Một thương hiệu chung cho các làng
nghề là điều kiện cần thiết giúp sản phẩm làng nghề vươn xa, tránh bị sao chép
và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Đây cũng là hướng đi mà Hiệp hội Thêu ren thành
phố Hà Nội đang tích cực xúc tiến. Thương hiệu chung sẽ tạo ra một ý thức gắn
kết cộng đồng và mỗi cá nhân sẽ cùng chung tay, góp sức, bảo vệ uy tín chung
cho làng nghề.
Tranh thêu Khuê Văn Các
Hà Nội có nhiều
làng nghề truyền thống, trong đó, nổi bật nhất phải kể đến nghề thêu, tập trung
nhiều nhất ở huyện Thường Tín. Các làng nghề thêu ở Thường Tín được phân bố
khắp các xã Quất Động, Dũng Tiến, Thắng Lợi, Nguyễn Trãi... Mặc dù có giá trị cao về kinh tế, văn hóa... nhưng cũng như
nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ khác, những năm gần đây, nghề thêu phải đối
mặt với không ít khó khăn. Các làng nghề thêu của huyện Thường Tín cũng không
nằm ngoài quy luật chung: bị mai một đi rất nhiều và mất dần uy tín do sự pha
trộn của nhiều loại chất lượng không tốt.
Đứng vững nhờ giữ thương hiệu
Trên thực
tế, một số nghệ nhân, các tay thợ giỏi trong các làng nghề truyền thống vẫn
không ngừng cải tiến mẫu mã, phát triển rất phong phú đa dạng các sản phẩm thêu
và đáp ứng được thị trường tiêu dùng. Vì thế, trong khi nghề thêu nói chung gặp
khó, những nghệ nhân, thợ giỏi vẫn có chỗ đứng với thương hiệu riêng của mình.
Nghệ nhân
Nguyễn Đức Khoa, làng thêu Bình Lăng, xã Thắng Lợi, là một trong số những điển
hình. Để làng nghề phát
triển bền vững, nghệ nhân Nguyễn Đức Khoa xác định phải tìm thị trường tiêu thụ
ổn định cho sản phẩm, tích cực quảng bá thương hiệu của làng nghề mình. Ông là
một trong những nghệ nhân đầu tiên của làng nghề xây dựng thương hiệu riêng cho
sản phẩm thêu. Cơ sở tranh thêu Đức Khoa đã được Sở Du lịch Hà Nội chọn làm
điểm du lịch tham quan tìm hiểu làng nghề thêu truyền thống. Với bước đi mạnh
bạo, ông đã thúc đẩy nhiều hộ làng nghề trong xã học tập làm theo, đến nay có
đến vài chục hộ đã có cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của làng nghề, dọc
đường quốc lộ 1A. Xã Thắng Lợi đã phát triển thành một vùng nghề thêu truyền
thống mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Khoa trong xưởng thêu của gia đình
Thương hiệu tranh Xuân Nguyên của nghệ nhân Lê Văn Nguyên, làng thêu Khoái Nội, xã Thắng Lợi,
cũng là một mô hình thành công từ việc xây dựng thương hiệu để tìm lối ra,
quảng bá cho sản phẩm thêu. Từ cơ sở thêu gia đình, năm 2002, nghệ nhân Lê Văn
Nguyên đã đăng ký thương hiệu tranh Xuân Nguyên và bắt đầu làm nghề một cách
chuyên nghiệp. Để tìm lối ra cho sản phẩm và có thể tiếp cận thị trường một
cách trực tiếp, nghệ nhân đã mở một cơ sở giới thiệu sản phẩm với các tác phẩm
tranh thêu mang thương hiệu Xuân Nguyên.
Tranh thêu cảnh Hồ Gươm của nghệ nhân Lê Văn Nguyên
Từ những mô hình phát triển thương
hiệu cá nhân như trên, vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu chung cho làng
nghề thêu cũng là một định hướng góp phần gỡ rối cho các làng nghề thêu truyền
thống trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm và quảng bá uy tín các làng nghề.
Liên kết để phát triển bền vững
Được thành lập từ năm 2007, đến nay, Hiệp hội Thêu ren thành phố Hà Nội
đã tập hợp được hầu hết các hệ thêu ở các làng nghề, như: khu vực thêu tranh
nghệ thuật chủ yếu ở xã Thắng Lợi, xã Quất Động; thêu túi cườm ở khu vực xã
Nguyễn Trãi; thêu thời trang ở xã Tiến Dũng; thêu chăn ga gối đệm thuộc khu vực
xã Lê Lợi, huyện Mỹ Đức, huyện Phú Xuyên… Hàng năm, các thành viên của Hiệp hội
luôn tích cực tham gia chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm. Sớm ý thức được
giá trị của việc xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, từ năm 2008, Hiệp
hội Thêu ren Hà Tây (tiền thân của Hiệp hội Thêu ren thành phố Hà Nội) đã xây
dựng thương hiệu tập thể của ngành thêu ren và phổ biến cho các hội viên hiệp
hội tham gia đăng ký.
Ảnh logo thương hiệu
tập thể của Hiệp hội Thêu ren Hà Nội
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Thêu ren
thành phố Hà Nội cho biết: "Việc
khuyến khích các đơn vị tập thể, cá nhân sử dụng thương hiệu tập thể là hướng
phát triển theo đúng bối cảnh chung của thị trường hiện nay đem lại nhiều lợi
ích cho các bên tham gia. Với nghệ nhân, là những người đã làm nghề lâu năm, sẽ
có điều kiện tập trung vào các sản phẩm độc đáo, phát triển tư duy sáng tạo,
nâng cao tay nghề. Với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, thương hiệu tập
thể sẽ đem lại lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh doanh;
uy tín hàng hóa và sản phẩm được nâng cao. Họ có thể tập hợp nhau lại như một
"bó đũa", thống nhất để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh
doanh, cùng gắn bó hơn với nghề, và
được bảo vệ về quyền lợi". Theo đánh giá của nhiều nghệ nhân, việc xây
dựng còn giúp khách hàng thì đương nhiên được tiếp cận với những sản phẩm chất
lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ.
Nghệ nhân Nguyễn Xuân Dục bên bàn thêu tranh chân dung Bác Hồ
Là một thợ thêu trẻ, chị Ngô Thị
Tín, chủ xưởng thêu tay Tiền Tiến thuộc xã Quất Động, tỏ ra rất hưởng ứng với
việc sử dụng thương hiệu tập thể. “Đó là một cách giúp những người trẻ làm nghề
như tôi có điều kiện thúc đẩy phát triển nghề, cũng như phấn đấu đạt tới một
trình độ tay nghề cao hơn”, chị Tín chia sẻ. Hiện xưởng thêu của chị có khoảng
40 thợ thêu vệ tinh, 30 thợ thêu chính, chuyên sản xuất và bán các loại tranh
thêu tay nghệ thuật, các đơn đặt hàng hàng ngày cũng khá nhiều và phong phú…
Chị đang phấn đấu để các sản phẩm thêu của mình được gián nhãn hiệu tập thể và
sản phẩm của chị có thêm nhiều thị trường để phát triển...
Chị Ngô Thị Tín bên bức tranh thêu Trâu vàng
Để được tham gia vào thương hiệu tập thể, các doanh nghiệp, cá nhân sau
khi đăng ký tham gia, Hiệp hội sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng của doanh
nghiệp, cá nhân đó. Nếu đảm bảo yêu cầu về chất lượng, bên cạnh thương hiệu
riêng, những sản phẩm của doanh nghiệp tham gia thương hiệu tập thể sẽ được dán
nhãn, gắn lô-gô thương hiệu tập thể của nghề thêu Hà Nội. Hiện nay, Hiệp hội
Thêu ren Hà Nội đang đẩy nhanh vệc
thành lập ban quả trị thương hiệu và xúc tiến thương mại, khuyến khích hội viên
đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể. Để đảm bảo các Hội viên tham gia giữ vững
chất lượng sản phẩm, Hiệp Hội thành lập một Ban Kiểm tra, thường xuyên kiểm
tra, rà soát chất lượng các sản phẩm gián nhãn, nâng cao giá trị và bảo đảm chất
lượng của sản phẩm nhằm bảo vệ uy tín và phát triển thương hiệu chung.
Mặc dầu có nhiều lợi ích, tuy nhiên, không
phải tất cả những người hoạt động trong lĩnh vực này đều ý thức được giá trị
của thương hiệu tập thể, nên đã qua bốn năm xây dựng, số lượng doanh nghiệp, cá
nhân tham gia thương hiệu tập thể nghề thêu Hà Nội còn hạn chế. Lãnh đạo Hiệp
hội Thêu ren Hà Nội cho biết, để thực hiện được việc này, Hiệp hội cần thêm các
biện pháp hỗ trợ từ phía chính quyền trong tuyên truyền, vận động các doanh
nghiệp cá nhân nâng cao ý thức, đồng thời với việc gìn giữ chất lượng sản phẩm
để duy trì thương hiệu.
Hiện nay, các làng nghề thêu đều đang gặp không ít khó khăn trong đầu ra sản
phẩm, chỉ có liên kết mới giúp nghề thêu đứng vững.
Theo ông Phạm Đăng Khoa, Phó Ban Ban Truyền thông Quan hệ Quốc tế,
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề cần xây dựng đủ bộ về gói xây dựng
thương hiệu gồm: 1- Tên riêng của thương hiệu phải dễ nhớ dễ nghe, không trùng
lặp với thương hiệu khác. 2- Hộp thư điện tử đi kèm. 3- Logo của thương hiệu
riêng. 4- Xây dựng website. 5- Profile giới thiệu hình ảnh công ty, hình ảnh
sản phẩm và trích dẫn địa chỉ dễ tìm nhất trên nền google map. 6- Làm tốt công
tác truyền thông, quảng bá hình ảnh, tìm cách giới thiệu, tiếp cận khách hàng nhất
là khách hàng ngoài nước thông qua các công cụ truyền thông. Bên cạnh đó, cũng
luôn phải cải tiến mẫu mã sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng
cao sức cạnh tranh trên thị trường. “Chúng
tôi sẵn sàng tư vấn giúp các làng nghề và các đơn vị sản xuất thuộc làng nghề
về vấn đề này”, ông Khoa nhấn mạnh.
Thiết nghĩ đây cũng chính
là vấn đề mà doanh nghiệp và doanh nhân làng nghề cần xem xét thấu đáo để phát
triển tốt thương hiệu của mình.
Vu Hạ