 Nguồn: baothaibinh.com.vn
|
Theo khảo sát
của Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ, TB và XH, cả nước hiện có hơn 1 triệu thợ
thủ công chuyên nghiệp và khoảng 3 triệu thợ bán chuyên nghiệp, nhưng
trong số đó chỉ có khoảng 3% thợ thủ công được đào tạo từ các trường
nghề, số còn lại học nghề theo cách truyền nghề.
Theo
ý kiến các chuyên gia tại các hội nghị về đào tạo nghề được Bộ LĐ, TB
và XH tổ chức vừa qua, công tác dạy nghề vẫn còn khoảng trống về đào tạo
thợ thủ công. Đặc biệt công tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực phát
triển các nghề thủ công truyền thống và làng nghề hiện nay còn nhiều bất
cập, chưa được đầu tư đúng mức và đúng cách. Các cơ sở dạy nghề thủ
công hầu hết chưa đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và giáo
trình chuẩn để dạy các nghề thủ công. Công tác đào tạo nghề vẫn còn theo
cơ chế “xin - cho”, việc đào tạo thợ thủ công tại những trường nghề chỉ
là những “lớp nhô, lớp ghép” phân tán, manh mún và không hướng về hỗ
trợ cho các làng nghề. Giữa nhà trường với các làng nghề không có sự
phối hợp đào tạo nên hệ quả là cả hai hình thức đào tạo bị tách biệt
mạnh ai nấy làm, hiệu quả không cao.
Bên
cạnh đó, sự phát triển nhanh của công nghiệp cơ khí, chế tác và điều
kiện kinh tế thị trường đang làm thay đổi căn bản công nghệ và cách tổ
chức sản xuất của các nghề thủ công. Công nghiệp tạo ra nguồn hàng hóa
dồi dào, giá rẻ sẽ là đối tượng cạnh tranh của hàng hóa thủ công truyền
thống. Nhưng công nghiệp cũng tạo ra cho các nghề thủ công những phương
tiện hoạt động mới như máy móc, thiết bị tiên tiến, nguyên liệu nhân
tạo, giải pháp kỹ thuật mới, tổ chức sản xuất theo công xưởng… nếu biết
kết hợp những lợi thế trên thì nghề thủ công, các làng nghề sẽ có hướng
phát triển mạnh. Sự thay đổi phương thức tổ chức sản xuất đã đặt ra vấn
đề phải thay đổi phương thức đào tạo thợ để có được một đội ngũ thợ thủ
công mới có trình độ lao động phù hợp. Nhưng cho đến nay vấn đề đó vẫn
chưa được quan tâm, hình thức đào tạo truyền nghề trong các làng nghề
vẫn không thay đổi. Tuy có thừa kinh nghiệm truyền thống nhưng lại thiếu
hụt kiến thức về xã hội, ứng dụng kỹ thuật và hiểu biết thị trường...
Kết quả đào tạo theo lối truyền nghề lệ thuộc quá nhiều vào thói quen
làm nghề theo kinh nghiệm riêng, rất khó ứng dụng công nghệ sản xuất lớn
tăng năng suất, giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Khắc phục những điểm yếu này nếu không có sự giúp đỡ của các chuyên gia,
không có sự hỗ trợ của các trường dạy nghề chính quy thì các nghệ nhân
làng nghề không thể nào khắc phục được.
Để
giúp cho các nghề thủ công phát triển kết hợp được những giá trị truyền
thống với tiến bộ kỹ thuật, điều quan trọng là phải quan tâm đến công
tác đào tạo thợ thủ công để dần hình thành đội ngũ thợ thủ công mới có
đầy đủ phẩm chất kỹ thuật, thẩm mỹ và tay nghề giỏi. Điều quan trọng là
đầu tư cho đào tạo thợ thủ công phải đúng mức và đúng cách. Với đặc thù
của nghề thủ công, việc duy trì hình thức đào tạo truyền nghề trong các
làng nghề là cần thiết nhưng các nhà quản lý nên chăng hướng hoạt động
của các trường dạy nghề gắn chặt với các làng nghề nhằm khai thác ưu thế
của hình thức truyền nghề, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết của
nó tạo thành sự phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo. Nhà nước cần
có sự hỗ trợ và đầu tư cho các làng nghề mở trường, lớp dạy nghề; đồng
thời có chính sách cụ thể khuyến khích các nghệ nhân trực tiếp đào tạo
nghề truyền thống, các chuyên gia đào tạo kỹ thuật mới và đào tạo những
kiến thức trình độ như thiết kế mẫu, công nghệ sản xuất...
Phát
triển các nghề thủ công không chỉ góp phần phát triển kinh tế đất nước
mà còn là công cụ hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, góp phần phát huy bản
sắc văn hóa dân tộc. Sự phát triển các nghề thủ công hoàn toàn phụ thuộc
vào chất lượng đội ngũ thợ thủ công, trong đó chất lượng đào tạo thợ
thủ công là khâu quan trọng nhất...