LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), thân thương đất và người
(Ngày đăng: 07/01/2014   Lượt xem: 1624)
Trong nắng trưa vàng rực và cái tĩnh lặng êm đềm của ngôi làng cổ, hình ảnh những đứa trẻ vô tư chơi đùa, cụ già người Chăm mê mải ngồi nặn gốm bên cửa và những bình, lọ, tượng, tranh gốm đứng lặng im trên chiếc giá trưng bày cũ kỹ của một xưởng gốm đã khắc sâu vào tôi những ấn tượng khó quên về một làng nghề vừa bí ẩn, vừa quá đỗi thân thuộc. Đó là làng gốm Bàu Trúc (Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận).

Cái tên Bàu Trúc vốn gợi cho tôi nhiều tưởng tượng phong phú. Tôi đã tìm đọc ít nhiều về mảnh đất này trước khi đặt chân đến, nhưng phải tới khi rong ruổi vào làng, trò chuyện với những người già, những người phụ nữ, những đứa trẻ "cười nhiều, nói ít", tới khi tận mắt, tận tay chạm vào cuộc sống ở đây, tôi mới hiểu được vì sao ngôi làng cổ này lại bền bỉ sức sống đến thế.

 

Dù ăn nên làm ra nhờ nghề gốm, có nhiều sản phẩm được xuất đi nước ngoài, ra thành phố lớn nhưng dọc ngang trong làng không có nhiều nhà cao tầng, xưởng gốm đồ sộ hay những chiếc ô tô tải lớn nhỏ cồng kềnh chở hàng, vận chuyển nguyên vật liệu… Nhịp sống an nhiên phủ bóng xuống những bức tường gạch mộc, những con ngõ quanh co ngang dọc xuyên từ xóm này sang xóm khác, nhà này sang nhà khác.

 

“Ở ngoài Hà Nội vào kia à, mình cũng ra Hà Nội rồi”, một phụ nữ người Chăm đã cười nói khi đón tôi vào nhà. Và trước cả khi tôi kịp ngồi xuống, cô đã nhanh chóng ra lấy đất và dụng cụ rồi bắt tay luôn vào nặn một chiếc bình gốm cho tôi xem. Cô cứ lẳng lặng, vừa làm, vừa trả lời những câu hỏi của người khách lạ về các công đoạn và lịch sử của làng nghề.

 

Gốm Bàu Trúc được làm từ một loại đất sét đặc biệt, được làm sạch, đập nhuyễn, ngâm nước, ủ rồi trộn lẫn với cát mịn nhào nhuyễn và đem đi tạo hình. Sản phẩm được đem phơi nắng, rồi lại phơi trong bóng râm, sau đó mới cho vào lò nung với rơm hoặc củi, canh đúng thời gian vừa đủ để lấy ra phun màu rồi lại tiếp tục nung cho đến “chín”. Sản phẩm ra lò thường không cái nào giống cái nào, mang màu sắc mộc mạc, đậm phong cách Chăm.

Chỉ vào những hoa văn, họa tiết trên những bình, tháp, tượng… cô giảng giải cho tôi hiểu, không phải ai cũng có thể đảm đương được việc trang trí, vẽ hoa văn lên gốm. Đó là công việc đặc thù chỉ dành cho những người tài hoa, nghệ sĩ nhất.

 

Rồi cô kể về chuyến đi xa xăm, lần cô được ra thủ đô, mang theo những bình gốm “lớn nhất Việt Nam” để trưng bày tại Hà Nội trong một dịp hội chợ thủ công mỹ nghệ. Qua câu chuyện của cô, tôi hình dung thấy những người đàn ông và những người đàn bà tha thiết với nghề, cả cuộc đời miệt mài làm gốm; cả cuộc đời sát vai nhau nối tiếp cho những mẻ gốm ra lò, cho những sản phẩm gốm độc nhất vô nhị, nỗ lực để đưa gốm đi thật xa.

 

Trong quãng thời gian lang thang qua làng Bàu Trúc của mình, thật kỳ lạ là số đàn ông tôi gặp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những gương mặt rõ rệt nhất ở lại trong ký ức của tôi về làng nghề này là những người phụ nữ và những đứa trẻ con tươi tắn, đầy sức sống.

 

Những người phụ nữ trung niên với dáng người cao, đôi mắt to, đen và nụ cười phảng phất vẻ xinh đẹp thời son trẻ, những bà cụ già với đôi bàn tay nhăn nheo bế cháu, cổ và tai đeo đầy đồ trang sức ngồi cặm cụi cả ngày trong xưởng gốm, những đứa trẻ đen nhẻm, tóc xoăn, đôi mắt tròn xoe không sợ người lạ. Chúng chơi quanh xưởng, trên đường làng, ngồi xem người lớn nặn gốm, nghịch đất, khóc, cười, và lớn lên…

 

Những cô bé 13-14 tuổi sẽ bắt đầu được dạy để làm nghề. Những người con trai con gái trưởng thành, sống nhờ đất, nhờ gốm, cho đến khi tóc bạc, râu dài, móm răng… vẫn tha thiết với nghề làm gốm. Những nụ cười tôi gặp ở làng gốm như một thông điệp không lời, mãi bền bỉ, chung tình với gốm./.

                                                                                                     Theo: tintucdulich

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.500.080
Tổng truy cập: