Cũng như các làng nghề điêu khắc, sơn mài, làng
nghề gốm sứ Bình Dương không chỉ làm ra của cải, đóng góp vào giá trị sự
tăng trưởng kinh tế, mà còn là sự thể hiện nét văn hóa, lịch sử truyền
thống của Bình Dương.
Trên đất Bình Dương hiện nay có ba làng nghề sản
xuất gốm sứ khá tập trung là: Tân Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu
(Thuận An) và Chánh Nghĩa (Thị xã Thủ Dầu Một) với hàng trăm cơ sở sản
xuất, đa số chủ nhân các lò sản xuất gốm sứ là người Việt gốc Hoa.
Du khách đang xem nghệ nhân vẽ lên gốm
Sự xuất hiện của các làng nghề gốm trên đất Bình Dương
Thời gian xuất hiện các lò gốm đầu tiên dẫn đến
hình thành các làng nghề gốm, chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác
là tháng năm nào, nhưng chắc chắn các làng nghề gốm đã xuất hiện và tồn
tại phát triển vào cuối thế kỷ 19. Tài liệu chứng minh cho việc này đã
thể hiện rõ trong niên giám, địa chí Thủ Dầu Một do thực dân Pháp để lại
có ghi lại rằng: “Cuối thế 19, đầu thế kỷ 20 ở Thủ Dầu Một còn có mỏ
cao lanh, 10 lò gốm và nhiều mỏ đá” (Thủ Dầu Một đất lành chim đậu – Sở Văn hóa – Thông tin Bình Dương – NXB Văn Nghệ, 1999). Một vài sự kiện có thể đã diễn ra vào thời gian ấy gắn liền với sự hình thành các làng nghề gốm, có thể nêu ra như sau:
- Làng nghề gốm Tân Phước Khánh
(xưa thường gọi Tân Khánh): có vị trí gần vùng mỏ đất sét, rừng rậm
nhiều củi thuận lợi cho việc làm lò gốm. Vào năm 1867, miếu Bà Thiên Hậu
Thánh Mẫu (thường gọi là Chùa Bà) được xây dựng, trong số đồ cúng nhân
ngày khánh thành “Chùa Bà” có cái lư hương và bình cắm hoa bằng gốm.
Trên chiếc bình cắm hoa ngoài vẽ hình bát tiên, còn có ghi chữ Hán tự
Tân Khánh Thôn. Điều này chứng tỏ rằng lò gốm ở Tân Khánh đã xuất hiện
trước khi ngôi Chùa Bà được xây dựng.
- Làng nghề gốm Lái Thiêu: Theo
nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam và qua ý kiến của một số nghệ nhân gốm
sứ thì nghề gốm du nhập vào Lái Thiêu do những người Hoa theo chân các
đoàn thuyền buôn vào, hoặc đi qua bằng đường bộ từ Móng Cái sang vùng
Gia Định lập nghiệp. Trong số lưu dân người Hoa đó có người vốn là thợ
lò gốm, thấy vùng Lái Thiêu thuận lợi cho việc sản xuất gốm nên họ định
cư và mở lò sản xuất gốm (Nguyễn Phan Quang – lịch sử Bình Dương qua niêm giám và địa chí Thủ Dầu Một của thực dân Pháp - Thủ Dầu Một đất lảnh chim đậu).
Trong một số hiệu lò nổi tiếng từ xưa tới ngày nay có chủ lò Kiến Xuân
ông Vương Thế Hùng cho biết rằng lò gốm của ông ta được truyền nối từ
đời ông cố nội tên Vương Tổ từ Phước Kiến sang đây lập nghiệp đến nay đã
trải qua trên 140 năm.
- Làng nghề gốm Chánh Nghĩa: (xưa
thường gọi là làng gốm Bà Lụa). Làng gốm Bà Lụa thuộc Phú Cường, huyện
Tân Bình (dưới triều Nguyễn). Dưới thời Pháp thuộc làng gốm này thuộc
làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một. Chính ở giai đoạn này đã xuất hiện câu
ca dao mà nhiều người Bình Dương đều biết:
“Chiều chiều mướn ngựa ông đô
Mượn ba chú lính đưa cô tôi về
Đưa về chợ thủ bán hủ bán ve
Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu.”
Căn cứ vào các chứng tích cụ thể còn lại ở làng gốm
Chánh Nghĩa: thì vào khoảng những năm 1840 – 1850, có ba lò gốm xuất
hiện đầu tiên ở đất này, sau đó nghề gốm dần định hình và phát triển
thành làng nghề đông đúc cho đến ngày nay.
Một trong ba lò gốm đầu tiên xuất hiện đó là: lò
Vương Lương mà dân gian thường gọi là lò “Ông Tía”. Lò được xây trên
ngọn đồi thấp bên cạnh một con rạch rất thuận tiện cho việc vận chuyển
sản phẩm ra sông Sài Gòn. Ông Vương Lăng (Út Lăng - 92 tuổi ông mất năm
1998), khi còn sống ông có cho biết rằng ông nội của ông tên gọi Vương
Lương từ Phước Kiến sang, đã xây dựng nên dãy lò gốm này từ những năm
1845, hiện nay dãy lò gốm này đã có những người khác đang sản xuất kinh
doanh. Đặc biệt, con rạch cạnh lò gốm đến nay vẫn còn. Tên con rạch ấy
chính là tên gọi khác của lò gốm đầu tiên xuất hiện ở xứ này, đó là
“Rạch Vàm ông Tía”.
Bến chở gốm
Ba làng nghề gốm ở Bình Dương có một nét chung là
cùng xuất hiện vào khoảng giữa thế 19, chủ nhân cùng là những lưu dân
người Hoa từ miền duyên hải Trung Hoa sang Việt Nam định cư, sinh sống
(hiện nay cũng có khoảng vài chục lò gốm có chủ là người Việt, nhưng đa
số chủ lò gốm vẫn là người Việt gốc Hoa).
Xuất phát từ nguồn gốc của các chủ nhân lò gốm đến
Bình Dương từ các địa phương khác nhau, từ các tộc người khác nhau nên
từ khi hình thành các làng nghề gốm người ta thường phân ra có ba trường
phái gốm sứ như sau:
- Trường phái Quảng (đa số chủ lò gốc ở Quảng Đông):
nét nổi bật của trường phái này là việc sử dụng men có nhiều màu sắc,
hoa văn trang trí trên sản phẩm đẹp, cách điệu và trang nhã. Sản phẩm
làm ra gồm có các loại tượng trang trí, các loại chậu hoa, đôn voi…
- Trường phái Triều Châu (chủ lò gốc Triều Châu đa số là người Hẹ):
trường phái này thường sử dụng men màu xanh trắng, có nét vẽ đa dạng
phong phú, hoa văn bình dị, các cảnh sơn thủy hữu tình, hình ảnh các con
vật như: rồng, gà, cá hoặc cây tre, tùng, bách có tính nghệ thuật gợi
cảm. Sản phẩm làm ra đa số là đồ gia dụng phục vụ cho nhu cầu trong đời
sống con người hàng ngày như: chén, dĩa, tô, tộ, các loại bình cắm hoa..
- Trường phái Phúc Kiến (chủ nhân có gốc Phước Kiến):
sản phẩm đa số sử dụng men màu nâu đen, da, lượn, hoa văn trang trí đơn
giản, cách tạo hình sản phẩm đa dạng, dáng đẹp, sinh động. Các sản phẩm
tiêu biểu cho trường phái này như: Ché đựng rượu, lu, vại chứa nước,
các đồ dùng nhỏ như hủ, vịm, chậu.v.v…
Ngày nay các trường phái gốm sứ hầu như không còn
có sự phân định rõ ràng như trước kia, bởi lý do có sự phát triển về
công nghệ, thị trường yêu cầu, nên các trường phái đã có sự pha trộn,
xâm nhập lẫn nhau. Các chủ cơ sở sản xuất nếu muốn tồn tại và phát
triển, họ phải liên tục cải tiến mẫu mã đổi mới công nghệ, sản phẩm cạnh
tranh, gắng với những mặt hàng nổi tiếng của Nhật Bản, Châu Âu là
thương hiệu gốm sứ Minh Long, Cường Phát, Nam Việt. v.v…
Cảnh phơi lu khạp
Trong làng nghề sản xuất gốm, người ta có rất nhiều
việc phải làm từ đầu cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Nhưng có thể gom
lại ở bốn khâu công việc chính yếu của nghề làng gốm là: “nhất liệu, nhì
nung, tam hình, tứ trí”. Như vậy, khâu quan trọng nhất trong sản xuất
gốm sứ là vấn đề chuẩn bị nguyên liệu, phối liệu đất sét cao lanh; khâu
quan trọng thứ hai là nung sản phẩm; khâu quan trọng thứ ba là tạo hình,
tạo dáng cho sản phẩm và thứ tư là trang trí, men màu, vẽ hoa văn trên
sản phẩm. Ở đây chủ yếu nêu lên bản chất, thứ tự sự quan trọng, quyết
định sự thành bại của sản phẩm, chứ không phải trình tự các công đoạn
của quá trình làm ra sản phẩm gốm sứ.
Hiện nay, chủ trương chung của tỉnh đang định hướng
quy hoạch xây dựng làng nghề ở vùng Thuận An, đồng thời thực hiện đề án
quy hoạch, di dời các cơ sở trong vùng đông dân cư có ô nhiễm môi
trường ra một vùng khác ở Tân Thành, huyện Tân Uyên.
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền
kinh tế tỉnh Bình Dương, việc quy hoạch lại làng nghề, vùng chuyên sản
xuất gốm sứ để có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn là điều cần thiết, có
như vậy mới phát triển và bảo tồn được ngành nghề truyền thống, gìn giữ
được sắc thái riêng của Bình Dương, thu hút được sự quan tâm của khách
du lịch trong và ngoài nước đến Bình Dương, nơi đất lành chim đậu.
Theo binhduong.gov