LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Diều sáo An Bình (Bắc Ninh)
(Ngày đăng: 05/03/2014   Lượt xem: 1421)

Dù không phải mùa hè nhưng mỗi khi có làn gió thổi mạnh, trên bầu trời xã An Bình (Thuận Thành) lại có những chiếc diều sáo bay cao. Tiếng sáo vi vu của những chiếc diều hòa quyện vào nhau như một bản nhạc đồng quê làm cho vùng đất nơi đây thêm thanh bình, yên ả.

Ông Trần Văn Mau, một người nhiều năm chơi diều sáo An Bình kiểm tra diều trước khi thả.

Để gìn giữ và phát huy thú chơi tao nhã thả diều, hàng năm vào ngày sinh nhật Bác Hồ (19-5), An Bình đều đặn tổ chức cuộc thi thả diều sáo dân tộc, mời các đơn vị bạn tham gia, tạo sân chơi bổ ích cho những người có niềm đam mê thả diều. Ông Nguyễn Xuân Dưỡng, Chủ nhiệm CLB Diều sáo An Bình cho biết: Hội thi thả diều tại An Bình được diễn ra sôi nổi thu hút nhiều đơn vị bạn tham gia như: Gia Bình, Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Giang... Để vượt qua vòng sơ khảo, những chiếc diều phải qua hai “khau liêm”. Ban tổ chức dùng 2 gậy dài 5-6m giữa đầu gậy buộc 2 chiếc liềm cách nhau 1m được gọi là “khau liêm”. Khi diều bay lên nếu đảo qua “khau liêm” sẽ bị đứt dây, diều bị loại ngay từ vòng đầu. Ban Tổ chức chấm thi dựa trên các tiêu chí về kỹ năng thiết kế, chế tác diều và kỹ thuật thả diều. Diều đạt giải phải là diều đẹp cân đối, chế tác tinh xảo, diều bay cao không bị chao đảo bay lên nhẹ nhàng thẳng góc…

Hiện nay xã có CLB Diều sáo đang duy trì và sinh hoạt đều đặn. CLB Diều sáo An Bình được thành lập năm 1975, ngày đầu có 12 hội viên nay đã tăng lên 30. Hội viên trẻ tuổi nhất là 18 và cao tuổi cũng đã 87, họ cùng nhau gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ những điều tốt đẹp mà thú vui thả diều đem lại. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước chơi diều bằng niềm đam mê, tạo sự gắn bó giữa các thế hệ trong xã. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Mau, 73 tuổi đã nhiều năm gắn bó với thú chơi diều sáo tâm sự: Những chiếc diều sáo bay cao, đẹp mắt luôn thu hút bọn trẻ chăn trâu chúng tôi thời đó. Khi bố tôi đi thả diều là một lũ trẻ con theo sau và háo hức dõi mắt theo chiếc diều. Tôi say mê diều từ khi học lớp 1, thường tự làm ra những cánh diều nhỏ được buộc bằng dây chỉ, dây gai. Lớn lên tôi càng đam mê với thú vui thả diều, bởi nó làm cho cuộc sống tôi thư thái, quên hết mệt nhọc. Diều sáo An Bình được giới chơi diều khắp trong Nam ngoài Bắc đánh giá cao bởi tính dân tộc và độ bay cao thẳng đứng của diều.

Một trong những điều được các hội viên trẻ tuổi tâm đắc là được thế hệ đi trước truyền đạt kỹ thuật, kinh nghiệm trong việc làm diều sáo. Để làm ra một chiếc diều sáo đẹp về hình thức và đạt tiêu chuẩn phải trải qua những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu. Mỗi chiếc diều được làm là một quá trình kế thừa và sáng tạo nghệ thuật không ngừng của những nghệ nhân chơi diều. Diều sáo gồm 5 bộ phận: Khung, dây chằng, vải, sáo, dây diều. Theo các nghệ nhân giỏi chơi diều nơi đây thì để làm diều cần chọn được nguyên liệu tốt. Cái diều được vót từ cây tre già 3 năm trở lên đã phơi nắng nhiều ngày, khung đóng chuẩn, tỷ lệ phù hợp. Diều ngày xưa được dán bằng giấy bổi, rồi dùng nước quả cậy quết vào cánh diều để tạo độ bóng, bền. Do diều làm bằng giấy khi gặp mưa sẽ bị hỏng nên ngày nay diều được làm bằng vải hoặc ni lông. Đối với sáo diều phải chọn loại gỗ mít làm miệng sáo, tầm sáo chọn tre già, độ rỗng hai đầu bằng nhau. Kỹ thuật làm miệng sáo cũng rất cầu kỳ hoàn toàn phải làm thủ công và cần nhiều thời gian để khoét lỗ, khi thổi hai miệng sáo phát âm như nhau mới đạt tiêu chuẩn. Một cánh diều có thể làm 3 đến 5 chiếc sáo, mỗi chiếc sáo phát ra âm thanh khác nhau tạo thành một bản âm hưởng bay xa. Người chơi diều nghe tiếng sáo có thể đoán được diều đó là của hội viên nào trong CLB. Dù phải mất nhiều thời gian mới có được chiếc diều sáo đạt tiêu chuẩn đúng với ý tưởng nhưng những người có thú vui chơi diều sáo luôn háo hức mỗi khi bắt tay vào làm diều. Diều sáo An Bình không chỉ mang đậm nét dân tộc mà diều luôn đạt kỹ thuật, chất lượng cao, đẹp về hình thức. CLB Diều sáo An Bình đã vinh dự được tham dự nhiều chương trình trong và ngoài tỉnh như: Festival Bắc Ninh 2010, biểu diễn diều tại nghìn năm Thăng Long (Hà Nội), giao lưu với CLB Diều Nam Định, Vũng Tàu… và dự kiến sẽ tham dự Festival Bắc Ninh 2014.

Người chơi diều sáo An Bình đã biết kế thừa, gìn giữ và phát huy trò chơi dân gian độc đáo, đặc sắc lâu đời của cha ông, tạo ra một sân chơi bổ ích, lý thú cho các thế hệ trẻ.

                                                                                                  Theo: baobacninh

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.496.716
Tổng truy cập: