LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Lớp người vẫn bị bỏ sót
(Ngày đăng: 09/05/2014   Lượt xem: 466)

Vất vả, nhưng bù lại vợ chồng anh Phúc – chị Phượng lúc nào cũng được gần nhau.

Vất vả, nhưng bù lại vợ chồng anh Phúc – chị Phượng lúc nào cũng được gần nhau.

Gần một thế kỷ sau lời trăng trối của cụ Thượng làng Lão Việt trong thiên phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố, ngày nay, những người quê như cụ vẫn là lớp người khốn khổ và đầy oan ức.

Đánh bạc mồ hôi

Ngô Tất Tố đã mở đầu thiên phóng sự Việc làng bằng lời trăng trối của cụ Thượng làng Lão Việt: “Hủ tục không phải là thứ thiên kinh, địa nghĩa, nó vẫn có thể thay đổi, nếu phái trí thức để ý đến sự khai hoá cho dân quê. Nhưng vì chúng tôi là một lớp người bị bỏ sót trong luỹ tre xanh, con mắt của phái trí thức ít khi ngó tới. Bởi vậy, những tục lệ quái gở, mọi rợ mới được tự do kế tiếp nhau, chồng chất lên vai chúng tôi” (*).

Gần một thế kỷ sau lời trăng trối của cụ Thượng, lớp người đó vẫn bị bỏ sót.

Chúng tôi đến Phù Lãng vào một chiều mưa phùn, nơi đây hoa xoan vẫn rụng đầy trên những con đường làng lấm lem bùn đất, những căn nhà ngói im lìm chìm trong hương hoa bưởi. Căn nhà ngói ba gian của vợ chồng chị Hà – anh Hoà núp lùm sau đống đất sét án ngữ ngay cổng vào cùng những khối quan, quách chưa nung xếp đầy khắp sân. Màu đỏ sậm của đất sét thấm đẫm mưa xuân như màu thịt da con người nơi đây thi gan cùng sương gió.

Ai đến nơi đây, đứng giữa không gian này có lẽ đều phải xúc động bồi hồi mà sống lại những ký ức về làng quê cổ tích thuở ấu thơ. Nhưng đằng sau vẻ đẹp thanh bình, yên ả đó, là những đôi mắt, những giọt mồ hôi, những bàn tay, bắp thịt người thợ làng, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, vật lộn với trời đất nắng mưa, mà vẫn không thoát khỏi ám ảnh, cái nghèo, cái khổ.

Chị Hà, người chuyên làm tiểu sành ở làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) than thở: hàng phải qua lái, không tiêu thụ ngay được. Nhiều khi người ta ép, hàng bán từ đầu năm cuối năm mới được lấy tiền. Hàng rẻ, lại nhiều người làm, nên họ ép lắm.

Mỗi tiểu sành bán cho thương lái 40.000 đồng, cả bộ quan – quách 80.000 đồng. Trừ chi phí đất sét, củi… lời khoảng 5.000 đồng/cái. Hai vợ chồng làm suốt cả năm đốt được 4 – 5 lò, mỗi lò khoảng 1.000 cái, tính ra thu nhập khoảng 20 – 30 triệu đồng. Nhưng thực tế không phải vậy. Lò thủ công, đốt củi nên không điều chỉnh được nhiệt độ. Đốt non quá thì hỏng cả lô, đốt lâu quá thì bị nổ, có lò có khi không đủ vốn. Lô nào mà đất xấu thì có khi hỏng cả lò. Bấp bênh lắm, không khác gì đánh bạc.

Vợ chồng chị Hà có một đứa con gái ba tuổi, chị lại đang mang bầu sắp sinh. Cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng và nghề làm tiểu sành gia truyền. Không biết làm gì khác nên họ phải cố bám lấy nghề mà sống, mà nuôi con.

Ám ảnh nghèo khó

“Hai tháng, ba tháng nó lại về, lại cho con tiền con đóng tín chỉ kỳ hai, kỳ ba là chết dở. Nói học là cứ học thôi chứ chả biết thế nào”, anh Phúc, hàng xóm chị Hà, nhà chuyên làm chum vại đựng rượu, than. Vợ chồng anh Phúc – chị Phượng lấy nhau được 20 năm, có ba con, con cả đang học đại học ở Hà Nội.

Theo tính toán của chị Phượng, nhà có năm sào ruộng coi như đủ gạo ăn, còn làm nghề chỉ đủ trang trải chi phí chợ búa hàng ngày, tiền ăn học cho con. Anh Phúc chồng chị Phượng nói chen vào: những đứa trẻ ở đây không muốn theo nghề này nữa. Vất vả thì vô cùng mà thu nhập thì bấp bênh. Tôi cũng muốn chúng biết nghề tí, nhưng chả đứa nào chịu.

Thực ra, ở Phù Lãng hôm nay không nhiều người còn muốn bám theo nghề truyền thống, làm tiểu sành, làm chum vại. Ai có điều kiện thì đều theo làm gốm mỹ nghệ, nhanh giàu. Chị Hà nói: ai cũng nói sao chúng em không làm mỹ nghệ. Thực ra hoa văn gì đó không khó, làm quen thì cũng làm được thôi. Nhưng hàng mỹ nghệ đầu ra khó. Phải có người ở trường mỹ thuật giúp liên hệ được đầu ra ở ngoài. Hơn nữa, hàng này lại phải đối mặt với thử thách nghiệt ngã của thị trường, của thị hiếu bấp bênh, ngắn hạn. Sản phẩm này hôm nay đang chuộng, cả làng đổ xô sản xuất thì hôm sau ế chỏng chơ.

Hỏi khắp đầu làng, cuối ngõ, câu chuyện cuối cùng vẫn chỉ là sự đơn độc của người quê. Một mình đối mặt với rủi ro của lửa, đất, than, củi, rủi ro của thương lái ép giá, của thị trường. Đáng ra, giữa cái thời mà hoá chất công nghiệp, đồ sản xuất hàng loạt tràn lan khắp nơi thì những sản phẩm tinh khôi từ đất, nước, cỏ cây (**), thấm đẫm mồ hôi, hơi thở con người phải là những thứ quý hiếm, phải là những thứ cao giá, nhưng trớ trêu thay, ở đây nó vẫn rẻ mạt. Như thế, chẳng phải là họ, người quê nơi đây vẫn là những lớp người bị bỏ sót đó hay sao?


(*) Bài báo Lớp người bị bỏ sót của Ngô Tất Tố đăng trên Hà Nội  Tân văn số 5.3.1940. Một số câu trong bài bị Pháp kiểm duyệt, chúng tôi dùng bản đầy đủ của GS Phan Cự Đệ sưu tầm, giới thiệu.

(**) Ở Phù Lãng, ngày nay người ta vẫn dùng lò đốt than củi để nung, chứ không dùng lò gas, lò điện. Men gốm ở đây cũng hoàn toàn làm từ vật liệu tự nhiên. Một loại men truyền thống làm từ bùn lấy ở sông Cầu và than củi nghiền ra. Muốn có một loại men khác, tạo màu vàng lươn thì họ bỏ thêm vôi bột vào.

                                                                                    Theo: Motthegioi.vn                                                         

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.520.812
Tổng truy cập: