Rối nước Đồng
Ngư (xã Ngũ Thái, Thuận Thành) hiện là một trong 14 phường rối dân gian
trong cả nước còn duy trì hoạt động khá đều đặn. Không biết múa rối
nước Đồng Ngư có tự bao giờ song với nét độc đáo riêng có: hát Quan họ
trong các tích trò đã làm phường rối này được biết đến nhiều hơn.
Đi
biểu diễn khắp nơi mang theo bản sắc quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh bằng
những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm, rối nước Đồng Ngư đã,
đang và sẽ góp phần quảng bá để dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng lan
tỏa…
Anh Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư cho
biết “Hiện phường có 18 thành viên chính thức và 5 cộng tác viên, có thể
biểu diễn được 15 tích trò”. Công việc chính của các nghệ nhân là làm
nông nghiệp, song với niềm yêu tha thiết với nghệ thuật múa rối nước, họ
vẫn thường xuyên có mặt đông đủ trong các đợt lưu diễn.
Cũng
theo anh Lai thì 3 năm trở lại đây, do sự phát triển của nghề thu mua
phế liệu, khách du lịch không còn tìm đến với rối nước Đồng Ngư để được
xem biểu diễn tại địa phương như trước đây nữa. Do vậy, những năm gần
đây, bản thân người dân địa phương cũng chỉ được thưởng thức “đặc sản”
của quê mình vào ngày Hội Đình, Hội Đền vào giữa tháng 3 và 4 âm lịch.
Ngoài việc tham gia biểu diễn trong chương trình Hỗ trợ bảo tồn và phát
triển các phường rối dân gian tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, phường
còn biểu diễn theo lời mời của các địa phương, đơn vị.
Với tổng
số 15 tích trò, mỗi tích dài khoảng 4-5 phút, nét đặc sắc nhất và riêng
có của nghệ thuật rối nước Đồng Ngư là tất cả các tích trò đều sử dụng
lời hát dân ca Quan họ. Vì các nghệ nhân của phường đều lớn tuổi (gần
một nửa thành viên phường rối trên 70 tuổi) nên trong các buổi diễn
phường phải mời thêm 5 cộng tác viên là các nghệ sỹ hát Quan họ.
Trong
số 15 tích trò thì có hai tiết mục đặc sắc nhất của rối nước Đồng Ngư
phải nhắc đến là “Hái cau mời trầu” và “Quan họ giã bạn”. Chính những
tiết mục này đã mang đến cho rối nước Đồng Ngư nét độc đáo riêng có
trong làng nghệ thuật rối nước dân gian.
Hai cụ Nguyễn Bá Đổng và
Nguyễn Đăng Phải năm nay đều đã 75 tuổi song còn rất nhiệt huyết với
nghệ thuật rối nước mở lòng: “Đây là vốn xưa các cụ truyền lại nên phải
giữ. Múa rối nước không dễ nhưng cốt ở cái tâm người làm nghề… Múa rối
nước là thứ nghệ thuật chỉ bắt mắt thiếu nhi và người già nên nếu không
có sự say mê thì không có cảm hứng để biểu diễn”.
Ở phường rối
nước Đồng Ngư, những người “ngoại đạo” như anh Lai không nhiều. Nói là
ngoại đạo bởi chủ yếu các nghệ nhân cha truyền con nối. Ví như gia đình
cụ Đổng có 2 người con trai, gia đình cụ Phải có 1 con trai, 1 con rể
sinh hoạt trong phường, một số cháu nội của hai cụ cũng đang theo học
nghệ thuật múa rối nước.
Anh Lai tâm sự “Múa rối nước có 2 kỹ
thuật máy dây và máy sào. Hiện kỹ thuật máy dây đã thất truyền ở hầu hết
các phường rối, song Đồng Ngư là một trong số ít phường còn giữ được kỹ
thuật này. Kỹ thuật máy dây đòi hỏi người biểu diễn phải có tay nghề
cao. Với kỹ thuật này, người điều khiển có thể đưa rối ra xa sân khấu
biểu diễn từ 5-7m mà không ảnh hưởng đến hoạt động của con rối. Còn kỹ
thuật máy sào thì đơn giản hơn và khá hiệu quả bởi có thể làm con rối
sống động nhưng lại không đi xa được. Con rối thường được làm bằng gỗ
nhẹ (chủ yếu là gỗ sung) nên sau mỗi đợt biểu diễn, chúng tôi phải mang
rối ra phơi để bảo quản”.
Việc bảo quản con rối đang là vấn đề
trăn trở của các thành viên trong phường bởi trong tổng số trên dưới 200
quân trò đã có khá nhiều bị cũ, xấu, mục, xuống cấp. Hệ thống âm thanh
phục vụ biểu diễn đã hoàn toàn không sử dụng được từ 3 năm nay, mỗi lần
đi diễn đều phải thuê.
Cùng với thi chạy Ró, thi nấu cơm, Tổ tôm
điếm… rối nước Đồng Ngư là một trong những hoạt động được UBND tỉnh phê
duyệt trong chương trình Festival Bắc Ninh 2010. Hy vọng rằng, du khách
trong và ngoài nước sẽ có dịp thưởng thức một nét văn hoá đặc sắc miền
Quan họ qua rối nước Đồng Ngư.
Các nghệ sĩ làng hối hả chuẩn bị trước giờ diễn
Phường Đồng Ngư có trò “Mời trầu” với quân rối đứng trên thuyền chứ không lội nước như ở nơi khác
Từ miền quê quan họ, phường rối cũng có các liền anh liền chị bằng gỗ xinh xắn với cảnh hát giao duyên tình tứ
Để đoàn rước của nhiều quân rối có thể đi được xa, các nghệ nhân điều khiển bằng hệ thống dây và ống dưới mặt nước
“Con trâu là đầu cơ nghiệp” – Trò rối “Đi cày” phổ biến với tất các các phường rối nước
Lo phần lời, các bài ca và âm nhạc là các nghệ sĩ đồng quê ngồi trên bờ
Sau chương trình với khoảng hơn chục trò diễn, các diễn viên sau cửa mành “hiện ra” tươi cười chào khán giảTheo baobacninh