LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Trăn trở những xóm nghề...
(Ngày đăng: 10/01/2014   Lượt xem: 1124)
Trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay, ngoài một số làng nghề truyền thống đã có thương hiệu, được thành phố đầu tư để phát triển, vẫn còn những xóm nghề nhỏ, mà ở đó, nhiều người đang vất vả để cái nghề không bị mai một.
Người lao động đang chẻ tre để làm khung quạt.
                         Người lao động đang chẻ tre để làm khung quạt.

Nhiều nghề dần mai một

Những xóm nghề còn tồn tại ở Đà Nẵng hiện nay, có thể kể đến như xóm quạt, xóm giá, xóm bánh bao (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà), xóm chả cá (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê)… Đây là những xóm nghề lâu đời, người lao động gắn bó với nghề từ sau năm 1975 đến nay.

Xóm quạt, trước đây nằm ngay cạnh đường ray xe lửa cũ không còn sử dụng (nay là kiệt đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà). Đường ray được tận dụng để phơi quạt, quanh đó có nhiều bãi đất trống. Thường ngày, người dân trong xóm quây quần, người chẻ tre, rọc tre, người dán hồ, phơi, tạo thành một xóm lao động thủ công khá nhộn nhịp.

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Hường - người cuối cùng trụ lại với nghề làm quạt giấy. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ngổn ngang tre nứa, chị Hường tâm sự: “Thời thịnh nhất, cả xóm này đều làm quạt, vậy mới có tên là xóm quạt, giờ chỉ còn mỗi gia đình tôi. Nhà tôi làm quạt từ sau giải phóng (từ năm 1975 đến nay), tính đến tôi nữa là 3 đời làm quạt. Trước xóm đông vui lắm, ngoài những người làm quạt còn có khách hàng ra vào đặt hàng, rồi những người bán hàng rong vào lấy quạt đem bán khắp nơi. Đi đâu cũng nghe nhắc đến quạt của xóm này, vui lắm”.

Say sưa kể về một thời làm ăn phát đạt, chị Hường không quên kể về những vất vả khi trụ lại với nghề: “Nhìn cái quạt giấy đơn giản như vậy nhưng để làm ra 1 sản phẩm phải đến 14, 15 khâu, cần đến 7, 8 người làm. Giờ trong xóm, ai cũng có công ăn việc làm khác, chẳng còn mặn mà với nghề nữa, chỉ còn vài ba chị nội trợ, tận dụng thời gian rảnh rỗi, nhận quạt về làm kiếm thêm ít tiền chợ thôi”.

Khi chúng tôi thắc mắc, thị trường Đà Nẵng giờ vắng hẳn những chiếc quạt giấy, vậy những chiếc quạt này đã đi về đâu, chị Hường cho biết: “Tại Đà Nẵng, giờ chúng tôi chỉ bán cho mấy người ở các bệnh viện, những người chăm bệnh, còn lại bán về miền quê (Quảng Nam, Quảng Ngãi - PV), nơi người dân còn cần đến nó”.

Rời xóm quạt, chúng tôi đến xóm giá. Đường về xóm giá giờ đã đổ bê tông, chẳng còn những ụ đất to để trồng giá như xưa nữa. Trước đây, cả xóm hơn 10 hộ làm giá, giờ chỉ còn 1 hộ bám trụ với nghề. Chị Mỹ trước đây từng làm giá, tiếc nuối: “Nghề giá của xóm khó mà tồn tại trong điều kiện hiện nay, bởi lẽ làm giá cần nhất là mặt bằng để đổ đất, mà trong khu dân cư không thể đổ đất được, nên nghề lụi tàn là điều dễ hiểu”.

May mắn hơn 2 xóm nghề kia là xóm chả cá (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) khi cả xóm giờ còn gần 10 hộ làm (trước đây khoảng 15 hộ). Theo bà Hồ Thị Chi (một người kinh doanh chả cá lâu năm ở xóm này) cho biết, sở dĩ người dân dần dần bỏ nghề là do thiếu mặt bằng, thiếu vốn, những người trụ lại với nghề đa số là gia đình có truyền thống làm chả cá lâu đời. “Trước đây, hầu như ở phường Tam Thuận này, người dân sống bằng nghề làm chả cá, những quán bán bún chả cá ngon trên địa bàn thành phố đều lấy chả cá ở Tam Thuận”, chị Chi tự hào kể.

Xoay xở để tồn tại

Trước đây, vào thời hoàng kim của nghề làm quạt, cả xóm vài ba chục hộ làm nghề, mỗi ngày sản xuất từ 1.000 - 2.000 cái/hộ. “Giờ còn có mình tôi mà cũng chỉ sản xuất cầm chừng, làm theo mùa thôi. Thịnh nhất là vào mùa hè, ngày cũng được dăm bảy trăm cái, 1 cái quạt bán chỉ 1.000 đồng, vào mùa mưa còn hắt hiu hơn”, chị Hường buồn buồn nói.

Tuy vậy, chị vẫn rất quyết tâm không bỏ nghề khi dự định năm sau sẽ làm thêm quạt xếp, đáp ứng yêu cầu của thị trường. “Tôi mong được các cấp quan tâm, có hướng giúp tôi phát triển nghề thủ công này. Tôi đã đặt máy móc hết rồi, năm sau sẽ lấy về làm”, chị Hường thổ lộ.

Còn chị Chi, mong muốn: “Làm chả cá cần nhất là mặt bằng rộng để có thể phát triển lên thành thương hiệu, chứ cứ làm nhỏ lẻ vậy mãi thì người lao động chỉ bỏ sức ra mà không thu lời lãi được nhiều. Tôi mong chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi thuê đất, hoặc mua đất với giá ưu đãi, rồi tập trung các hộ lại, phát triển thành làng nghề”.

Liên lạc với lãnh đạo địa phương để chuyển lại nguyện vọng của các hộ, chúng tôi nhận được sự đồng cảm của chính quyền nơi đây. Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), cho biết: “Đa số các hộ làm chả cá có lao động nhưng vốn và đầu ra của sản phẩm còn hạn chế. Vì vậy, đối với những hộ diện khó khăn và cần vốn thì địa phương hỗ trợ bằng nguồn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố và cho vay từ nguồn quỹ tiết kiệm của chị em phụ nữ trong khu dân cư, do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý. Ngoài ra, nếu là hộ nghèo cần phương tiện sinh kế thì phường hỗ trợ máy xay chả cá, tạo ra số lượng lớn chả cá tiêu thụ trong ngày. Trước đây, do thông tin tuyên truyền còn hạn chế nên việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của các hộ làm chả cá chưa được chú trọng nhiều. Hiện nay, quận Thanh Khê đã quan tâm và khuyến khích phát triển, trong tương lai sẽ xây dựng thương hiệu chả cá Tam Thuận”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Đông (quận Sơn Trà), cho biết: “Thật sự thì 2 xóm nghề trên địa bàn phường An Hải Đông không còn phù hợp với đặc điểm kinh tế của địa phương nữa. Ví dụ, hiện nay đầu ra của quạt giấy rất hạn chế, khó tiêu thụ thị trường tại chỗ. Còn với xóm giá, việc không có mặt bằng để đổ đất khiến việc trồng giá khó thực hiện được trong khu dân cư, bên cạnh đó dễ gây ô nhiễm môi trường cũng như các vấn đề về giao thông”.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng nói thêm rằng, nếu các hộ gia đình của các xóm này vẫn tha thiết với nghề, tìm được đầu ra, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư thì phường sẵn sàng hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện vay vốn, kiến nghị giảm, thậm chí miễn thuế…

Hy vọng, đây sẽ là hướng đi mới để cho các xóm nghề không lụi tàn và một ngày không xa, sản phẩm của họ sẽ ngược xuôi khắp mọi miền.

                                                                                              Theo: baodanang

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.482.206
Tổng truy cập: