LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng chiếu Cẩm Nê trước nguy cơ mai một
(Ngày đăng: 11/03/2014   Lượt xem: 820)
Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 14km về phía Tây Nam, làng chiếu Cẩm Nê, thuộc xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng) từ lâu đã nổi tiếng với những chiếc chiếu hoa vừa có tính ứng dụng, vừa mang giá trị thẩm mỹ cao. Trải qua bao thăng trầm, biến cố, bị cạnh tranh với nhiều loại chiếu khác, chiếu hoa Cẩm Nê vẫn là một sản phẩm được người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do nhiều nguyên nhân.

Một thời vang bóng

Theo lời những vị cao niên trong làng, nghề dệt chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa (Thanh Hóa), truyền vào khoảng từ thế kỷ 15. Sau này, chiếu Cẩm Nê đã hiện diện ở nội triều các đời vua nhà Nguyễn và rất được yêu thích. Những nghệ nhân Cẩm Nê xưa cũng đã được các triều đại vua Nguyễn sắc phong, ban thưởng. Kể từ đó, chiếu Cẩm Nê trở thành một sản phẩm không thể thiếu trong mọi nếp nhà vùng đất Quảng. Xưa thì trải ở đình, ở làng, nay thì nhà nào cũng có một chiếc chiếu để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Đặc trưng của chiếu Cẩm Nê là mùa hè nằm rất mát, mùa đông lại rất ấm, còn tỏa ra hương thơm dìu dịu. Đặc biệt, chiếu được dệt cói nhuộm sẵn, nên hoa văn nổi ở cả hai mặt chiếu chứ không như chiếu in, chỉ có hoa ở mặt trên. Chiếu Cẩm Nê còn được yêu thích vì là một sản phẩm vừa cao sang, vừa dân dã, không những có tính ứng dụng cao mà còn đáp ứng nhu cầu của người sử dụng về phương diện thẩm mỹ. Theo chia sẻ của nghệ nhân Phan Tấn, người có thâm niên làm chiếu trong làng, thì muốn dệt được một chiếc chiếu đạt chuẩn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên cói được chẻ nhỏ và phơi qua nhiều nắng, cho đến khi chuyển sang màu trắng. Sau đó cói được nhuộm thành nhiều màu sắc khác nhau tùy nhu cầu sử dụng. Từng bó cói đủ màu sắc được phân loại để sử dụng trong công đoạn quan trọng nhất là dệt chiếu. Mỗi khung dệt bắt buộc phải có hai người làm, một người ruôn cói vào và một người ngồi trên dùng go dệt chắc cói vào đay. Đây là công đoạn đòi hỏi cả sự khéo léo lẫn tính sáng tạo của nghệ nhân dệt chiếu. Có thể nói, người thợ dệt đồng thời là một họa sĩ trang trí trên mặt chiếu, không phải bằng bút lông mà bằng đôi tay điều khiển cái khổ và mũi thoi của mình. Không chỉ dệt đơn thuần mà còn cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu để kết hợp như thế nào giữa hoa văn và màu sắc, tạo ra một chiếc chiếu bền, đẹp, mang đậm nét Việt. Có lẽ chính vì sự kỳ công của người thợ làm chiếu mà không chỉ những người dân trong vùng mà những du khách từ nơi xa đến cũng muốn có cho mình một chiếc chiếu hoa Cẩm Nê.

Người thợ dệt chiếu buồn bã trước nguy cơ mai một của làng nghề.

Nguy cơ mai một

Theo nghệ nhân Phan Tấn, vào lúc làng nghề còn hưng thịnh thì cả làng đều sống bằng nghề làm chiếu. Sau ngày đất nước thống nhất, trở về quê hương với hai bàn tay trắng, bà con vẫn chọn nghề dệt chiếu để mưu sinh, nuôi sống gia đình. Nhưng đến nay, cả làng gần 500 hộ, chỉ còn 10 hộ giữ được nghề, trong đó chỉ có 2 hộ là sản xuất thường xuyên, còn 8 hộ kia chỉ làm thời vụ.

Nói về nguyên nhân, ông Phan Tấn cho biết, ngày trước người dân thu mua cói ngay ở Bàn Thạch, Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam). Nhưng nay do vùng trồng cói bị thu hẹp nên muốn mua nguyên liệu bà con phải vào tận Long An và các tỉnh phía Nam, phí vận chuyển rất đắt. Hơn nữa, lúc cả làng còn làm chiếu, sản phẩm làm ra được thu mua rồi đem đi tiêu thụ ở nhiều nơi. Còn bây giờ, do sản phẩm làm ra quá ít, việc thu mua chiếu không còn được duy trì. Điều này khiến cho khả năng cạnh tranh với các loại chiếu khác trên thị trường dần bị giảm sút. Hiện nay ra chợ rất khó tìm mua được chiếu Cẩm Nê vì số lượng làm ra rất ít, chủ yếu được sản xuất để phục vụ các lễ hội, nếu phục vụ nhu cầu sử dụng thì khách hàng phải đặt trước.

“Tôi với lớp già ở đây còn sống ngày nào thì làm chiếu ngày đó. Làm để giữ cái nghề, cái gốc. Chỉ tiếc là lớp trẻ bây giờ không mặn mà với nghề. Chúng thích những công việc năng động và thú vị hơn so với nghề dệt chiếu đòi hỏi sự nhẫn nại và tỉ mỉ. Tôi tiếc cái nghề cha ông để lại quá!”, nghệ nhân Phan Tấn buồn bã chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cẩm, trưởng thôn Cẩm Nê cho biết, huyện, thành phố và xã cũng đã có rất nhiều dự án, kế hoạch; đã đầu tư rất nhiều vốn để vực dậy làng nghề chiếu Cẩm Nê. Nhưng trước tình hình hiện nay, mong muốn đó rất khó thực hiện.

“Làng nghề chỉ phục vụ ở một góc độ nào đó chứ đem ra thị trường thì không đủ sức. Đáng lo ngại là lớp nghệ nhân của làng cũng đã cao tuổi, trong khi đó lớp trẻ lại không chuộng nghề”, ông Nguyễn Hữu Cẩm cho biết thêm.

Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương cần  thống nhất tìm ra một phương án khả thi để gìn giữ làng nghề truyền thống của dân tộc.

                                                                                                Theo: quandoinhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.492.952
Tổng truy cập: