LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Nghề mộc cao cấp Vạn Điểm - Địa chỉ tin cậy của mọi nhà
(Ngày đăng: 30/12/2013   Lượt xem: 898)

Sập gụ, tủ chè, Salon... là những thứ thuộc hạng sang trong một ngôi nhà. Những thứ ấy trong xã hội hiện đại ngày nay càng được ưa chuộng. Nói đến các sản phẩm nghề mộc cao cấp, người dân không thể không nhắc đến làng nghề Vạn Điểm.

Tương truyền rằng, nghề mộc Vạn Điểm có xuất xứ đầu tiên từ những nhóm người đi buôn bán đồ cổ đưa các loại bàn ghế cũ về sau đó tiến hành sửa chữa, dần dà bắt chước mẫu mã rồi đóng theo những đồ dùng trong gia đình. Năm tháng trôi qua, trước yêu cầu thị hiếu người tiêu dùng, nghề mộc phát triển nổi trội và trở thành nghề cổ truyền tinh xảo với một tầng lớp thợ chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp. Làng nghề Vạn Điểm bỗng chốc trở thành một vùng quê có nghề nổi tiếng xa gần, những sản phẩm “made in Vietnam” mang thương hiệu Vạn Điểm không chỉ tiêu thụ trong cả nước, mà còn đưa sang nhiều nước trên thế giới. 

 
Không giống như những làng nghề khác, người làng Vạn Điểm không có ông tổ nghề, cũng không xác định chính xác người có công đầu truyền bí quyết cho dân mà do chính những người dân Vạn Điểm từ xa xưa đi lang thang kiếm sống, bán buôn đã mang nghề về cho dân làng.

Trước đây, nghề mộc tập trung chủ yếu ở làng Vạn Điểm. Ngày nay, nghề mộc đã lan rộng ra cả xã, có thể nói lúc nông nhàn, nghề mộc thu hút khá đông lao động, người có điều kiện thì mở xưởng, làm ông chủ, người ít vốn thì làm tại nhà, còn lại đi lao động làm thuê. Vạn Điểm đang phát triển nghề mộc cao cấp ở mức đỉnh cao với nhiều doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp và hàng trăm cơ sở có mức doanh thu thu cao, sản xuất lớn. Nhiều chủ hộ ở đây dự trữ vật tư phục vụ nghề mộc lên tới hàng trăm tỉ đồng hàng hóa, còn lại những hộ có hàng hóa đồ gỗ trị giá vài trăm triệu đồng là thuộc diện bình thường.

Đến Vạn Điểm, du khách sẽ được chứng kiến không khí sôi động, tấp nập của một làng nghề có tiếng đang sản xuất, lao động khá khẩn trương. Cũng như các làng nghề gỗ khác, sản phẩm của người thợ Vạn Điểm làm ra ngày càng đa dạng và phong phú với đủ loại đồ gia dụng như: Sập gụ, tủ chùa (tủ cổ), bàn, ghế và rất nhiều loại thuộc dạng đồ lưu niệm, đồ trang trí như bộ tranh tứ quý, các loại khay, tráp, tủ mi ni, bệ để ngà voi, chậu cảnh trang trí… Nhìn chung, mỗi sản phẩm đều mang đặc trưng, nét riêng của hàng mộc Vạn Điểm với “cái duyên nghề”. Căn cứ vào đó, khách dễ dàng nhận ra sản phẩm Vạn Điểm ở nét hình thưa thoáng, vẻ đẹp trang nhã, họa tiết, hoa văn cổ kính nhưng duyên dáng, ưa nhìn. Để phát triển nghề, người thợ phải mua sắm đồ nghề ngày càng được hiện đại theo hướng các khâu chuyển sang chuyên môn hóa, phân công công việc chuyên sâu tạo thành một dây chuyền sản xuất. Đó là sự khéo léo kế thừa kinh nghiệm của ông cha xưa và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới ngày này để người thợ Vạn Điểm tăng hiệu suất công việc, tạo ra hiệu quả cao cho một làng nghề. Mỗi gia đình có mức sản xuất trung bình giờ đây cũng phải có 5-7 máy với những loại máy thông dụng như: Máy cuốn, máy bào, máy đục, máy vanh, máy mài, máy khoan. Những công đoạn chưa cần đến sự trau chuốt tinh xảo đều do máy làm để bảo đảm nhanh, độ chính xác ca, tạo ra nhiều chi tiết. Chỉ riêng chủ xẻ ở Vạn Điểm đã có chục hộ làm chuyên môn hóa với những loại máy hiện đại nhiều cỡ, vừa cung ứng gỗ cho các hộ trong xã vừa dự trữ nguyên vật liệu với đủ các loại gỗ đáp ứng yêu cầu sản xuất liên tục của xã. Các hộ gia đình tùy theo khả năng có hợp đồng với khách mà tổ chức thuê thợ, trung bình thuê từ 3-5 thợ, hộ sản xuất lớn thì 10-20 thợ về mở xưởng làm ăn tại nhà. Ngoài những tay thợ giỏi của làng, Vạn Điểm còn thu nạp một số thợ của nơi khác có tiếng đến cùng làm như thợ Chuyên Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội), thợ La Xuyên (Nam Định). Công đoạn mộc như pha, cắt, bào, chàng, đục… làm thành các loại bàn ghế, tủ, sập được người thợ Vạn Điểm thao tác nhịp nhàng, thành thục chẳng khác gì những người nghệ sĩ biểu diễn hết sức điêu luyện trên sàn diễn. Sau công đoạn mộc, bước sang giai đoạn chạm khắc gỗ và khảm trai, ốc là những nét tinh tế được thể hiện bằng đôi bàn tay tinh khéo, uyển chuyển để làm nổi bật những hình khối, những dáng vẻ, nét trang trí hoa văn tạo nên vẻ đẹp hoàn mỹ, sống động và gần gũi với đời thường. Tùy theo mặt hàng, theo đơn đặt và hợp đồng của khách mà chủ thợ chọn gỗ cho phù hợp như trắc, gụ, mun… Thợ của làng nghề Vạn Điểm luôn quan tâm đến tiêu chuẩn bậc nhất là gỗ không cong vênh, rạn, nứt, thớ gỗ phải dẻo, mịn mới dễ chạm, đánh bóng mới đẹp để xứng công phu chạm, khảm. Những người thợ lành nghề ở Vạn Điểm chỉ cần phác qua trong óc các đường nét chính sao cho đăng đối, đúng kích thước và thế là các họa tiết, các kiểu hoa, kiểu lá… cứ thế qua nét đục, nét chàng đi nét, tỉa nét mà lên như trọng truyện cổ tích, dân gian. Phải thừa nhận rằng, ngoài sức khỏe, đòi hỏi người thợ Vạn Điểm phải có đức tính cần mẫn, kiên trì với sự thể hiện qua những nét nghề tinh tế, có tái hiện và sáng tạo để sản phẩm hoàn thiện vừa đẹp vừa tinh. Để hoàn chỉnh một sản phẩm phải qua bao giai đoạn, công đoạn khá phức tạp, đòi hỏi tài nghệ đa dạng của người thợ và chỉ với cái tâm, cái tài ấy mới có những tác phẩm hoàn mỹ cho người sử dụng hôm nay và mai sau. Chẳng hạn như để làm một chiếc tủ chè, người thợ Thanh Thùy phải trải qua rất nhiều thao tác như xẻ gỗ, đóng nhân, đục phá, tuông hậu, đục kỹ, cánh bệ, đóng cánh, nong tủ, đánh dầu. Riêng chỉ chuyện nong tủ đòi hỏi phải có tay nghề lão luyện thì các họa tiết mới kết dính bền chặt thành một khối, các bộ phận đăng đối, hài hòa tạo thành một chỉnh thể hoàn mĩ. Trong khâu chạm khắc gỗ, kỹ thuật sơn gắn các bộ phận với nhau cũng rất quan trọng. Dùng sơn sống gắn các mảng rồi bó lại, lấy sơn sống trộn với đất sét mịn, trát vào những chỗ lồi, lõm, quét sơn miết cho thật mịn, gọi là hom. Có nhiều kiểu sơn như sơn lót, sơn thếp, sơn phủ, sơn cầm… Tùy từng đồ vật mà chọn cách sơn cho thích hợp. Những sản phẩm chạm khắc gỗ được làm đẹp thêm bằng kỹ thuật sơn thiếp là truyền thống độc đáo của Việt Nam. Trừ loại gỗ gụ chỉ cần đánh bóng, quang dầu là nổi lên màu nâu đen bóng, còn các loại gỗ khác đều phải sơn hay thếp vàng, thếp bạc. 

 
Sau phần chạm, công đoạn khảm trai, ốc đang làm cho sản phẩm đồ gỗ cao cấp của Vạn Điểm có tiếng và vươn rộng ra thị trường nước ngoài. Trên các sản phẩm đó được chọn khảm biết bao nhiêu đề tài cổ như Lã Vọng câu cá, kết nghĩa vườn đào, hoặc những bức tứ mùa hay những bức khảm chim muông, hoa lá, mai, cúc, trúc, tùng. Người thợ có thể thực hiện bất cứ hình vẽ nào dù tinh tế và phức tạp đến đâu. Giá cả của vật phẩm cũng thay đổi tùy theo độ cầu kỳ của việc khảm và màu sắc chọn vỏ trai, ốc. Công việc khảm là một công đoạn khá tinh vi, rất nghệ sĩ mà đôi bàn tay khéo léo của người thợ thể hiện. Để hoàn thành những sản phẩm khảm trai, ốc, người thợ khảm phải trải qua nhiều công đoạn, từ chế tác các họa tiết bằng trai, ốc, pha thành những thẻ mỏng hơ trên lửa cho dẻo rồi uốn thẳng và mài phẳng trên đá nháp. Người thợ dùng bút đanh nhọn in, vẽ họa tiết lên thẻ trai, ốc, dùng cưa cắt các họa tiết, và dũa hoàn chỉnh các đường nét. Sau đó gắn hoạ tiết trai, ốc lên sản phẩm. Dùng bút đang in các họa tiết lên cốt sản phẩm, căn cứ vào đó mà đục, chạm, tùy độ nông, sâu để hạ trai, ốc xuống, dùng bay xương, hoặc mo sừng phất sơn cẩn xuống lòng hố, đặt họa tiết vào đó rồi ấn nhẹ cho ngay bằng nền cốt. Tiếp sau đó là các công đoạn tỉ mỉ khác như toát sơn, mài róc, thí, gỡ khảm, mài thí, quang bóng và đánh bóng thành phẩm.

Ngày nay, sản phẩm đồ gỗ cao cấp Vạn Điểm đã có mặt ở khắp nơi, trở thành địa chỉ uy tín đáng tin cậy của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Thị trường tiêu thụ nội địa càng mở rộng và việc xuất khẩu đi nước ngoài cũng khá tiện lợi. Ở các cơ quan, xí nghiệp và nhất là các nhà hàng, rồi các gia đình đều xuất hiện những sản phẩm gỗ Vạn Điểm. Hàng hóa của Vạn Điểm ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, phù hợp với giá cả thị trường trong và ngoài nước. Những loại đắt tiền thì làm bằng gỗ trắc, mun, còn thì phổ biến là gỗ gụ và cũng tùy theo giá trị mà hàng được đóng với chất lượng cao, kỹ thuật khá. Ở đây có cả hàng đặt theo hợp đồng và hàng chợ theo nhu cầu người mua. Nhiều lô hàng của tổ hợp, công ty tư nhân và của các chủ hàng đã được xuất sang Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hàng Vạn Điểm đã có tiếng trên thương trường và luôn giữ được chữ tín. Nhiều chủ hộ sản xuất ở Vạn Điểm đã đưa hàng đi triển lãm hội chợ, hội thi và đều dành được những phần thưởng xứng đáng. Người thợ Vạn Điểm luôn năng động, sáng tạo, biết cải tiến các mẫu mã cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Rất nhiều thanh niên sinh ra ở làng quê Vạn Điểm đã đúc kết được kinh nghiệm, học hỏi được nghề trở thành những ông chủ trẻ có xưởng sản xuất quy mô lớn. Có người từ chỗ đi làm thuê, làm mướn đã có tích lũy vốn và tay nghề về mở xưởng sản xuất, trở thành những ông chủ giàu có.

Về miền quê Vạn Điểm hôm nay, ai ai cũng nhận thấy sự đổi thay của một làng nghề với rất nhiều cái mới, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp bình dị của làng quê nông thôn Việt Nam. Xóm làng được thay da đổi thịt, nhiều nhà tầng kiểu biệt thự được mọc lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Vạn Điểm được nâng lên rõ rệt. Hướng tới đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, làng nghề Vạn Điểm tự hào là địa phương phát huy được nghề mộc cao cấp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ đời sống xã hội, con người ngày càng văn minh giàu có, khẳng định được tên tuổi của mình trong vô số những làng nghề truyền thống của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

                                                                                              Theo: thanglonghanoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

4
Đang xem:
72.475.834
Tổng truy cập: