LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nỗi buồn tranh Đông Hồ
(Ngày đăng: 21/01/2014   Lượt xem: 1005)

“Hỡi cô thắt lưng bao xanh/Có về làng Mái với anh thì về/Làng Mái có lịch có lề/Có sông tắm mát có nghề làm tranh” – Nghệ nhân tuổi xế bóng Nguyễn Đăng Chế đọc mấy câu thơ để hoài niệm về một thời làng tranh Đông Hồ đầy sinh khí.

Làng tranh còn lại góc này!

Làng tranh còn lại góc này!

Bao nỗi niềm quyện cùng cái rét đại hàn hạ tuần tháng Chạp với những đợt gió từ triền đê sông Đuống lùa về càng làm cho câu chuyện giữa chủ và khách về quá khứ và thực tại của làng tranh dân gian Đông Hồ thêm buồn não.

Ký ức một làng tranh

Chậm dãi, cụ Chế kể, làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, xưa gọi là làng Mái (nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã hơn 500 tuổi . Thời kì cực thịnh của làng tranh là từ cuối thế kỷ XIX đến khoảng năm 1943 - 1944. Khi đó, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh.

Ngày ấy, chẳng ai thống kê có bao nhiêu mẫu tranh được dân làng sản xuất mà chỉ biết có 5 loại chính, là: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.

Tranh Đông Hồ chủ yếu bán vào dịp Tết Nguyên đán nên hàng năm từ khoảng tháng 7, tháng 8, cả làng tất bật chuẩn bị làm tranh. Khắp làng nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu của giấy điệp , giấy dó, của mộc bản và mầu vẽ…

Nói về nét độc đáo của tranh Đông Hồ, cụ Chế cho biết, đặc điểm độc đáo nhất là bố cục, màu sắc và chất liệu tranh đều mang đậm tính dân gian, gần gũi với cuộc sống thường ngày và tất cả được làm từ những nguyên liệu từ thiên nhiên.

Những người nối nghiệp hiếm hoi

“Giấy in tranh là giấy điệp, làm từ bột vỏ con điệp (một loại sò ở biển) trộn với hồ gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn” – cụ Chế giới thiệu: “Màu in tranh cũng làm từ nguyên liệu tự nhiên, như: màu đen từ than cây xoan hay than lá tre; mầu xanh từ gỉ đồng, lá chàm; mầu vàng từ hoa hòe và mầu đỏ từ gạch non hoặc gỗ cây vang…”

Cũng theo cụ Chế, để hoàn thành một sản phẩm, trước đó, người làm tranh phải vẽ tranh mẫu rồi khắc mẫu tranh đó trên bản gỗ. Sau đó, sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp. Khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi … Cứ thế, dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh từng hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân, những hình ảnh của cuộc sống thường ngày... hiện lên bừng sáng.

Trước đây, vào dịp Tết Nguyên đán, chợ tranh Đông Hồ được tổ chức ngoài đình làng, nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào tháng Chạp. Chợ họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập lắm.

Nhưng, “giờ thì vẫn mộc bản, vẫn giấy điệp, giấy dó, vẫn Gà mái dẫn con, vẫn Đám cưới chuột hay Cưỡi trâu thổi sáo… nhưng chẳng có mấy người quan tâm chứ nói gì đến bán với mua” – cụ Nguyễn Đăng Chế buồn dầu tiếp: “Người thưởng tranh giờ hiếm lắm, chẳng mấy người cất công tìm hiểu, chí ít là tên, là ý nghĩa tranh để có thể bóc tách từng lớp nang văn hoá trên mỗi bức tranh, để thấy vốn liếng văn hoá Việt thuần khiết và trong sáng trong tranh chứ mong gì việc nối nghề, bảo tồn nghề”.

Nỗ lực muộn màng của cơ quan hữu trách

Câu chuyện của cụ Nguyễn Đăng Chế khiến tôi chưa kịp vui mừng về cảnh làng tranh thủa ấy đông vui, tập nập thì đã là nỗi buồn vì giờ cả làng chỉ còn lại hai họ (họ Nguyễn Đăng của cụ Chế và họ Nguyễn Hữu của cụ Nguyễn Hữu Sam – cả hai cụ đều được phong nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ) nói đúng hơn là hai gia đình , còn gìn giữ và duy trì nghề làm tranh.

Hai nhà, hai xưởng làm tranh sao còn gọi là làng tranh được nữa, có lẽ cũng vì thế mà không ít lần trong câu chuyện với tôi, cụ Nguyễn Đăng Chế cho rằng , tranh Đông Hồ giờ chỉ còn trong thi ca, trong ký ức hơn là còn hiện hữu với thời cuộc.

Cụ Chế nói không quá, bởi hôm chúng tôi đến, cảm nhận đầu tiên là đường làng, ngõ xóm tất bật không khí lao động  khẩn trương, nhộn nhịp ở từng gia đình trong việc sản xuất các mặt hàng thủ công, như: đồ chơi trẻ em bằng giấy, giấy nhuộm mầu, các loại đồ mã... chứ không phải làm tranh.

“Bọn trẻ trong làng không đứa nào theo nghề tranh nữa, có ai mua đâu mà làm” – cụ Chế buồn bã và cho biết, từ khoảng năm 1985- 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn . Người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã vì nghề này mang lại nguồn thu nhập cao hơn làm tranh rất nhiều.

 “Nói anh bỏ quá chứ hiện nhà tôi, ngoài các con, cháu ra cũng thuê thêm mấy người phụ việc, nhưng tranh không bán được nên chẳng đủ tiền mà trả công cho người ta. Cứ tình hình này chắc một, hai năm nữa gia đình chúng tôi không giữ được nghề” – cụ Chế thành thật nói: “Vài năm gần đây, khi du lịch phát triển, thi thoảng cũng có vài đoàn khách hoặc mấy anh Tây ba lô ghé qua, nhưng họ ngó nghiêng, chụp ảnh là chính chứ rất ít người mua tranh”.

Nghệ Nhân Nguyễn Đăng Chế: "Đến tên làng Đông Hồ còn không giữ được nói gì đến gìn giữ nghề làm tranh truyền thống"

Về những hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, gìn giữ nghề làm tranh dân gian truyền thống Đông Hồ, cụ Chế thẳng thắn nói, trước đây thì không, nhưng vai năm trở lại đây, chính quyền, xã, huyện, tỉnh cũng có quan tâm, nhưng chỉ dừng lại ở việc động viên, khuyến khích người dân giữ nghề chứ không có hỗ trợ gì cả.

“Tỉnh phong cho tôi cái danh nghệ nhân, thế thôi, cũng chẳng có hỗ trợ, chẳng có chương trình, kế hoạch đào tạo, truyền dạy hay bảo tồn nghề gì đâu” – cụ Chế cho biết.

Những gì cụ Nguyễn Đăng Chế nói khác trùng khớp với thông tin tìm hiểu của chúng tôi. Theo đó, đến năm 2012, Tranh dân gian Đông Hồ mới tỉnh Bắc Ninh xây dựng hồ sơ và sau đó được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cấp bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đặc biệt . Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan hữu quan đã và đang hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình lên tổ chức UNESCO xét duyệt, công nhận Tranh dân gian Đông Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới.

Nhưng phải khẳng định, với làng nghề hơn 500 tuổi, với “một thời vang bóng”, với những dấu ấn đã ăn xâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ những người làm tranh Đông Hồ,… nhưng, giờ chỉ còn hai hộ giữ nghề , thì quả thật, nỗ lực của các cơ quan hữu quan trong việc bảo tồn làng tranh quả là quá muộn màng.

Nhưng, cứ tin rằng, tổ chức UNESCO sẽ công nhận Tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa thế giới, thì sau đó, liệu tranh Đông Hồ có hồi sinh từ thực tại lụi tàn?!

Và người viết xin dừng bút ở đây với câu nói đầy tâm tư của cụ ông Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế: “Đến cái tên làng Đông Hồ còn không giữ được (người ta đã sáp nhập và đổi tên thành làng Đông Khê - PV) thì nói gì đến khôi phục, bảo tồn nghề làm tranh!

                                                                                         Theo: congthuong

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.496.503
Tổng truy cập: