LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Đào Xá - Nơi lưu giữ thanh âm của hồn Việt
(Ngày đăng: 28/05/2012   Lượt xem: 3515)

Người ta vẫn nhắc về làng nghề Đào Xá, ngôi làng nằm trên rẻo đất cuối cùng của Hà Nội, giáp với Hà Nam, nơi mà những người nông dân chất phác của làng chưa một lần được học về kỹ thuật âm nhạc nhưng từ bao đời nay vẫn là cái nôi của những nhạc cụ dân tộc.

Vùng đất thiêng Thăng Long - Hà Nội là nơi bốn phương tụ họp, các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước đổ về đây. 36 phố phường Hà Nội là cách gọi ước lệ, chỉ số nhiều, Hà Nội có nhiều phố nghề hơn thế. Những người thợ tài hoa đã mang theo cả gia đình, họ hàng, làng xóm lên đây mở nhà, lập phố. Bằng sự cần cù và tài năng khéo léo, họ đã làm ra được những sản phẩm tinh xảo, cung cấp cho xứ kinh kỳ và các vùng lân cận, làm cho phố phường ngày càng trở nên sầm uất. Góp mặt cho Hà thành một nghề khá đặc biệt, nghề sản xuất nhạc cụ truyền thống, Làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hoà, đã có từ lâu.

DSC03584.JPG

Ngoài Đào Xá, ở Việt Nam không có làng nào chuyên sản xuất những loại nhạc cụ cổ truyền như vậy. Năm 2009, nghề sản xuất nhạc cụ cổ truyền của làng Đào Xá chính thức được UBND Thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.

Theo những người già trong làng kể lại thì nghề làm nhạc cụ của Đào Xá đã có từ lâu lắm rồi, đến nay cũng khoảng 200 năm. Người mang nghề về làng và truyền dạy lại cho người dân trong làng là cụ Đào Xuân Lan. Khi các dòng âm nhạc cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, hát ả đào… còn đang thịnh hành thì nghề làm nhạc cụ của làng này phát triển thịnh lắm, hầu như nhà nào cũng có xưởng chế tác nhạc cụ. Khi ấy, các đám hát, phường hội đều rất cần những đàn tam, đàn tứ, tì bà... Nghề làm đàn theo đó mà phát triển và trở thành nghề truyền thống của Đào Xá.

Qua thời gian, tay nghề của những người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Có một điều lạ là hầu như những người làm nghề nơi đây không có kiến thức về âm nhạc nhưng âm sắc của mỗi cây đàn họ làm ra lại rất chính xác. Đàn Đào Xá làm ra đã đi khắp cả nước, đưa đến cho người nghệ sỹ danh tiếng, cho tên phố thêm nét đặc trưng riêng, như phố Hàng Nón (Hà Nội), phố Nguyễn Thị Hồng Gấm (Thành phố Hồ Chí Minh)...

            DSC03596.JPG


Trên con phố Hàng Nón vẫn còn thấy những cửa hàng bày bán nhạc cụ truyền thống

Nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu!

Phải trải qua rất nhiều công đoạn cùng với sự tỉ mẩn và tài hoa của những người thợ lành nghề mới có thể có được một cây đàn như ý. Người thợ Đào Xá phải thạo, hay ít nhất là biết về nghề mộc, chưa kể nghề làm đàn cần phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Bởi cái chuẩn của sản phẩm không phải chỉ nhìn thấy đẹp thôi là đủ mà còn phải nghe thấy hay nữa.

Người thợ Đào Xá thường dùng gỗ trắc và gỗ xoan, gỗ vông làm nguyên liệu làm đàn. Qua các công đoạn xử lý, gỗ được pha đúng độ dày mỏng, to nhỏ, phù hợp với từng loại đàn. Sau khi chọn được gỗ, người thợ tạo khung làm dáng, tạo khuôn để làm hộp đàn. Khuôn làm hộp đàn được chuẩn bị cho phù hợp, sau đó đến công đoạn ghép cần và hộp. Nếu hộp đàn có thành là gỗ trắc, mặt gỗ vông thì cần đàn lại là loại gỗ trắc được tiện gọt trang trí kỹ lưỡng. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện... tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật truyền thống.

3.jpg

Người thợ đang chế tác đàn bầu. (Ảnh: Internet)

Cái khó nhất khi làm một chiếc đàn là hoàn thiện âm thanh. Người thợ vừa phải biết căn chỉnh, vừa phải biết thẩm âm để làm sao chiếc đàn đạt được chuẩn mực nhất định. Có một điều lạ là, không một người làm nghề nào nơi đây có kiến thức về âm nhạc. Từ xưa đến nay, những người làm nghề chỉ biết dựa vào kiến thức cha ông truyền lại để làm ra những loại đàn mang những âm sắc khác nhau. Nếu cùng một loại đàn mà cần có những âm hưởng khác nhau như âm thổ, âm kim thì họ làm rất chính xác. Chỉ dựa vào kinh nghiệm mà người thợ tìm loại vật liệu làm cho phù hợp, xác định xem làm đàn mang âm sắc nào... không hề có một công thức hay sách vở nào để dựa vào làm theo.

4.jpg

Đàn tì bà đang thợ được chỉnh dây. (Ảnh: Internet)

Để theo được cái nghề lắm công phu này, người thợ thường phải học việc từ 2 - 3 năm. Người học phải thật chỉn chu, cần mẫn, và phải có tâm với nghề. Và khi đã theo nghề thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục.

Sản phẩm của làng cũng đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có mặt trên thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí còn được nhiều khách nước ngoài biết đến.

Giờ đây, làng Đào Xá đã trở thành đất Thủ đô, nhưng nếp quê và cách sinh hoạt của người dân quê thì vẫn vậy. Những người “nông dân nghệ sỹ” của làng nghề vẫn miệt mài gửi vào cây đàn những gì tinh tuý nhất của tâm hồn mà quê hương đã vun đắp cho họ và giữ lấy tổ nghiệp cha ông.

DSC03590.JPG

Nghề làm đàn truyền thống nơi đây đặc biệt là vậy, thế nhưng, trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, cuốn theo đó là sự thay đổi của nếp sống, làng nghề xưa giờ đã mai một dần. Giờ đây, những người chế tác được những nhạc cụ truyền thống của làng còn rất ít, cả làng chỉ còn có khoảng chục người còn gắn bó với nghề cổ truyền của ông cha.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này có lẽ do để trở thành một nghệ nhân chế tác đàn là điều không dễ. Nghề làm nhạc cụ truyền thống này đòi hỏi thời gian học dài và người thợ phải thật sự tận tâm. Cùng với đó, ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, không có mấy người trẻ còn muốn theo đuổi một nghề vừa đòi hỏi cao về kỹ thuật vừa không đem lại hiệu quả thu nhập so với những nghề khác.

6.jpg

Nghệ nhân Đào Văn Soạn, nghệ nhân hiếm hoi còn lại của làng nghề, năm nay đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng, cái nghiệp làm đàn vẫn ngày đêm thôi thúc ông vực dậy làng nghề. Nỗi lo về sự thất truyền của làng nghề vẫn là điều khiến ông trăn trở mỗi ngày. (Ảnh: Internet)

Qua con phố hàng Nón thuộc khu phố cổ của Hà Nội, người ta vẫn thấy một vài cửa hàng bán nhạc cụ truyền thống. Dù được bày bán cạnh những nhạc cụ hiện đại của Tây phương, nhưng những chiếc đàn truyền thống này vẫn hấp dẫn người xem, người mua. Có lẽ, chính thanh âm của hồn Việt, văn hóa Việt trong từng nhạc cụ là thứ đã khiến người ta không thể bỏ lơ...

Trang Nguyên

(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

53
Đang xem:
75.929.838
Tổng truy cập: