ĐẤT NGHỀ ĐAN (HÀ NỘI)
(Ngày đăng: 05/07/2012 Lượt xem: 483)
Không
ở đâu nghề đan lát lại thăng hoa như Hà Nội (đặc biệt là ở Hà Tây
cũ) khi tên tuổi của biết bao làng nghề đã đi vào lịch sử, ca dao, tục
ngữvà đời sống của người Việt Nam . Thật khó kể hết tên của hàng trăm
làng nghề đan lát trên mảnh đất này, nhưng có lẽ không ai không biết đến
những cái tên đã trở nên quá quen thuộc như Phú Nghĩa, Ninh Sở hay Phú
Túc... đã làm rạng danh nghề đan lát Việt Nam trên thị trường thế giới.
Đẹp quá mây xiên
Là một làng quê thanh bình, Phú Nghĩa đã từ bao đời nay nổi tiếng với
nghề đan lát. Cái tên địa danh mà ông cha để lại đã chứa đựng biết bao ý
nghĩa. Phú Nghĩa, theo Hán Việt, có nghĩa là sẽ giàu lên nhờ những mặt
hàng có tình, đạt nghĩa. Không ai nhớ rõ nghề đan lát ở đây đã có từ bao
giờ, nhưng từ đầu thế kỷ XVII những người thợ Phú Nghĩa đã mày mò sáng
tác để làm ra những chiếc rổ, chiếc rá cũng như các vật dụng đan lát
khác trong gia đình. Từ các nguyên liệu ban đầu là cây tre, cây nứa...
người thợ đan lát đã sớm phát hiện ra giá trị sử dụng của cây mây, một
loại cây thường được trồng rất nhiều làm hàng rào, có độ dẻo và tính
thẩm mỹ cao.
Để có được những bình hoa, những lẵng hoa hay những đĩa hoa nhẹ nhàng
duyên dáng, người ta không chỉ tìm thấy ở Phú Nghĩa mà còn có ở nhiều
làng nghề khác như Trường Yên, Đông Phương Yên, Bình Phú... Nhưng để tìm
những sản phẩm đan lát đẹp từ mây, đặc biệt là hàng mây xâu xiên thì
không đâu có thể sánh được với Phú Nghĩa, nơi luôn được mệnh danh là
đỉnh cao của nghệ thuật đan mây Việt Nam.
Cây mây thật giản dị, thoạt nhìn thật khó tìm ra cái chất ”mỹ nghệ” của
nó, nhưng với đôi bàn tay tài khéo, người Phú Nghĩa đã biến những cây
mây bình thường ấy trở thành vô giá qua những sáng tạo nghệ thuật. Người
Phú Nghĩa ai cũng biết đan và ai đan cũng đẹp . Qua năm tháng thời gian,
không ai có thể đếm hết các loại hàng mây mỹ nghệ do bao lớp nghệ nhân
và người thợ Phú Nghĩa đã làm ra, từ những lẵng mây, làn mây, túi mây,
đĩa mây, bát mây, lọ hoa... Mỗi sản phẩm lại có nhiều kiểu dáng khác
nhau: đĩa gồm có đĩa tròn, đĩa bát giác, đĩa bán nguyệt..., làn thì có
làn xách tay, làn đơn, làn kép... Nhưng có một điều ai cũng dễ nhận ra
là nghệ thuật đan mây ở đây luôn thăng hoa cùng chiều dày năm tháng với
bao lớp nghệ nhân và người thợ luôn mang trong mình lời nhắn nhủ của ông
cha ”một thời nghề giỏi, muôn thời vinh quang”./.
Làng đan lát bên sông
Về Ninh Sở, một xã nằm bên dòng sông Hồng lộng gió, bạn sẽ bắt gặp khung
cảnh đông vui nhộn nhịp hiếm thấy ở một làng quê vì luôn có những đoàn
khách nước ngoài đến thăm quan, đặt hàng và không ngớt lời trầm trồ khen
ngợi trước bàn tay khéo léo, tài hoa của những người dân nơi khởi thủy
của nghề tre đan nổi tiếng.
Theo như lời kể của các cụ cao tuổi, những người dân ở đây vốn thuộc đất
Thăng Long xưa. Vì không có đất và do cuộc sống khó khăn, họ đã phải
tạo ra các công cụ sản xuất để có thể đơm đó, đánh lờ, đan giỏ mò cua,
bắt ốc… Chính do nhu cầu sản xuất đó mà nghề đan lát được phát triển,
không những sản xuất đủ dùng mà còn mang bán sang các vùng lân cận.
Những ngày ấy cách đây cũng đã trên ba trăm năm.Gọi là hàng tre đan
nhưng người Ninh Sở lại sử dụng các nguyên liệu chủ yếu là nứa, giang
hay lùng..., là những loại cây thuộc họ tre nhưng rất dẻo và có đốt
thưa. Người thợ ở đây từ xưa đã rất khéo léo và tài tình trong việc phối
hợp các loại vật liệu để tạo ra không chỉ sự đa dạng của sản phẩm mà
còn tạo cho sản phẩm những nét tự nhiên hết sức quyến rũ… như mây để làm
quai, cuốn cạp; cây guột, cây tế tạo nét hoang dã của núi rừng.
Sử dụng nguyên liệu là cây giang, cây nứa tưởng như đơn giản nhưng thực
ra cũng khó. Nứa già làm cạp, nứa vừa làm nan, nứa non phải chuốt nan
rất mỏng để tết hoa, tết các hoạ tiết trang trí . Đây là một nghề đòi hỏi
người thợ phải có đôi tay khéo léo thực sự. Kỹ thuật chẻ nan yêu cầu
phải biết lách con dao sao cho độ dày mỏng thật đều, thật phẳng thì sau
đan mới đẹp, phải biết chọn từng cái cật, dẻo cùng dẻo, cứng cùng cứng.
Đã thế, nguyên liệu cũng phải được bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo,
tránh mục mọt. Nứa, giang cạo tinh gặp nắng rất trắng, gặp mưa là mốc,
có khi nan phải đem sấy khô, thậm chí phải ngâm chống mọt … Kỹ thuật
nhuộm nan cũng là cả một kỳ công để sao cho nan không bị phai, tạo nên
một thế giới màu sắc phong phú trên những giỏ hoa, bình hoa, rổ đựng hoa
quả, hộp đựng quần áo, giỏ trồng cây, khay đựng đồ…
Nghề tre đan Ninh Sở phát triển tinh vi đến mức người nghệ nhân có thể
nhìn vào ảnh, nghĩ ra cách đan để tạo thành những bức tranh chân dung
hoặc tranh phong cảnh. Đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình
thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ cũng chính vì vậy,
khách nước ngoài rất chuộng hàng tre đan ở đây và nghề đan lát Ninh Sở
đang hứa hẹn một tương lai vô cùng tươi sáng ./.
Cỏ quý tặng người
Với người dân làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, thì một loại
cỏ rừng có tên là cỏ Tế (còn gọi là Guột) quí như vàng bạc. Chuyện kể
rằng: những năm đầu thế kỷ XVII, làng có tên là Gầu Tế, dân cư thưa
thớt, đất đai hoang hóa mọc đầy cỏ dại. Có người đàn bà họ Nguyễn đến an
cư lập nghiệp đã phát hiện loại cỏ có thể đan lát thành đồ dùng và đánh
bắt cá cua. Dân làng đã học, làm theo rồi đời này truyền đời khác. Cỏ
Tế được dùng làm nhiều đồ dân dụng cho dân trong làng và bán đi khắp
nơi. Ghi ơn người có công phát hiện ra cỏ Tế, dân trong làng coi bà là
tổ nghề với cái tên là Nguyễn Thảo Lâm và thờ phụng bà tại đình làng Lưu
Thượng.
Kế thừa truyền thống xưa, nghề đan lát cỏ Tế đã ngày một phát triển và
trở thành độc quyền của người dân làng Lưu Thượng bởi cỏ Tế có những ưu
điểm mà sợi mây, nan tre không có . Màu nguyên thủy của cỏ Tế là màu đỏ
nên những sản phẩm như lẵng hoa, hộp đựng, làn xách, con hươu, con vịt,
con gà... không cần ngâm tẩy hóa chất, chỉ cần một nước dầu bóng là sản
phẩm rực rỡ, tươi tắn và bền màu nên được khách hàng quốc tế rất ưa
chuộng.
Những năm gần đây, nghề đan lát cỏ tế ở Lưu Thượng phát triển rất mạnh
và lan sang các làng còn lại trong xã, đồng thời cũng phát triển sang
các xã lân cận. Không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước, hàng
guột tế Lưu Thượng đã xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế giới như
thị trường Đông Âu, Nhật, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan... với tên tuổi của
nhiều doanh nghiệp như Hồng Kỳ, Hiền Lương … đem lại doanh thu xuất khẩu
hàng năm đạt gần 30 tỷ đồng.
Theo con đường nhựa với hai hàng cây trải dài chạy dọc con sông dẫn vào
làng Lưu Thượng hôm nay, ai cũng dễ nhận thấy sự thay da đổi thịt so với
các vùng làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ khác. Những ngôi nhà ngói san
sát, những tiếng cười, tiếng hát đó đây…, tất cả đều được dựng nên từ cỏ
quý mà thiên nhiên ban tặng ./.
Theo hrpc