LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Làng gốm Yang Tao chờ hồi sinh
(Ngày đăng: 22/02/2014   Lượt xem: 738)

Thời hưng thịnh, làng gốm của người M’nông Rlăm ở Yang Tao (buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lăk, Đăk Lăk) cung cấp sản phẩm cho vùng rộng lớn dọc dãy Chư Yang Sing. Giờ đây, nghề gốm của làng như đốm lửa tàn, lay lắt chờ liều thuốc hồi sinh…

Một thời vang bóng

Có thể nói Yang Tao là nơi độc nhất ở Tây Nguyên có nghề làm gốm. Cụ Amí H’Diếp ở buôn Krông (buôn Dơng Băk) kể rằng: Ngày xưa, đời ông kế đời cha của Amí đã mang sản phẩm gốm đi bán khắp nơi đổi lấy cái ăn. Đến thế hệ Amí cũng vậy. Làm gốm đích thực là một nghề kiếm sống chứ đâu phải "tự cung, tự cấp" như nhiều người nói... Đối chiếu với một số công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa tộc người M’nông Rlăm của các nhà dân tộc học cho thấy, điều Amí H’Diếp nói là có thật.

Những nghệ nhân gốm còn sót lại ở Yang Tao và những sản phẩm gốm mang “hồn” riêng của người M’Nông.
Những nghệ nhân gốm còn sót lại ở Yang Tao và những sản phẩm gốm mang “hồn” riêng của người M’Nông.
Trước đây, không riêng gì người M’nông ở Yang Tao sử dụng đồ gốm mà trong nhiều gia đình người Ê Đê ở nơi khác cũng sử dụng chén bát, chảo, ấm, nồi niêu và cả ghè rượu… trong sinh hoạt thường ngày. Những sản phẩm gốm ấy được xác định là của người M’nông Rlăm (huyện Lăk) làm ra nhờ đặc điểm rất riêng của nó: Gốm được nặn bằng tay (không dùng bàn xoay), được nung bằng củi, và đặc biệt là cách tạo men cho loại gốm này nhờ vào độ cháy đen của vỏ trấu sau khi gốm chín.

Những cứ liệu trên chứng tỏ gốm của người M’nông Rlăm ở Yang Tao đã có một thời khá hưng thịnh. Gốm đã đi vào đời sống của nhiều tộc người bản địa ở khắp một vùng rộng lớn, từ phía nam của dãy Chư Yang Sin (nơi giáp ranh 2 tỉnh Đăk Lăk - Lâm Đồng) đến vòng cung đông - tây (mạn hồ Lăk và Krông Bông bây giờ). Amí H’Dpiết, người già nhất trong buôn Dơng Băk, kể: Thời chiến tranh loạn lạc, bị địch dồn vào trung tâm quận lỵ Lạc Thiện (nay là thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk), bà con vẫn không quên nghề gốm. Không mua bán được với bên ngoài thì họ vẫn làm gốm để phục vụ cho đời sống của chính mình và chuyển ra các vùng căn cứ cách mạng như Rô Men (Lâm Đồng), Đăk Tua (huyện Krông Bông)…

Hết chiến tranh, gốm theo chân người trở lại buôn xưa. Trong ký ức của mình, bà Amí H’Dpiết còn nghe tiếng giã đất thình thịch, thấy những buổi sáng nhà nhà nặn gốm. Những đôi tay thoăn thoắt nặn những khối đất dẻo, rồi dùng đá đánh bóng tỷ mẩn những sản phẩm mình làm ra… Bà Yo Khoanh, dân buôn Dơng Băk nay đã tuổi thất thập, nói với chúng tôi: “Ai bỏ nghề thì bỏ chứ bà quyết không bỏ. Ngày nào không ngửi được mùi bùn là dạ già này bứt rứt lắm”.

Khó khăn bủa vây

Những năm tháng ấy giờ đã thành quá vãng, nghệ nhân gốm ở Yang Tao chỉ còn lại vài người. Họ vẫn cố “giữ lửa” nhưng dường như họ làm thế cho đỡ nhớ.

Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đăk Lăk, có lần tâm sự: “Có thể một ngày nào đó, những sản phẩm gốm của người M’nông chỉ còn được nhìn thấy ở bảo tàng”. Dự cảm của ông Sơn không ngờ lại sắp hiện hữu. Những nghệ nhân gốm còn sót lại ở Yang Tao thừa nhận làng gốm đang bị trăm ngàn khó khăn bủa vây. Khó tiêu thụ là một lẽ mà nguyên vật liệu để làm gốm giờ cũng không còn nhiều.

Ông Y Khương H’Long - Phó Chủ tịch xã Yang Tao buồn bã nói: Để khôi phục lại làng gốm là việc hết sức khó khăn. Nguyên liệu không còn dồi dào như trước. Thêm vào đó lớp trẻ ngày nay cũng có mấy ai mặn mà theo nghề nữa. Trước đây, Bảo tàng tỉnh có mở một lớp học làm gốm cho 20 người. Thế mà giờ chẳng có ai theo nghề, thỉnh thoảng họ làm đôi cái xoong, cái nồi cho vui thôi...

Ông Y Khương H’Long cũng nhận định: Muốn làng gốm hồi sinh, không còn cách nào khác là phải kết hợp với hoạt động du lịch trên địa bàn, xúc tiến những hoạt động thiết thực như mở lớp dạy nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, tăng cường giới thiệu gốm Yang Tao với các đơn vị du lịch... Để làm được điều đó, không chỉ các nghệ nhân mà cả Yang Tao đang cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ, đầu tư đúng mức có chiều sâu của các cơ quan chức năng.
                                                                                        Theo: danviet
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.498.667
Tổng truy cập: