Mấy
năm trở lại đây nghề đậu phụ đã trở thành thế mạnh trong phát triển
kinh tế của làng Trà Lâm. Những năm gần đây, trong khi các làng quê cùng
xã chuyển mạnh theo hướng thương mại, dịch vụ thì làng Trà Lâm vẫn bình
chân với nghề truyền thống. Có thời Trà Lâm trở nên tụt hậu ở địa
phương vì mức phát triển đều đều như nhiều năm trước. Tuy nhiên, thương
hiệu đậu gù Trà Lâm nổi tiếng vẫn được dân làng bền bỉ giữ gìn, khi khai
thông được đường tiêu thụ thì làng nghề đã có sức sống mới.
Đậu Trà Lâm
Năm
2000 thôn đã xây dựng được nhà máy nước sạch trị giá 1,8 tỉ đồng đủ
cung cấp cho làng nghề hoạt động và nâng cao thêm chất lượng sản phẩm
đậu, một nghề tốn rất nhiều nước, như dân thường nói Nghề nghiền cái
thành nước, rồi lại lọc nước lấy cái, một cân đỗ tương theo mức chuẩn
của thương nghiệp thời xưa phải làm ra 2,4 cân đậu và 2 cân bã, tức là
phải thêm 3,4 cân nước và nhiều lần hơn khi lọc bỏ đi nữa.
Do
tiêu thụ tốt, hiện nay có đến 80% số hộ (khoảng 300 hộ) làm nghề đậu
thường xuyên, mỗi ngày mỗi hộ làm khoảng 30 cân đỗ, tăng gấp năm lần
trước đây nên các hộ đều đã và đang áp dụng máy móc vào làm nghề. Dàn
cối xay bột khoảng 3 triệu đồng có thể mua ở thị xã Từ Sơn hay Đại Bái
(Gia Bình). Dàn máy vắt bột cũng khoảng 3 triệu đồng mua ở Đại Bái. Gần
đây một số hộ sắm lò hơi loại nhỏ để đun bột, vừa tiết kiệm nhiên liệu
tới 20% lại không lo khê, bỏng và giảm được tới 70% nhiệt độ không gian
nơi làm đậu, một điều không thể khắc phục trước đây, một nỗi vất vả đáng
kể với làng nghề.
Ông
Nguyễn Văn Dư, Trưởng thôn Trà Lâm là hộ đầu tiên dùng lò hơi đun bột
khẳng định những điều khuyến cáo của cơ sở sản xuất lò hơi là thật, hi
vọng tới đây nhiều hộ khác cũng sẽ sắm lò hơi. Theo ông Dư, tương lai
nghề đậu còn phát triển mạnh hơn, vì hiện nay có đội ngũ đông đảo người
các làng khác chuyên cất đậu Trà Lâm đi bán ở các thành phố lớn, người
làng tới đây sẽ chỉ chuyên sản xuất mà thôi. Với mức sản xuất hiện nay,
bình quân mỗi hộ làm nghề có thu khoảng 150 nghìn đồng/ngày. Thời gian
làm đậu thường là tranh thủ đêm về sáng để đậu tươi ngon, còn ban ngày
vẫn có thể làm ruộng, chăn nuôi bình thường. Nghĩa là người Trà Lâm vẫn
đi bằng hai chân như xưa nhưng thu nhập nghề phụ đã thành nghề chính, ổn
định thường xuyên.
Từ
việc phát triển được nghề truyền thống mà đời sống vật chất và tinh
thần hôm nay có nhiều thay đổi. Đường làng đang được bê tông hoá, nhà
cửa kiên cố, thiết chế văn hoá truyền thống được củng cố, thiết chế văn
hoá mới được xây khang trang
Theo bacninh