trị, gồm trai
Mã Thị, trai Vỏ Dày, trai Cánh Dài và loài Jamson. Ðây là những loài
trai ngọc rất quí và có giá trị xuất khẩu cao . Với diện tích mặt nước
hàng vạn ha, cùng với khí hậu, môi sinh rất thuận lợi cho việc nuôi trai
cấy ngọc, tạo nên một vùng nuôi cấy ngọc trai rất lớn ở Vân Ðồn. Theo
tàu ra Vịnh, du khách có dịp tới thăm các "ngư trường" nuôi trai cấy
ngọc trên biển của “làng” trai ngọc Vân Ðồn. Dưới ánh nắng ban mai lấp
loá những giàn phao, lưới lồng nhấp nhô trải dài theo con sóng, chắc bạn
sẽ cảm thấy ngỡ ngàng, thích thú bởi cảnh vật nơi này.
Ngày xưa, nghề nuôi trai, cấy ngọc được làm theo phương pháp thủ
công. Lồng nuôi trai, cấy ngọc được treo lên đầu sào tre, số lượng ít,
hiệu quả kinh tế không cao. Ngày nay nhờ áp dụng kĩ thuật nuôi trai lồng
bè với phao dây theo phương pháp khoa học kĩ thuật tiên tiến như treo
lồng ở độ sâu không quá 2,5m để khi triều rút, lồng nuôi không được nổi
lên mặt nước biển hoặc không được chạm đáy, loài khác sẽ ăn trai hoặc
con trai sẽ hớp phải bùn... Một phương pháp nữa cũng được áp dụng , đó là
ghép bè thành giàn bằng các cây tre dài và thẳng, diện tích vài trăm
mét vuông/khu, mỗi lồng cách nhau 0,5m. Những bè nuôi như vậy có thể
nuôi trai theo nhiều lứa tuổi, việc di chuyển chăm sóc trai cũng dễ dàng
hơn.
Theo cinet