LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nơi ấy - Ngôi Hậu của làng dệt
(Ngày đăng: 11/06/2014   Lượt xem: 905)

  Với những mặt hàng đũi, hàng tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh... đa dạng về mẫu mã, chất lượng, từ lâu người dân thập phương đã vị phong cho Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là 1 trong 2 "nàng Hậu" của nghề dệt lụa truyền thống Việt Nam (cùng với làng dệt Vạn Phúc -Hà Đông).


Làng nghề dệt lụa truyền thống Nha Xá.

Ngày nay, "nàng Hậu" ấy vẫn mặn mà quyến rũ như người con gái đương thời xuân sắc nhất. Và Nha Xá sẽ còn được yêu mến nhiều hơn nữa nếu như vấn đề môi trường ở đây được đảm bảo tốt hơn.

Làng nghề trứ danh

Nằm bên sông Hồng (gần cầu Yên Lệnh, tiếp giáp giữa 2 tỉnh Hà Nam và Hưng Yên ngay nay), Nha Xá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Song cơ duyên sẵn định, nghề đánh bắt cá trên sông đã khởi nguồn cho việc hình thành nên một làng nghề dệt Nha Xá trứ danh như ngày nay.

Người dân làng Nha Xá vẫn lưu truyền câu chuyện được coi như một giai thoại về ông tổ khai sinh ra nghề dệt của làng từ thế kỷ XIII. Chuyện kể rằng, khi tướng quân Trần Khánh Dư, nhà Trần đánh giặc Nguyên Mông xong đã xuôi dòng Nhị Giang về nghỉ chân ở chùa Nha Xá.

Trong lúc dừng chân, ông phát hiện khúc sông này đặc biệt nhiều cá bột, nên đã hướng dẫn bà con trong làng cách vớt cá, tạo thu nhập cho gia đình. Để vớt được cá bột trên sông Hồng, người dân cần phải sử dụng dụng cụ vớt là những chiếc vợt xăm. Đây là chiếc vợt có cán dài, được làm bằng khung gỗ và bọc quanh bằng lụa tơ tằm.

Nha Xá cũng như các làng, xã chung quanh đều có bờ bãi dài, nên vị tướng Trần Khánh Dư đã hướng dẫn người dân trong vùng trồng dâu nuôi tằm để lấy nguyên liệu làm vợt xăm. Từ đó, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ngày càng phổ biến ở làng cũng như các vùng lân cận và dần trở thành nghề chủ đạo của người dân Nha Xá.

Ban đầu, người dân Nha Xá dệt chủ yếu vợt xăm, sau đó dệt đũi - bao tượng rồi đến những nếp vải lụa óng mượt… Làng nghề dệt lụa Nha Xá cứ thế thành tên, sản phẩm vươn tới các thị trường Đàng Trong, Đàng Ngoài, Sài Gòn Chợ Lớn, Huế, Đà Nẵng, Nam Định..

Ông Lê Như Thiều, Trưởng thôn Nha Xá kể rằng: "Trước đây, các cụ bán xăm, bán đũi rồi phát triển thành nghề dệt lụa tơ tằm xuất khẩu sang nhiều nước như Pháp, Ý, Nhật, Nga...

Đặc biệt, thời kỳ kháng chiến, Nha Xá vinh dự được nhà nước giao trong trách dệt sợi phục vụ quốc phòng. Chúng tôi không phải làm ruộng mà bàn giao hết cho các làng bên cạnh, thay vào đó là ăn gạo sổ, nhà nước nuôi".

Xưa kia, người Nha Xá chủ yếu là dệt thủ công, nhưng nay nghề dệt đã được cơ giới hóa gần như hoàn toàn. Nhờ khung máy được cải tiến, người ta đưa máy vào dệt lụa hoa và giờ là dệt máy kiếm - máy máy hiện đại, không cần thoi.

Nha Xá hiện có 286 hộ, trong đó khoảng 111 hộ làm nghề dệt lụa, trong đó có khoảng hơn chục máy kiếm dệt lụa, đại diện cho thế hệ mới của làng nghề. Các hộ còn lại vẫn dệt bằng máy công nghiệp, sử dụng thoi.

Ước mơ môi trường được xử lý ô nhiễm

Những tấm lụa trước khi đưa ra thị trường đều phải trải qua công đoạn hấp, tẩy chuội để nhuộm. "Trong tơ tằm có một số tạp chất ảnh hưởng đến độ bắt bóng, nên cần phải tẩy bỏ chúng đi để tăng độ bắt bóng, màu cho lụa", ông Thiều cho biết.

Đây chính là công đoạn quan trọng tạo ra độ óng, đẹp, bắt màu và bắt mắt của sản phẩm, song cũng chính công đoạn tẩy chuội này khiến cho làng nghề Nha Xá đang đối mặt với nhiều nỗi lo về ô nhiễm môi trường.


Tẩy chuội ở Nha Xá.

"Tẩy chuội rồi nhuộm thì phải sử dụng hóa chất. Tùy từng màu mà dùng những hóa chất khác nhau. Càng nhiều màu sắc thì càng nhiều hóa chất được sử dụng. Trước đây ở làng, nhà nhà dệt, nhà nhà tẩy chuội và xả trực tiếp ra ao, khiến hệ thống ao hồ, mương rãnh trong làng đen ngòm, hôi hám.

Mấy năm gần đây, chính quyền tỉnh Hà Nam đã yêu cầu các gia đình phải xử lý nước xả thải, nhưng họ xử lý bằng phương pháp thủ công là đào hố xử lý lọc nước, ô nhiễm môi trường có giảm nhưng hiệu quả không được như mong đợi", Trưởng thôn Lê Như Thiều không khỏi lo lắng.

Ở Nha Xá, xưa kia gia đình nào dệt lụa thì gia đình đó đồng thời tẩy chuội luôn cho sản phẩm của mình. Nhưng hiện nay, bên cạnh số ít hộ tự tẩy thì trong làng có 2 cơ sở tẩy chuội lớn, xử lý hàng nghìn mét vuông lụa mỗi ngày, thải ra môi trường cả trăm mét khối nước thải độc hại.

Ngay đầu năm 2014 nay, một trong 2 cơ sở tẩy chuội lớn của thôn đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 3 triệu đồng do xả nước thải gây ô nhiễm môi trường trong thôn.

"Để giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường làng nghề Nha Xá, mới đây, tỉnh Hà Nam đưa dự án xử lý nước thải về gần 50 tỷ đồng và cần vốn đối ứng của địa phương là 3 tỷ đồng, nhưng do xã không chưa có tiền nên đến nay dự án vẫn chưa triển khai.

Chúng tôi rất mong muốn có một dự án xử lý nước thải để đảm bảo môi trường trong sạch cho làng nghề dệt lụa Nha Xá, tạo sự yên tâm cho người dân trong thôn", Trưởng thôn Lê Như Thiều nói.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.520.773
Tổng truy cập: